Một nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng và nhân dân Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Lê Duẩn

Đồng chí Lê Duẩn, tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 7 tháng 4 năm 1907, tại làng Bích La, xã Triệu Đông (sau là làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành) huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Xuất thân từ một gia đình lao động có truyền thống cách mạng, đồng chí thuộc lớp người đầu tiên hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đi theo con đường của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Năm 1928, đồng chí tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và năm 1930 trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương.
 

Năm 1931, đồng chí là Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ. Ngày 20 tháng 4 năm 1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt tại Hải Phòng, bị kết án 20 năm tù, bị giam ở các nhà tù Hỏa Lò, Sơn La và Côn Đảo. Tại nhà tù, đồng chí cùng với nhiều đảng viên cộng sản lãnh đạo các cuộc đấu tranh chống chế độ giam cầm hà khắc và tổ chức việc học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị cho các chính trị phạm.

Cuối năm 1936, đồng chí được trả tự do, tiếp tục hoạt động cách mạng, khôi phục các tổ chức đảng ở Trung Kỳ. Năm 1937, làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Năm 1939, đồng chí được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Tháng 11 năm 1939, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6, cùng với các đồng chí trong Ban Thường vụ, đồng chí tham gia soạn thảo Chính sách mới của Đảng, góp phần quyết định thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ, đặt vấn đề giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Đây là một quyết định quan trọng của Đảng, chuyển hướng chiến lược, đưa cách mạng nước ta phát triển sang một thời kỳ mới.

Năm 1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn, bị kết án 10 năm tù và bị đày ra Côn Đảo lần thứ hai. Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được đón về đất liền, tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến tại Nam Bộ.


Năm 1946, đồng chí Lê Duẩn ra Hà Nội, làm việc bên cạnh Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh. Đồng chí đã góp phần cùng Trung ương Đảng chuẩn bị cuộc kháng chiến chống Pháp.

Từ 1946 đến 1954, với cương vị Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, rồi Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí đã lãnh đạo Đảng bộ miền Nam, nhân dân chống thực dân Pháp và tiến hành cải cách ruộng đất trong các vùng giải phóng.

Năm 1951, tại Đại hội Đảng lần thứ II, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Năm 1952, đồng chí ra Việt Bắc.

Từ 1954 đến 1957, đồng chí được phân công ở lại miền Nam lãnh đạo phong trào cách mạng. Tháng 10-1954, thi hành quyết định của Bộ Chính trị, Hội nghị thành lập Xứ uỷ Nam Bộ được tiến hành tại căn cứ Chắc Băng (Cà Mau) do đồng chí chủ trì. Tại Hội nghị, đồng chí được bầu làm Bí thư Xứ uỷ. Trên cương vị Bí thư Xứ uỷ, đồng chí đã có những cống hiến quan trọng vào việc tháo gỡ khó khăn, góp phần xác định đường lối cách mạng giải phóng miền Nam. Gắn bó mật thiết với cơ sở, từ kinh nghiệm thực tiễn đấu tranh tại chiến trường miền Nam, năm 1956, đồng chí đã hoàn thành văn kiện quan trọng: Đề cương cách mạng miền Nam. Đề cương nêu rõ, ngoài con đường cách mạng, nhân dân miền Nam không có con đường nào khác; phương hướng phát triển của cách mạng miền Nam là dựa vào lực lượng cách mạng, chính trị của quần chúng làm căn bản để đánh đổ Mỹ-Diệm. Đề cương cách mạng miền Nam đã góp phần chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn cho Nghị quyết Trung ương 15, khoá II (1959).

Cuối năm 1957, đồng chí ra Hà Nội, vào Ban Bí thư Trung ương Đảng, chủ trì công việc của Ban Bí thư và là Phó ban chuẩn bị văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng. Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, đồng chí góp phần vào quá trình chuẩn bị và tổ chức Hội nghị Trung ương 15, khoá II. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 được thông qua tại Đại hội III của Đảng, hoàn chỉnh thành chiến lược cách mạng cho nhân dân miền Nam đánh Mỹ và thắng Mỹ. Trong hoàn cảnh quốc tế phức tạp lúc bấy giờ, quyết tâm tiến hành chiến tranh nhân dân, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đánh địch trên các mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, bằng ba thứ quân, ba vùng chiến lược… là một sáng tạo độc đáo của Đảng ta.

Nhận xét về vai trò của đồng chí Lê Duẩn trong thời gian này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: “Đồng chí là một nhà lý luận, một nhà hoạt động và tổ chức thực tiễn đã vận dụng một cách sáng tạo học thuyết Mác-Lênin. Quan điểm nổi bật của đồng chí: cách mạng là chủ động và tiến công.” (Lê Duẩn và cách mạng Việt Nam, Nxb CTQG, H.1997, tr 26).

Tháng 9-1960, tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, giữ chức Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương và Bí thư Quân uỷ Trung ương.

Tại các Đại hội Đảng lần thứ IV (12-1976) và lần thứ V (3-1982), đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, giữ chức Tổng Bí thư đến khi mất. Đồng chí cũng đảm nhiệm chức Bí thư Quân ủy Trung ương từ năm 1978 đến năm 1984.

Đồng chí là đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VII.

Đồng chí được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân chương cao quý của Nhà nước Liên-xô, Lào, Mông Cổ, Hung-ga-ri, giải thưởng quốc tế Lênin. Đồng chí qua đời ngày 10 tháng 7 năm 1986 tại Hà Nội.

Suốt 26 năm trên cương vị Bí thư Thứ nhất và Tổng Bí thư, đồng chí đã cùng Bộ Chính trị và Trung ương Đảng kiên định đường lối độc lập, tự chủ, tranh thủ sự viện trợ, giúp đỡ của anh em và bè bạn quốc tế, sáng suốt lãnh đạo nhân dân cả nước đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội; lãnh đạo quân và dân ta anh dũng đánh thắng các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, thu được những thành tựu quan trọng trong công cuộc khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng.

Là học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí đã sớm khẳng định là một nhà lãnh đạo ở tầm chiến lược, nhà lý luận của cách mạng Việt Nam, thể hiện ở nhãn quan chính trị rộng lớn, tư duy lý luận sắc sảo, luôn sáng tạo. Tiêu biểu nhất là những đóng góp của đồng chí vào việc xác định những Chính sách mới của Đảng ở Hội nghị Trung ương 6 (1939); vào đường lối cách mạng dân tộc, dân chủ qua bản kiến nghị quan trọng - Đề cương cách mạng miền Nam - cũng như việc chỉ đạo chuẩn bị Nghị quyết Trung ương 15 (1959); những chỉ thị chỉ đạo cách mạng miền Nam được tập hợp trong tác phẩm Thư vào Nam và tác phẩm Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, vì tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới. Đồng chí đã góp phần quan trọng cùng với Bộ Chính trị phát triển, bổ sung đường lối cách mạng Việt Nam trên cả hai lĩnh vực: Đấu tranh giải phóng dân tộc và tiến hành sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.


Bạn bè quốc tế đánh giá về đồng chí Lê Duẩn:

“Đồng chí Lê Duẩn là nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng Cộng sản Việt Nam, người con ưu tú của nhân dân Việt Nam, người kế tục trung thành sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, là chiến sĩ kiên cường của phong trào cộng sản quốc tế, phong trào công nhân và phong trào độc lập dân tộc, nhà hoạt động kiên quyết cho hoà hình, hữu nghị giữa các dân tộc.

Trong gần sáu thập kỷ, đồng chí Lê Duẩn đã cống hiến sức lực và trí tuệ, tri thức và tài năng của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đưa cả nước Việt Nam tiến lên CNXH. Suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình, bất kỳ trong hoàn cảnh nào của cuộc đấu tranh khó khăn, gian khổ, bị địch bắt bớ, tù đầy cũng như thời gian đảm nhận sứ mệnh cao cả của Đảng, đồng chí luôn luôn tỏ rõ nghị lực cách mạng kiên cường, trung thành tuyệt đối với Đảng, với lợi ích của đất nước và nhân dân. Đồng chí Lê Duẩn là một trong những nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã góp phần rất quan trọng vào việc đề ra đường lối chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam...”. (Điện của đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn, ngày 11-7-1986).

“Đồng chí Lê Duẩn là một trong những nhân vật nổi bật nhất của những năm gần đây ở Đông-Nam Á. Cuộc đời của đồng chí Lê Duẩn là cuộc đời hoạt động phong phú trên nhiều lĩnh vực ở nhiều giai đoạn quyết định, góp phần vào việc củng cố nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền nhân dân Việt Nam”. (TTX Phren-xa-la-ti-na, Báo Nhân Dân ngày 13-7-1986).

“Ngài Tổng Bí thư Lê Duẩn, người đã  giữ một vai trò hết sức quan trọng trong lịch sử của Việt Nam...”. (Điện của Tổng thư ký Liên hiệp quốc, Ha-vi-ê-pêrêt Đê Cu-ê-gia, Báo Nhân Dân ngày 16-7-1986).
“Đồng chí Lê Duẩn, nhà cách mạng - một chiến sĩ hết lòng, hết dạ phục vụ nhân dân, đã cống hiến cả cuộc đời sáng ngời của mình cho việc thực hiện ước mơ xây dựng một nước Việt Nam thống nhất xã hội chủ nghĩa. Đồng chí Lê Duẩn có uy tín lớn trong phong trào cộng sản quốc tế. Tên tuổi của đồng chí mãi mãi sẽ là tấm gương sinh động đối với các chiến sĩ đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và phản động, vì hoà bình, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. (Đồng chí N.I Rư-giơ-cốp, Uỷ viên BCT  Đảng Cộng sản Liên-xô, Chủ tịch HĐBT).

 

“Trong gần 60 năm hoạt động cách mạng, tuyệt đối trung thành với Chủ nghĩa Mác-Lênin, với lợi ích của Tổ quốc và nhân dân, đồng chí Lê Duẩn đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn là một nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng và nhân dân ta, một chiến sỹ kiên cường của phong trào cộng sản quốc tế, phong trào công nhân và phong trào độc lập dân tộc” (Thông cáo đặc biệt của BCHTW Đảng, Tạp chí Cộng sản, tháng 7-1986).

 

Phản hồi (1)

Hoàng Yến 14/04/2011

Hơn bao giờ hết chúng ta cần phải xây dựng Đảng ta là một đảng được lòng dân và tuyệt đối vì lợi ích dân tộc. Phải cương quyết loại bỏ những đảng viên kém phẩm chất. Cần nói ít và làm nhiều việc ích nước lợi nhà để củng cố xây dựng đất nước ta giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh!

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất