Chiều 5-4, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị công tác luân chuyển cán bộ, lấy ý kiến đóng góp của đại diện các cơ quan có cán bộ luân chuyển đi và đến, cán bộ luân chuyển vào dự thảo Báo cáo sơ kết công tác luân chuyển cán bộ ở các địa phương, cơ quan, đơn vị nhiệm kỳ 2011-2016. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì Hội nghị.
|
Toàn cảnh Hội nghị |
Phát biểu khai mạc, đồng chí Phạm Minh Chính cho biết: Hội nghị làm rõ hơn Báo cáo sơ kết và xác định mục đích, yêu cầu, quan điểm, nguyên tắc, nhiệm vụ, giải pháp trong công tác luân chuyển cán bộ nhiệm kỳ 2016-2021. Đây cũng là dịp để Ban Tổ chức Trung ương nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ luân chuyển và đại diện các cơ quan có cán bộ luân chuyển đi và đến. Đồng chí khẳng định, trên cơ sở các chủ trương, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, công tác luân chuyển cán bộ trong nhiệm kỳ qua đã đạt được một số kết quả tích cực: tạo chuyển biến về nhận thức và tổ chức thực hiện công tác luân chuyển cán bộ tại các cấp ủy, tổ chức đảng; góp phần tích cực vào việc đào tạo, bồi dưỡng, thử thách và rèn luyện cán bộ; từng bước khắc phục tư tưởng cục bộ, kép kín, trì trệ, bảo thủ trong đội ngũ cán bộ; góp phần bổ sung đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương... Tuy nhiên công tác luân chuyển cán bộ thời gian qua còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế về tư duy, cách làm còn chậm đổi mới; chưa có phương pháp đánh giá chính xác đối với cán bộ luân chuyển; chưa xây dựng được các quy định về công tác luân chuyển cán bộ một cách đầy đủ, đồng bộ và chặt chẽ. Một số mục tiêu, yêu cầu đặt ra đối với công tác luân chuyển cán bộ chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa hiệu quả...
Nhiệm kỳ 2011-2016, cả nước đã luân chuyển 18.840 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp. Luân chuyển kết hợp với bố trí một số chức danh lãnh đạo không phải người địa phương đối với 3.121 lượt cán bộ ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Qua thực tiễn thực hiện công tác luân chuyển, các đại biểu đều thống nhất đánh giá chủ trương luân chuyển cán bộ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư là đúng đắn, phù hợp và sát với nhu cầu thực tiễn. Công tác luân chuyển là nhu cầu thiết thực của các cấp ủy, tổ chức đảng trong xây dựng và chuẩn bị đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Hội nghị tập trung thảo luận một số vấn đề:
Đối tượng luân chuyển: lựa chọn các đồng chí có trình độ, năng lực, uy tín, khả năng tập hợp, đoàn kết nội bộ, bảo đảm độ tuổi phát triển…
Đầu ra cho cán bộ luân chuyển: các ý kiến cho rằng lựa chọn cán bộ luân chuyển phải bảo đảm quy hoạch, có kế hoạch dài hạn để bố trí công tác cho cán bộ luân chuyển về, hạn chế việc “thừa” cán bộ sau luận chuyển, tạo điều kiện cho sự phát triển của cán bộ …
Vị trí luân chuyển: việc bố trí cán bộ luân chuyển đúng với sở trường của cán bộ, làm sao để phát huy trình độ, năng lực của cán bộ, nên mạnh dân phân công cho cán bộ luân chuyển vào vị trí cấp trưởng; nếu bố trí vào vị trí phó chủ tịch thì nên cơ cấu vào ban thường vụ cấp ủy để vừa rèn luyện chuyên môn, vừa có điều kiện nắm được công tác đảng…
Thời gian, thời điểm thực hiện luân chuyển: thời gian luân chuyển cán bộ nên từ 3 đến 5 năm, thời điểm thực hiện nên là năm thứ hai sau đại hội. Luân chuyển cán bộ để đào tạo thì nên thực hiện thường xuyên, còn luân chuyển cán bộ để bố trí lên vị trí cao hơn nên tiến hành theo đợt. Phân biệt giữa luân chuyển cán bộ và điều động cán bộ…
Chế độ chính sách đối với cán bộ luân chuyển: cơ quan luân chuyển cán bộ cần có chính sách động viên, khuyến khích đối với cán bộ luân chuyển, thực hiện quy hoạch cán bộ luân chuyển, giữ mối liên lạc, gặp gỡ nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cán bộ luân chuyển. Cơ quan có cán bộ luân chuyển đến cần tạo môi trường làm việc thuận lợi, phân công công việc phù hợp.
Ngoài ra, các ý kiến phát biểu tại Hội nghị cũng thảo luận về vai trò của cấp ủy nơi cán bộ được luân chuyển đến; trách nhiệm, nỗ lực của cán bộ luân chuyển; việc chuẩn bị tiêu chuẩn, điều kiện cho cán bộ luân chuyển nhất là khả năng xử lý tình huống; tính liên thông trong công tác cán bộ bảo đảm cho thực hiện luân chuyển cán bộ có hiệu quả, thời gian tổ chức đánh giá công tác luân chuyển…
Các ý kiến góp ý sẽ được Ban Tổ chức Trung ương tiếp thu, tổng hợp, trên cơ sở đó đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định một số chủ trương, giải pháp thực hiện công tác luân chuyển trong thời gian tới.
Phạm Giang