Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Tham dự khai mạc Hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư. Cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các cơ quan, đơn vị, các cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, huyện, cấp cơ sở của các tỉnh ủy… cùng hơn 959 nghìn cán bộ, đảng viên ở 7.439 điểm cầu từ Trung ương tới cơ sở trên toàn quốc.
Quang cảnh Hội nghị.
Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng về mặt nhận thức; nhằm giúp cán bộ, đảng viên nắm vững nội dung cốt lõi, những điểm mới trong các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trên cơ sở đó, cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình hành động để tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, đồng thời tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, tạo sự thống nhất về ý chí và hành động trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư (ảnh trên) đề nghị, các cấp ủy, tổ chức đảng, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, nhất là người đứng đầu thực hiện tốt 5 vấn đề trọng tâm, trong đó, việc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ là bước đầu, điều quan trọng là phải sớm đưa nội dung Nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống. “Ngay sau Hội nghị này các cấp ủy, tổ chức đảng phải tập trung xây dựng chương trình hành động cụ thể hóa bằng các kế hoạch, đề án khả thi sát với điều kiện thực tế, định lượng được kết quả, hiệu quả thiết thực góp phần nâng cao đời sống nhân dân và sự phát triển mạnh mẽ của mỗi địa phương, đơn vị. Đặc biệt các cơ quan Trung ương, theo chức năng, nhiệm vụ của mình tập trung nghiên cứu sớm cụ thể hóa, thể chế hóa nội dung Nghị quyết Đại hội XIII thành luật pháp, cơ chế, chính sách để sớm thực thi trong đời sống, kịp thời khắc phục hạn chế yếu kém mà Đại hội đã chỉ ra đó là: chỉ đạo và tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu chậm được khắc phục, năng lực cụ thể hóa thể chế hóa chủ trương, nghị quyết còn hạn chế”, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Giới thiệu, quán triệt chuyên đề “Báo cáo cáo chính trị của BCH Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương (ảnh trên) nhắc lại chủ đề Đại hội lần thứ XIII của Đảng với 5 thành tố trọng tâm, trong đó nhấn mạnh nội hàm mới của những nhân tố này. Nhìn toàn cục của Báo cáo, có 2 nội dung bao trùm và xuyên suốt đó là khẳng định một cách đầy đủ, toàn diện nhất vai trò lãnh đạo của Đảng, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Thứ 2 là nội dung “dân là gốc”, Nhân dân là trung tâm, là chủ thể là cội nguồn sức mạnh trong công cuộc đổi mới.
Đề cập đến những nội dung mới trong xây dựng Đảng, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết, vấn đề công tác cán bộ và phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiếp tục được đề cập rất rõ ràng trong Báo cáo: “Công tác xây dựng Đảng về cán bộ không chỉ chúng ta lựa chọn đúng, phát hiện đúng, đào tạo đúng, sử dụng đúng, quy hoạch đúng, bổ nhiệm đúng mà còn phải xây dựng được cơ chế để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, phải làm việc được trên môi trường quốc tế. Công tác kiểm tra, giám sát, công tác phòng, chống tham nhũng mạnh hơn, quyết liệt hơn, bài bản hơn, nhưng trong này có nhấn mạnh là chúng ta phải hoàn thiện hệ thống pháp luật để không dám tham nhũng. Chúng ta phải có cơ chế khuyến khích để người ta không muốn tham nhũng. Phải có cơ chế pháp luật để xác định rất rõ những sai phạm để xử lý cán bộ mà vi phạm là không dám. Hoàn thiện cơ chế pháp luật để người ta biết được người ta làm như thế là đúng thì người ta không thể tham nhũng được vì quy định quá chặt chẽ, rõ ràng”.
Buổi chiều, các đại biểu tiếp tục nghe báo cáo chuyên đề “Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ của BCH Trung ương khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (ảnh trên) trình bày. Theo đồng chí Phạm Minh Chính, trong nhiệm kỳ khóa XII, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 130 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ. Chưa có nhiệm kỳ nào ban hành được nhiều nghị quyết, công tác cán bộ, toàn bộ công tác xây dựng Đảng như nhiệm kỳ này. “Có thể nói trong nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được BCH Trung ương, Bộ Chính trị và các cấp uỷ, tổ chức Đảng đặc biệt chú trọng. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện toàn diện, đồng bộ các nội dung của công tác xây dựng Đảng với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, có trọng tâm, trọng điểm, hành động quyết liệt và đạt được nhiều kết quả quan trọng”, đồng chí Phạm Minh Chính thông tin.
Đồng chí Phạm Minh Chính cũng cho biết, nhiều vấn đề khó, phức tạp đã được đặt ra để thực hiện từ những năm trước nhưng hiệu quả thấp, chưa đạt được yêu cầu đề ra. Đến nay, những vấn đề này đã đạt được những kết quả cụ thể, rõ rệt. Theo đó, việc đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn đầu mối, tinh giảm biên chế. Trong đó, việc thực hiện tinh giản biên chế đạt kết quả rõ nét, biên chế của cả hệ thống chính trị giảm liên tục; góp phần giảm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển. Công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ có nhiều đổi mới, thể hiện rõ nhất là việc Trung ương luân chuyển, điều động bổ nhiệm cán bộ. Đặc biệt, Bộ Chính trị đã chỉ đạo tự kiểm tra, rà soát việc thực hiện công tác cán bộ trong toàn hệ thống chính trị. Ban Bí thư đã ban hành kết luận chỉ đạo các tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chấn chỉnh công tác cán bộ và xử lý dứt điểm những tập thể, cá nhân vi phạm. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám soát quyền lực; chống chạy chức, chạy quyền.
“Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đạt kết quả cao. Các cấp ủy đã kiểm tra gần 265.000 tổ chức đảng và trên 1,1 triệu đảng viên. Trong đó, đã thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và gần 70.000 đảng viên. Riêng BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng, 229 đảng viên. Đáng chú ý, tỉ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng liên tục tăng từng năm như năm 2016 là 26%, đến năm 2020 là 38,43%. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong toả tài khoản hơn 84.000 tỉ đồng; thu về cho ngân sách nhà nước trên 35.000 tỉ đồng. Theo số liệu của Tổ chức Minh bạch quốc tế, năm 2018, Việt Nam xếp thứ 117/180 quốc gia, năm 2019 xếp thứ 96/180”, đồng chí Phạm Minh Chính khẳng định.
Trong sáng mai (28-3), các đại biểu sẽ nghe báo cáo “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025” do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ trình bày. Trong buổi chiều mai, các đại biểu sẽ nghe báo cáo 2 chuyên đề, trong đó chuyên đề “Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam” do đồng chí Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày; chuyên đề “Những nhận thức mới và tư duy mới về an ninh quốc gia” do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày.
Ngô Khiêm