Chiều ngày 21-7, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn, phổ biến chính sách pháp luật về bảo vệ biên giới Tổ quốc năm 2022.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông; Vũ Thị Mai Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Biên giới phía Tây, Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao; đồng chí Phạm Ngọc Khoái, Trợ lý Phòng Tuyên huấn Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cùng đông đảo các cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại, phóng viên, biên tập viên trên địa bàn TP. Hà Nội.
Hội nghị nhằm mục đích nâng cao nhận thức, hiểu biết của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ làm thông tin đối ngoại về chính sách pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kỹ năng viết bài đối với các vấn đề liên quan đến bảo vệ biên giới Tổ quốc.
Đồng chí Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu khai mạc tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, các phóng viên, biên tập viên được chia sẻ các kiến thức về: Chính sách pháp luật của Việt Nam về phân giới cắm mốc; việc phát triển biên giới trên tinh thần hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; Ý nghĩa tầm quan trọng của việc giải quyết dứt điểm vấn đề biên giới giữa đất liền với các nước có chung đường biên giới, của việc hoàn thành xây dựng đường biên giới rõ ràng, chính xác, hiện đại, có giá trị pháp lý đối với sự phát triển của mỗi quốc gia và sự hòa bình, ổn định của khu vực; Tình hình thực hiện pháp luật tại các tỉnh có đường biên giới trong thời gian qua và tình hình phân giới cắm mốc tại các tỉnh có đường biên giới.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, đồng chí Hồ Hồng Hải khẳng định sau 30 năm đổi mới, đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn trong đó có nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều thế lực thù địch chống phá, trong khi nhiều địa phương tại biên giới trình độ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa còn nhiều hạn chế; xuất hiện nhiều loại hình tội phạm như tội phạm ma túy, tội phạm công nghệ cao, tội phạm xuyên biên giới… Để ngăn chặn hành vi chống phá của các loại tội phạm về biên giới, trong nhiều năm qua chúng ta đã có nhiều chương trình kế hoạch, hành động. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 33 về Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia. Nghị quyết nêu rõ việc quản lí, bảo vệ biên giới là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, khẳng định việc bảo vệ biên giới phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc, mỗi người dân là biên giới, là cột mốc. Trên cơ sở triển khai Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1191, ngày 5-8-2020 phê duyệt mục tiêu và nhiệm vụ giải pháp đổi mới cũng như nâng cao năng lực công tác thông tin tuyên truyền, thông tin đối ngoại góp phần xây dựng mốc biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển.
Tại Hội nghị, đồng chí Vũ Thị Mai Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Biên giới phía Tây, Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao đã giới thiệu chuyên đề “Chính sách, pháp luật về bảo về biên giới quốc gia và thành quả xác lập biên giới trên đất liền Việt Nam - Căm-pu-chia cho đến nay”. Đồng chí Vũ Thị Mai Liên khẳng định biên giới, lãnh thổ quốc gia là bất khả xâm phạm. Chủ trương, chính sách của Đảng về bảo vệ biên giới quốc gia xác định rõ mục tiêu xây dựng hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển; bảo vệ, phòng thủ vững chắc biên giới quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới và cả nước. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp của các thế lực thù địch xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia…
Đồng chí Vũ Thị Mai Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Biên giới phía Tây, Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao đã giới thiệu chuyên đề “Chính sách, pháp luật về bảo về biên giới quốc gia và thành quả xác lập biên giới trên đất liền Việt Nam - Căm-pu-chia cho đến nay”.
Phó Vụ trưởng Vụ Biên giới phía Tây, Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao cũng cho biết, để xác lập biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và các nước cần trải qua 4 bước: thỏa thuận các nguyên tắc; hoạch định đường biên giới; phân giới, cắm mốc và pháp lý hóa thành quả đạt được; triển khai quản lý biên giới theo kết quả. Đường biên giới giữa Việt Nam và Căm-pu-chia dài 1.258km, tiếp giáp với 10 tỉnh của Việt Nam. Hiện nay giữa hai nước có tất cả 41 cửa khẩu hoạt động; kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Căm-pu-chia tương đối phát triển, chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2022 đạt 5,44 tỷ đô-la Mỹ, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Hội nghị cũng được lắng nghe chuyên đề “Tình hình biên giới và quan điểm của Đảng, Nhà nước về bảo vệ biên giới quốc gia” do đồng chí Phạm Ngọc Khoái, Trợ lý Phòng Tuyên huấn Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trình bày với các nội dung chính: Biên giới quốc gia nước CHXHCN Việt Nam; Tình hình các tuyến biên giới; Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta đối với sự nghiệp bảo vệ biên giới quốc gia”.
Theo đó, đồng chí Phạm Ngọc Khoái đã giới thiệu về các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Căm-pu-chia. Ngoài ra, đồng chí Phạm Ngọc Khoái cũng cho biết, hiện nay có 433 đồn biên phòng đóng tại 25 tỉnh biên giới đất liền, 28 tỉnh biên giới trên biển với trên 5.000km đường biên giới đất liền và 3.260km đường biên giới biển. Do đó, đồng chí bày tỏ mong các phóng viên, biên tập viên tích cực tham gia tác nghiệp, nắm bắt thực tiễn và phản ánh đời sống của cán bộ chiến sỹ và bà con vùng biên.
Đông đảo phóng viên, biên tập viên tham gia Hội nghị.
Tin: Hồng Hạnh
Ảnh: Ngọc Anh