Sáng 20-9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng Ðoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức CH Kazakhstan,Vương quốc Ðan Mạch và CH Hungary. Nhân dịp này, Thứ trưởng Ngoại giao NGUYỄN QUỐC CƯỜNG đã trả lời phỏng vấn nhóm phóng viên đi theo Đoàn về kết quả nổi bật và những việc cần triển khai trong thời gian tới để thực hiện những thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
Phóng viên (PV): Xin đồng chí Thứ trưởng cho biết kết quả nổi bật chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới ba nước Kazakhstan, Ðan Mạch và Hungary?
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường: Chuyến thăm chính thức ba nước của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thành công rất tốt đẹp. Ở những nơi tới thăm, Thủ tướng và Ðoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam đều nhận được sự đón tiếp nồng hậu và trọng thị. Trong tất cả các cuộc gặp, lãnh đạo các cấp của ba nước đều đánh giá cao những thành tựu Việt Nam đạt được trong công cuộc đổi mới. Thủ tướng cùng các nhà lãnh đạo ba nước trao đổi sâu rộng và đạt được sự nhất trí về phương hướng và nhiều biện pháp cụ thể nhằm đưa mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Kazakhstan, Ðan Mạch và Hungary lên một bước phát triển mới, điều đó được thể hiện rõ qua những kết quả nổi bật sau:
Một là, các nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường mạnh mẽ quan hệ chính trị - ngoại giao, tăng cường trao đổi các đoàn cấp cao làm động lực thúc đẩy quan hệ trên các lĩnh vực. Nữ hoàng Ðan Mạch sẽ thăm Việt Nam vào tháng 11-2009; Tổng thống Kazakhstan và Thủ tướng Ðan Mạch khẳng định sẽ thăm Việt Nam vào năm 2010; Thủ tướng Hungary, Chủ tịch QH ở ba nước đều mong sớm thăm Việt Nam. Nếu như chuyến thăm Kazakhstan của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau 15 năm không có trao đổi đoàn cấp cao đã khởi động lại và tạo xung lực mới cho quan hệ hai nước trên cơ sở nhận thức chung về lợi ích và tiềm năng, thì chuyến thăm Ðan Mạch đã đưa quan hệ hai nước lên thành "đối tác vì phát triển bền vững" trên cơ sở lâu dài và ổn định, và chuyến thăm Hungary đã góp phần củng cố mối quan hệ tốt đẹp được vun đắp trong gần 60 năm qua, như lãnh đạo bạn nhận xét, có tầm "đối tác chiến lược" đối với Hungary tại khu vực Ðông - Nam Á và châu Á.
Trên lĩnh vực đối ngoại, cả ba nước đều nhất trí tăng cường phối hợp, hợp tác với Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, nhất là ở LHQ. Việt Nam sẽ trở thành thành viên chính thức của "Diễn đàn hội nghị phối hợp hành động và xây dựng các biện pháp tin cậy ở châu Á" (CICA). Việt Nam sẽ tạo điều kiện và sẵn sàng làm cầu nối để ba nước mở rộng quan hệ với các nước Ðông - Nam Á, ASEAN và các tổ chức khu vực ở châu Á; khẳng định ủng hộ Kazakhstan gia nhập WTO, ủng hộ Hungary vào Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO, ủng hộ Ðan Mạch tổ chức thành công Hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu tại Cô-pen-ha-gen vào tháng 12 tới. Hungary và Ðan Mạch ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với Liên hiệp châu Âu (EU); Hungary ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2009 - 2013; Hungary và Kazakhstan tuyên bố công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường...
Hai là, ta và các nước bạn đều thống nhất thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư, coi đây là lĩnh vực hợp tác ưu tiên cao trong những năm tới. Với Kazakhstan, đó là hợp tác về năng lượng, dầu khí (Kazakhstan là nước có trữ lượng dầu mỏ gần năm tỷ tấn, đứng thứ tám trên thế giới), kim loại mầu. Với Ðan Mạch là các lĩnh vực xây dựng cảng biển, dịch vụ hậu cần, vận tải biển, tài chính ngân hàng, phát triển năng lượng sạch, công nghệ thông tin, ứng phó biến đổi khí hậu và môi trường. Với Hungary là hợp tác về khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin, y tế, dược phẩm, chế biến thực phẩm... Cũng phải kể thêm là, các Diễn đàn doanh nghiệp ở cả ba nước tới thăm đã thu hút sự tham gia đông đảo các nhà doanh nghiệp. Một số thỏa thuận, hợp đồng được ký kết, nhiều quan hệ đối tác đã được xác lập giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp ba nước. Ðây cũng là một kết quả rất quan trọng của chuyến thăm.
Ba là, trong chuyến thăm, ta đã ký một loạt các hiệp định, thỏa thuận với ba nước. Ðây là những văn kiện pháp lý rất quan trọng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác với ba nước trên nhiều lĩnh vực cả về chính trị, kinh tế - thương mại và giáo dục - đào tạo, lao động, khoa học - kỹ thuật. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, Ðan Mạch và Hungary đều khẳng định tiếp tục ưu tiên ODA cho Việt Nam trong những năm tới.
Bốn là, lãnh đạo ba nước đều đánh giá tích cực về cộng đồng người Việt Nam. Các nhà lãnh đạo Hungary nhiều lần nhấn mạnh, với gần 4.000 người Việt Nam đã và đang học tập, cùng hơn 4.000 người Việt Nam đang làm việc, sinh sống ở nước bạn, Việt Nam là nước có nhiều người biết tiếng Hungary, hiểu về đất nước, văn hóa Hungary nhất trên thế giới. Ðan Mạch cũng đánh giá cao những đóng góp của hơn 12.000 người Việt Nam vào đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội của Ðan Mạch. Trên tinh thần đó, lãnh đạo ba nước cam kết ủng hộ đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để cộng đồng người Việt ở ba nước được tiếp tục làm ăn, học tập và sinh sống hợp pháp, đồng thời là sứ giả, cầu nối cho tình hữu nghị và mối quan hệ hợp tác ngày càng tốt đẹp giữa Việt Nam với ba nước.
Nói tóm lại, những kết quả quan trọng nói trên đã mở ra những triển vọng mới rất tốt đẹp cho quan hệ giữa Việt Nam với Kazakhstan, Ðan Mạch và Hungary ngày càng phát triển toàn diện, hiệu quả và thiết thực.
PV: Xin đồng chí Thứ trưởng cho biết những việc cần triển khai trong thời gian tới để thực hiện những thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm?
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường: Ðúng là chúng ta có rất nhiều việc phải làm để triển khai những thỏa thuận quan trọng đã đạt được trong chuyến thăm. Trước mắt có ba loại công việc cần làm ngay:
Trước hết, cần chuẩn bị thật tốt và tổ chức chu đáo các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo các nước này tới Việt Nam, trước hết là chuyến thăm Việt Nam của Nữ hoàng Ðan Mạch (tháng 11-2009) và của Tổng thống Kazakhstan, Thủ tướng Ðan Mạch (trong năm 2010). Cùng đi với Nữ hoàng và Hoàng gia sẽ có hơn 70 doanh nghiệp hàng đầu của Ðan Mạch. Tiếp đó, các bộ, ngành và địa phương cần tích cực và chủ động trong việc triển khai các thỏa thuận đã đạt được; đồng thời tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện khung pháp lý cho các lĩnh vực hợp tác; tích cực chuẩn bị cho các kỳ họp Ủy ban liên chính phủ với Hungary và Ðan Mạch vào tháng 12 tới. Chúng ta cần sớm thỏa thuận các văn bản công nhận nền kinh tế thị trường với Kazakhstan và Hungary, sớm ký Hiệp định tránh đánh thuế trùng với Kazakhstan, sớm tiếp tục trao đổi với Ðan Mạch về các dự án hợp tác xây dựng cảng biển, dịch vụ và vận tải biển, xử lý rác thải bệnh viện, hợp tác giáo dục - đào tạo... Có rất nhiều các công việc cụ thể như vậy mà nếu ta không quyết tâm triển khai một cách quyết liệt thì sẽ không thể tận dụng tốt các cơ hội được mở ra sau chuyến thăm. Ðồng thời, các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thời cơ, đà phát triển quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và ba nước để mở rộng đầu tư, làm ăn, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp bạn trên những lĩnh vực mà ta và các bên có thế mạnh. Ngay trong thời gian chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành cần bắt tay ngay vào việc triển khai các thỏa thuận nêu trên.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí Thứ trưởng.
(Nguồn: Nhân Dân điện tử)