Ngày 30-11-2018, tại Quảng Ninh, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị cán bộ Trung ương luân chuyển. Các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Văn Túy, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các ban đảng, bộ, ban, ngành ở Trung ương; lãnh đạo một số vụ, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương; đại diện lãnh đạo một số địa phương và các cán bộ được Trung ương điều động, luân chuyển hiện đang công tác tại địa phương từ khóa X, XI và từ đầu khóa XII đến nay.
Toàn cảnh Hội nghị cán bộ Trung ương luân chuyển.
Theo báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương do đồng chí Nguyễn Thanh Bình trình bày tại hội nghị, từ sau Đại hội XII đến nay, Ban Tổ chức Trung ương đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định điều động, phân công, luân chuyển 16 đồng chí cán bộ Trung ương về địa phương công tác; phân công, bố trí công tác khác đối với 26 đồng chí cán bộ Trung ương luân chuyển đang công tác tại địa phương. Đến thời điểm hiện nay, còn 22 đồng chí cán bộ Trung ương luân chuyển trên 36 tháng đang công tác tại địa phương.
Công tác luân chuyển cán bộ từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay được tiến hành bài bản, chặt chẽ, đồng bộ, minh bạch, khách quan và dân chủ theo đúng chủ trương, quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; góp phần từng bước khắc phục những tồn tại, yếu kém và khuyết điểm trong thời gian qua. Việc lựa chọn cán bộ, địa bàn, chức danh luân chuyển được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng theo phương châm “làm đến đâu, chắc đến đó”; có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ, cơ quan nơi đi với địa phương nơi đến; cán bộ luân chuyển là cán bộ trẻ, chủ yếu cấp thứ trưởng và tương đương, có phẩm chất, năng lực, triển vọng phát triển. Việc phân công, bố trí đối với cán bộ sau luân chuyển được Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy, tổ chức đảng luôn quan tâm; phân công, bố trí công tác đã có sự đổi mới, từng bước phù hợp với năng lực, sở trường, chức danh quy hoạch, kết quả, thành tích và sản phẩm công tác cụ thể của cán bộ sau luân chuyển. Hầu hết các đồng chí cán bộ luân chuyển đều có nhận thức đúng đắn, ý thức trách nhiệm cao, chấp hành sự phân công, điều động, bố trí công tác của các cấp có thẩm quyền; nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, việc luân chuyển cán bộ mới chủ yếu thực hiện từ Trung ương về địa phương; luân chuyển từ địa phương về Trung ương hoặc luân chuyển ngang giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị chưa nhiều. Có nơi chưa lãnh đạo làm tốt công tác tư tưởng chính trị, còn có biểu hiện cục bộ, khép kín và chưa tạo điều kiện, môi trường công tác đối với cán bộ luân chuyển. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị đang thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy nên luân chuyển cán bộ, bố trí công tác đối với cán bộ sau thời gian luân chuyển có những khó khăn, bất cập.
Để làm tốt hơn nữa công tác luân chuyển cán bộ trong thời gian tới, hội nghị đã thảo luận và đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:
1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và thực hiện nghiêm, có hiệu quả chủ trương, quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác luân chuyển cán bộ. Đồng thời tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định, chế độ, chính sách đối với cán bộ luân chuyển.
2. Kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong công tác luân chuyển cán bộ, nhất là việc chạy luân chuyển; bảo đảm công tác luân chuyển cán bộ chặt chẽ, công khai, minh bạch, khách quan và thực sự vì mục đích chung.
3. Gắn công tác luân chuyển cán bộ với việc thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt không phải người địa phương và chuẩn bị một bước nhân sự nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo.
4. Quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ luân chuyển phát huy năng lực, sở trường, rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm thực tiễn; chủ động tham mưu, đề xuất phân công, sắp xếp, bố trí công tác phù hợp đối với cán bộ sau luân chuyển.
5. Cán bộ luân chuyển tiếp tục phát huy tính tiền phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đồng thời, chấp hành nghiêm sự phân công, điều động, bố trí công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp có thẩm quyền.
Kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính cảm ơn các ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu dự hội nghị. Các ý kiến cơ bản thống nhất cần tiếp tục thực hiện công tác luân chuyển cán bộ để góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; luân chuyển cán bộ cần đa dạng, nhiều chiều hơn để giúp bổ sung nguồn cán bộ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương. Các chủ thể trong công tác luân chuyển cán bộ gồm cá nhân cán bộ luân chuyển phải sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được phân công, phải xác định gắn bó với cơ quan, địa phương nơi đến; trong thực hiện công việc phải hết sức tâm huyết và trách nhiệm, vô tư, trong sáng; đồng thời tranh thủ tối đa sự ủng hộ của đảng bộ và nhân dân cũng như của đồng nghiệp, cán bộ, nhân viên cấp dưới ở nơi đến công tác. Chủ thể thứ hai là các cơ quan, đơn vị nơi cử cán bộ đi luân chuyển phải xác định đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, quy trình làm công tác luân chuyển phải được công khai, dân chủ, khách quan và công bằng. Chủ thể thứ ba là các cơ quan, đơn vị, địa phương nơi tiếp nhận cán bộ luân chuyển cần tạo điều kiện giúp đỡ để cán bộ luân chuyển có cơ hội phát huy tối đa năng lực để đóng góp, cống hiến cho nơi mình luân chuyển đến. Chủ thể thứ tư là cơ quan chủ trì tham mưu và các cơ quan phối hợp cần phát huy hơn tinh thần trách nhiệm trong xây dựng kế hoạch, theo dõi, đánh giá và bố trí công việc sau khi luân chuyển; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan và đặc biệt là với các cán bộ được đi luân chuyển.
Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, trong thời gian tới, để công tác luân chuyển cán bộ được hoàn thiện cần phải làm tốt hơn một số việc: Các cơ quan đơn vị, địa phương nghiên cứu kỹ, thực hiện nghiêm túc Quy định số 98-QĐ/TW ngày 7-10-2017 của BCH Trung ương về luân chuyển cán bộ và Kết luận số 24-KL/TW ngày 15-12-2017 của Bộ Chính trị về chủ trương, nguyên tắc điều động, phân công, bố trí công tác đối với cán bộ Trung ương sau luân chuyển. Có kế hoạch cụ thể, kịp thời để khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực hiện công tác luân chuyển cán bộ, nhất là việc bố trí, tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển, đa dạng hơn các lĩnh vực và quan tâm hơn đến chính sách cán bộ sau luân chuyển. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan cần chặt chẽ và hiệu quả hơn. Kiên quyết chống tiêu cực, lợi ích nhóm, tham nhũng trong công tác luân chuyển, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên…
Xuân Sơn