Ngày 23-1, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ. Cùng dự làm việc, có đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Văn phòng T.Ư Ðảng. Ðồng chí Ngô Ðức Vượng, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ báo cáo với đồng chí Trương Tấn Sang và Ðoàn công tác tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh năm 2009; triển khai thực hiện Chỉ thị 37-CT/T.Ư và kết quả thực hiện Nghị quyết Ðại hội lần thứ 16 của Ðảng bộ tỉnh, phương hướng nhiệm vụ đến năm 2015.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Trương Tấn Sang bày tỏ sự vui mừng trước những kết quả mà Phú Thọ đạt được trong phát triển kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội. Năm 2009, mặc dù ảnh hưởng do suy thoái kinh tế toàn cầu, song nhờ các gói kích cầu của Chính phủ, kinh tế của Phú Thọ đã giữ ổn định tốc độ tăng trưởng GDP đạt hơn 7,6%, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 1.300 tỷ đồng. Tỉnh đã tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, các ngành nên mức huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển đạt hơn 7.200 tỷ đồng; nhiều dự án trọng điểm đã được cấp phép và khởi công xây dựng... Công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị luôn được quan tâm chú trọng, trong 5 năm, toàn tỉnh đã kết nạp 12.202 đảng viên. Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được triển khai sâu rộng, tạo bước chuyển biến quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng. Việc thực hiện Chỉ thị 37-CT/T.Ư của Bộ Chính trị về thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ cơ sở bầu cấp ủy, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, Phú Thọ đã triển khai đầy đủ và chọn 32 đảng bộ cơ sở để làm điểm. Ðến nay, đã có 9 đảng bộ cơ sở tiến hành đại hội, dự kiến tháng 2-2010 sẽ hoàn thành.
Ðồng chí Trương Tấn Sang đã chỉ ra một số mặt hạn chế mà Phú Thọ cần nghiên cứu để khắc phục, đó là: Kinh tế - xã hội phát triển chưa vững chắc, tiềm năng đất đai, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất - kỹ thuật chưa được khai thác triệt để; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhìn chung còn chậm và chưa tạo được bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng và đảng viên còn nhiều bất cập; công tác phát triển đảng viên ở vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn, việc thành lập tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn chậm; việc triển khai Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" chưa đồng đều, kết quả làm theo ở một số nơi chưa rõ nét...
Về phương hướng nhiệm vụ những năm tiếp theo, đồng chí Trương Tấn Sang lưu ý Phú Thọ cần quan tâm phát triển giao thông, hạ tầng kỹ thuật để thu hút các nhà đầu tư; tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển công nghiệp, nhất là trong lĩnh vực may mặc, xi-măng, khai thác và chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng; chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ, xây dựng nền công nghiệp công nghệ cao; phát triển dịch vụ du lịch, nhất là du lịch nghỉ dưỡng và du lịch tâm linh như Khu di tích lịch sử Ðền Hùng, Vườn Quốc gia Xuân Sơn và đồng thời chú ý giữ gìn, phát huy tốt bản sắc văn hóa dân tộc. Ðặc biệt, tỉnh cần chăm lo đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ và sử dụng cán bộ để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội; quan tâm hơn nữa công tác xây dựng đảng, củng cố hệ thống chính trị, coi đây là nhiệm vụ then chốt để chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể tham gia phát triển kinh tế-xã hội nhằm đưa Phú Thọ sớm thoát khỏi tỉnh nghèo và trở thành một tỉnh công nghiệp vào năm 2020.
(Nguồn: Báo Nhân Dân)