Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP Đà Nẵng và TP Hải Phòng
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.

Cùng dự, có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì buổi làm việc.

Sau khi nghe lãnh đạo Ban Kinh tế T.Ư báo cáo, Bộ Chính trị đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc vào Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33. Thay mặt Bộ Chính trị, kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 33 đã tạo cú huých cho Đà Nẵng trong quá trình đi lên. Sau 15 năm thực hiện, Đà Nẵng có bước phát triển nhanh, mạnh, đúng hướng; hạ tầng kinh tế, đô thị có nhiều thay đổi. Chỉ số cạnh tranh, chỉ số phát triển con người có nhiều tiến bộ. Đà Nẵng là điển hình cho một thành phố năng động, sáng tạo, biết khai thác các tiềm năng thế mạnh tại chỗ và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương để phát triển. Chưa bao giờ Đà Nẵng có bộ mặt, cơ đồ như hiện nay. 

Trong quá trình đó, Đà Nẵng đã biết kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với quản lý, phát triển đô thị, giữa kinh tế với văn hóa xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh. Giai đoạn 2003 - 2018, tốc độ tăng trưởng bình quân tổng sản phẩm quốc nội trên địa bàn thành phố (GRDP) ước đạt khoảng 10%/năm; so năm 2003, giá trị GRDP năm 2018 tăng 4,2 lần, GRDP bình quân đầu người tăng gần bảy lần. Cơ cấu kinh tế ngành chuyển dịch theo hướng hiện đại “dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp”. Ngành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao nhất, là động lực thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố theo hướng bền vững và trở thành trung tâm dịch vụ lớn của miền trung. Diện mạo đô thị thay đổi nhanh chóng, không gian phát triển đô thị được mở rộng gấp bốn lần so năm 2003, tạo nhiều điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan; kết cấu hạ tầng phát triển mạnh mẽ và tương đối hiện đại, đạt nhiều thành quả vượt bậc trong tiến trình xây dựng thành phố cảng biển lớn, đô thị văn minh, hiện đại.

Tuy nhiên, Bộ Chính trị cũng chỉ ra rằng, với vị thế địa chính trị, kinh tế và nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng Đà Nẵng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng cũng như sự kỳ vọng của nhân dân cả nước; chưa làm được vai trò là trung tâm của miền trung và Tây Nguyên. Công tác xây dựng quy hoạch tổng thể và dài hạn còn hạn chế.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, so với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, thì công tác xây dựng Đảng còn nhiều hạn chế, như việc bố trí cán bộ, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò của tổ chức cơ sở Đảng,… Thành phố đi lên từ đất, nhưng khuyết điểm, vi phạm cũng từ đất, công tác sử dụng, quản lý đất đai có vấn đề; giàu lên từ đất và khổ sở cũng từ đất, để xảy ra một số vụ việc đáng tiếc. Đây là bài học cần rút kinh nghiệm sâu sắc.

Về định hướng, tư tưởng chỉ đạo chung là cần phát huy truyền thống văn hóa, cách mạng của quê hương Đà Nẵng; làm thật tốt công tác tư tưởng, vững vàng đi lên nhanh hơn, mạnh hơn, chắc chắn hơn, nhưng không được để xảy ra sơ hở, vi phạm, xây dựng Đà Nẵng thật sự là thành phố thông minh, đáng sống, là trung tâm kinh tế văn hóa xã hội của miền trung và Tây Nguyên. Thành phố cần thường xuyên rà soát, bổ sung quy hoạch; tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn có lợi thế; phát triển công nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ du lịch. Cần xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao; chú trọng vai trò của Đà Nẵng đối với Biển Đông, chủ động, phát hiện các vấn đề từ xa, không để xảy ra bị động, bất ngờ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Đà Nẵng cần chú trọng làm thật tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đối với một số mặt nổi cộm, cần tìm mọi cách khắc phục cho hiệu quả, ngăn ngừa, vô hiệu hóa các phần tử xấu lợi dụng chống phá. Tập trung làm tốt công tác tư tưởng, xây dựng đoàn kết nội bộ, trước hết là trong tập thể Ban Thường vụ Thành ủy, phát huy dân chủ, chấn chỉnh đội ngũ, không vì một số vụ việc tiêu cực vừa qua mà nhụt chí. Bộ Chính trị thống nhất sẽ ban hành nghị quyết về Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trên cơ sở kế thừa Nghị quyết 33, bổ sung những điểm mới sao cho phù hợp điều kiện, tình hình mới. Cái nào đã rõ, đã chín thì quyết tâm làm; cái nào còn vướng thì bàn, nghiên cứu và kịp thời có hướng giải quyết, thực hiện. Bộ Chính trị đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương hỗ trợ Đà Nẵng phát triển toàn diện.


Các đồng chí Bộ Chính trị chụp ảnh chung với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng. Ảnh: TTXVN

Các đồng chí Bộ Chính trị chụp ảnh chung với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng.

* Sau khi nghe tờ trình của Ban Kinh tế Trung ương và ý kiến phát biểu của đại diện các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Bộ Chính trị thống nhất đánh giá: Trong 15 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP Hải Phòng đã nỗ lực phấn đấu, phát triển mạnh mẽ, nhanh và bền vững hơn; kinh tế Hải Phòng tăng trưởng khá cao, bình quân gấp 1,68 lần mức tăng chung cả nước; năm 2017, quy mô kinh tế gấp 4,27 lần so với năm 2003; giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt 3.964 USD, gấp 1,54 lần bình quân cả nước; tăng 5,43 lần so với năm 2003…


Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Hải Phòng là một trong những TP có vị trí hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng và đối ngoại. Nhất trí với đa số ý kiến đánh giá Hải Phòng đã tiến hành tổng kết công phu, nghiêm túc việc triển khai thực hiện nghị quyết, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ do nghị quyết đề ra, những kết quả đã đạt được và những điểm chưa được như mong muốn… Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, Hải Phòng không say sưa với những kết quả đã đạt được. Thành tựu rất đáng tự hào, đáng mừng, nhưng so với mục tiêu đề ra trong nghị quyết cũng có điểm chưa đạt được như mong muốn, chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế của một thành phố cảng thiên thời, địa lợi, nhân hòa, là trung tâm, đầu mối giao thông ở khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc cả về đường bộ, đường biển, đường hàng không…, lại được sự quan tâm của Trung ương và cả nước.                  


Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cơ bản nhất trí với định hướng phát triển của TP Hải Phòng thời gian tới, xác định rõ những mục tiêu, giải pháp cụ thể; các ý kiến đóng góp, bổ sung hoàn thiện thêm, làm cơ sở cho TP tiếp tục phát triển trong giai đoạn sắp tới. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Hải Phòng cần tiếp tục phát huy truyền thống trung dũng, kiên cường trong kháng chiến, TP hoa phượng đỏ đi đầu trong đổi mới, phải nắm bắt được nhu cầu mới, khả năng tiềm lực mới để phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa; chú trọng phát triển mạnh kinh tế biển, dịch vụ biển, logistics, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, văn hóa, khoa học giáo dục, đặc biệt chú trọng quốc phòng an ninh; phát huy mạnh hơn nữa vai trò trung tâm của vùng đồng bằng Bắc bộ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng yêu cầu Hải Phòng phải chú ý làm tốt công tác xây dựng Đảng, thực hiện tốt Nghị quyết của Trung ương về tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, hoạt động hiệu lực hiệu quả; về công tác cán bộ, đào tạo cán bộ, phát huy vai trò, sức mạnh của tập thể trên cơ sở tình đồng chí vì sự nghiệp chung; tăng cường đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, bảo đảm cho kinh tế - xã hội phát triển mạnh và toàn diện thì mới bền vững được...


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất