Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa

Tham dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương; Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Trần Sỹ Thanh, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.         

Về phía tỉnh Thanh Hoá có các đồng chí: Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đã bày tỏ vui mừng trước những kết quả ấn tượng mà Thanh Hóa đạt được trong 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Bên cạnh đó, các đồng chí cũng chia sẻ những băn khoăn, trăn trở, như: Thanh Hóa có nhiều tiềm năng lợi thế nhưng sự phát triển chưa tương xứng; chưa có nhiều ý tưởng sáng tạo nhằm khai thác tốt nguồn lực trong dân, trong doanh nghiệp; đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn...

Chính vì vậy, để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, cần lấy truyền thống văn hóa, lịch sử làm nền tảng, phát triển kinh tế - xã hội là trọng tâm. Coi yếu tố con người là nhân tố quan trọng để đi đến thành công. Muốn vậy, phải quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát hiện, bồi dưỡng nhân tài làm động lực cho sự phát triển. Dựa vào nội lực để phát triển là cơ bản, là chiến lược lâu dài và khai thác tốt ngoại lực để tạo nên sự đột phá.

Thanh Hóa cần tìm ra lợi thế cạnh tranh của tỉnh để từ đó xây dựng các chính sách, quy hoạch, bổ sung phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Trong chiến lược phát triển, quan tâm xây dựng các đô thị vệ tinh mới tại các vùng kinh tế động lực của tỉnh như Lam Sơn, Nghi Sơn, khu vực đường ven biển; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong phát triển các lĩnh vực. Xây dựng được các cơ chế để huy động tốt nguồn lực trong nhân dân, trong doanh nghiệp cho phát triển. Đi đôi với phát triển kinh tế, cần giữ vững an ninh - quốc phòng, kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm. Trong công tác xây dựng đảng, hệ thống chính trị, cần bám sát các nghị quyết của Trung ương, các kế hoạch, chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện hiệu quả, chú trọng việc nêu gương của người đứng đầu, của cán bộ đảng viên; đồng thời chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược để giới thiệu, bổ sung cho Trung ương.

Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, để hoàn thành thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra.

Sau khi lắng nghe các ý kiến của các thành viên đoàn công tác, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao 3 năm qua Thanh Hóa đã có bước phát triển tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, để lại ấn tượng mạnh mẽ, nhất là về tăng năng lực, quy mô sản xuất, kết cấu hạ tầng được xây dựng đồng bộ, tạo nên diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn và thành thị. Đời sống nhân dân được nâng lên. Công tác xây dựng đảng, hệ thống chính trị, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được tăng cường. Phát huy được sự đoàn kết, thống nhất, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của tỉnh cùng với các bộ, ngành liên quan dành nhiều công sức, tâm huyết để đưa Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng vốn đầu tư 9 tỷ USD vào vận hành thương mại.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý tăng trưởng kinh tế của Thanh Hóa vẫn ở dưới mức tiềm năng, chưa cân đối được thu – chi ngân sách, các tập đoàn kinh tế lớn vào đầu tư còn ít, cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật, bảo đảm tốt tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh: Thanh Hóa phải tiến hành công nghiệp hóa mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển đất nước, biến những ước mơ, khát vọng thành hiện thực để đưa Thanh Hóa đi lên. Phải đầu tư những hạ tầng quan trọng như cảng, sân bay, các tuyến giao thông lớn. Ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển nông - lâm nghiệp, nhất là khu vực phía Tây của tỉnh. Chú trọng đào tạo lao động có tay nghề cao, xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt – đó là yếu tố quyết định cho sự phát triển.

Thủ tướng cho rằng “Tứ Sơn” (Nghi Sơn, Bỉm Sơn, Sầm Sơn, Lam Sơn) đang đặt ra cho Thanh Hóa những tầm nhìn quy hoạch tốt hơn. Phải phát triển “Tứ Sơn” thành động lực tăng trưởng. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn liền với chế biến. Sẵn sàng, chủ động đón đầu kỷ nguyên số, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Muốn vậy phải cải cách tốt hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đầu tư, phải bám vào mục tiêu người dân được hưởng lợi cao nhất. Đi liền với nó phải chú ý đến việc xã hội hóa nguồn lực để phát triển. Cùng với cải cách mạnh mẽ hành chính phải đổi mới cách chỉ đạo, điều hành. Khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.

Thanh Hóa phải vươn lên là tỉnh có nhiều mặt dẫn đầu, đổi mới sáng tạo, có đóng góp lớn cho ngân sách trung ương, làm tốt công tác an sinh xã hội, nhất là vùng miền núi dân tộc. Phải trở thành một tỉnh kiểu mẫu toàn diện như Bác Hồ từng căn dặn.

Thủ tướng cho rằng Thanh Hóa là đất địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, có vị trí chiến lược quan trọng. Đó là tiềm năng rất lớn mà Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh phải biết khai thác, phát huy, đưa Thanh Hóa phát triển tự tin, năng động, hòa nhập quốc tế sâu rộng, xứng đáng với truyền thống quý báu của cha ông.

Thủ tướng cơ bản thống nhất với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa, giao các bộ, ngành, cơ quan liên quan xem xét, nghiên cứu, thực hiện theo quy định, báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt quá thẩm quyền.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã trân trọng tiếp thu ý kiến chỉ đạo sâu sắc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, đồng thời cam kết sẽ nỗ lực, cố gắng hết sức mình để lãnh đạo đảng bộ hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra, phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh khá của cả nước, tạo nền móng vững chắc đưa Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh công nghiệp, hiện đại.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất