|
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cùng các đại biểu tìm hiểu, trao đổi về cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
|
Dự buổi lễ có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; các Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng.
Phát biểu tại Lễ ra mắt, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác đối ngoại ra mắt trong thời điểm hết sức quan trọng. Đất nước ta đã trải qua hơn nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII, đang nỗ lực, đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Sự ra đời cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng càng cho thấy, Đảng ta luôn coi đối ngoại là trọng yếu, thường xuyên, là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, có vai trò và đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Trương Thị Mai khẳng định.
Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh việc xuất bản cuốn sách này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết những tư tưởng cốt lõi của đối ngoại, ngoại giao Việt Nam xuyên suốt hàng ngàn năm lịch sử dân tộc với đỉnh cao là nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, cùng với phương pháp luận ngoại giao Việt Nam trong đánh giá tình hình thế giới, nhận diện những đặc điểm của thời đại, cơ hội và thách thức cho Việt Nam trong mỗi thời kỳ lịch sử…
Cuốn sách của Tổng Bí thư đã nhìn lại xuyên suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, đặc biệt là hơn 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chỉ rõ chúng ta đã kế thừa, phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa của nhân loại, phát triển trên nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, để từ đó hình thành nên trường phái đối ngoại, ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh rất đặc sắc, độc đáo, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Có thể nói, cuốn sách là một công trình đồ sộ nhất, công phu nhất, sinh động nhất làm rõ bản sắc độc đáo, xuyên suốt đó của nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam.
Đối với bạn bè quốc tế, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho rằng cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo có giá trị cho những ai muốn tìm hiểu về đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam và là minh chứng sáng tỏ về sự kiên định, nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng, Nhà nước ta. Nội dung cuốn sách còn biểu hiện sự đồng tình, ủng hộ của các chuyên gia, nhà chính trị, nhà ngoại giao, bạn bè quốc tế về vai trò và những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác đối ngoại những năm qua.
Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đề nghị ngay sau Lễ ra mắt cuốn sách, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền, giới thiệu về nội dung cuốn sách đến đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; dịch ra tiếng nước ngoài để bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về giá trị của cuốn sách, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, đặc biệt là các cơ quan làm công tác đối ngoại, ngoại giao sớm tổ chức cho cán bộ, đảng viên đọc, nghiên cứu, quán triệt sâu sắc nội dung cuốn sách. Các chi bộ mở sinh hoạt chuyên đề về nội dung cuốn sách. Hệ thống giáo dục toàn quốc, nhất là các học viện, trường chính trị, trường đại học, cao đẳng cả nước xây dựng thành tài liệu học tập, nghiên cứu về công tác đối ngoại, ngoại giao trên cơ sở nội dung cuốn sách, làm rõ sự phát triển về nhận thức, lý luận của Đảng ta về công tác đối ngoại, ngoại giao; các mục tiêu tổng quát, phương châm, tư tưởng, hành động và các nhiệm vụ, giải pháp định hướng đối ngoại thời gian tới.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, ngành, địa phương cần vận dụng đúng đắn, phù hợp các bài học kinh nghiệm được đúc rút từ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác đối ngoại, ngoại giao nêu trong cuốn sách; góp phần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ đối ngoại trong thời gian tới…
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng nội dung những bài viết, bài phát biểu trong cuốn sách đã được chắt lọc, đúc kết từ nghiên cứu lý luận sâu sắc và hoạt động thực tiễn cách mạng phong phú của Tổng Bí thư; thể hiện tầm nhìn chiến lược, trí tuệ sáng suốt, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, đúng đắn của Tổng Bí thư đối với công tác đối ngoại, ngoại giao, góp phần phát triển tư duy lý luận của Đảng ta về đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Cuốn sách thực sự là một tài liệu rất có giá trị về lý luận và thực tiễn, là cuốn cẩm nang quý báu về đối ngoại đối với đội ngũ làm công tác đối ngoại của các ngành, các cấp và trong toàn hệ thống chính trị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Nội dung cuốn sách gồm ba phần. Phần thứ nhất: Vai trò quan trọng và đóng góp to lớn của công tác đối ngoại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gồm bài viết tổng quan và 7 bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hội nghị ngoại giao, hội nghị đối ngoại toàn quốc.
Các bài viết, bài phát biểu thể hiện tư duy chiến lược của người đứng đầu Đảng ta về đường lối, chính sách đối ngoại, ngoại giao Việt Nam. Trên cơ sở đánh giá những kết quả, thành tựu của đối ngoại, ngoại giao đã "góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung, to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta", nhờ đó "vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế", Tổng Bí thư chỉ rõ mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng cho công tác đối ngoại nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phần thứ hai: Đối ngoại Việt Nam vì độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, gồm 78 bài nói, bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn, thư, điện... của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các hoạt động, diễn đàn ngoại giao song phương, đa phương, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các trụ cột đối ngoại là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân.
Trải qua các giai đoạn, trên các cương vị: Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước, các bài viết, bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng thể hiện quan điểm, chủ trương đối ngoại trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Việt Nam đã có quan hệ hợp tác rộng mở cả song phương và đa phương với các đối tác, trong các lĩnh vực, ở tất cả các cấp, ngành, đưa các quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả, thực chất, gia tăng tin cậy chính trị và đan xen lợi ích; huy động, kết hợp hiệu quả các nguồn lực bên ngoài với nội lực trong nước nhằm chủ động tham gia, tích cực đóng góp, "nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế" vì lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích chung của cộng đồng quốc tế trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Phần thứ ba: Dấu ấn đối ngoại, ngoại giao, gồm 52 ý kiến của các chuyên gia, nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu, bạn bè quốc tế về vai trò, đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc hình thành, phát triển đường lối đối ngoại Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam".
Những kỷ niệm, những ấn tượng hay câu chuyện của các đại sứ, các cán bộ làm công tác đối ngoại, ngoại giao, nhà báo, người Việt Nam ở nước ngoài được tháp tùng, được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong các chuyến thăm, làm việc ở trong và ngoài nước, thể hiện tình cảm, sự kính trọng, niềm tin tưởng đối với sự lãnh đạo của Đảng và Tổng Bí thư.
Nguồn: TTXVN