Hội thảo “60 năm tác phẩm “Đạo đức cách mạng” - Giá trị lý luận và thực tiễn đối với công tác xây dựng đảng hiện nay”
Toàn cảnh hội thảo.

Tham dự hội thảo có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, đại diện Thường trực và Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy: An Giang, Nghệ An, Hưng Yên, Hải Dương và nhiều nhà khoa học thuộc nhiều cơ quan nghiên cứu và giảng dạy chính trị.

Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy những bất cập, hạn chế trong công tác cán bộ; đã xuất hiện tình trạng một số cán bộ vi phạm đạo đức cách mạng và mắc các khuyết điểm: muốn nghỉ ngơi, sợ gian khổ, ngại công việc khó, không ham học tập, thiếu cảnh giác, kém kỷ luật, muốn tiêu xài rộng rãi, thích phô trương, lãng phí, tham ô, hủ hóa, ghen tị địa vị, quan liêu, bao biện, không tin vào lực lượng quần chúng… Nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, mà nguyên nhân chính bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân có thể gây phương hại to lớn cho sự nghiệp của Đảng, của dân tộc và nhân dân ta. Xuất phát từ thực tiễn ấy, Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Ðạo đức cách mạng” đăng trên Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) số 12, với bút danh Trần Lực. Tác phẩm được Nhà xuất bản Sự thật in thành sách và phát hành ngay trong tháng 12-1958.

Tác phẩm “Đạo đức cách mạng” không chỉ là lời nhắn gửi, là ước nguyện của Người về việc rèn luyện đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, đó còn là thông điệp, là lý luận của Người về xây dựng một đảng cầm quyền trong sạch vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ cách mạng mà Tổ quốc và nhân dân giao phó. Đó cũng là những chỉ dẫn quý báu của Người về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức phải được thực hiện trong mọi hoạt động, lý luận và thực tiễn; trong cuộc sống hằng ngày cũng như trong công việc, luôn phải đặt trong các mối quan hệ với mình, với người và với công việc.


Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính Trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (ảnh trên) khẳng định: Tác phẩm “Đạo đức cách mạng” là vũ khí sắc bén trong nhận diện và đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, có ý nghĩa giáo dục to lớn trong công tác xây dựng đảng và công tác cán bộ hiện nay. Tác phẩm "Đạo đức cách mạng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, trở thành tư tưởng chỉ đạo cho công tác xây dựng đảng, công tác cán bộ và là phương châm hành động, tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất