Thực hiện Kế hoạch nghiên cứu Đề tài khoa học cấp Ban, chiều 23-3, tại Hà Nội, Viện Khoa học, tổ chức, cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học “Cơ chế, chính sách phát hiện, lựa chọn, trọng dụng, bố trí, sắp xếp cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội, cán bộ trẻ vào vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”. PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; TS. Trần Thị Minh, Viện trưởng Viện Khoa học, tổ chức, cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương đồng chủ trì Hội thảo.
|
Toàn cảnh Hội thảo.
|
Dự Hội thảo có đại diện các đơn vị thuộc Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân Dân, Bộ Nội vụ, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đại diện ban tổ chức một số tỉnh, thành ủy; đại diện lãnh đạo một số vụ, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương và các chuyên gia, nhà khoa học.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Trần Thị Minh, Viện trưởng Viện Khoa học, tổ chức, cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương cho biết, qua hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, việc thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác cán bộ và chính sách cán bộ đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều cấp ủy, chính quyền, bộ, ban, ngành địa phương làm tốt công tác cán bộ trẻ, thu hút, trọng dụng nhân tài. Nhiệm kỳ 2020-2025 có 10 địa phương trên cả nước bảo đảm tỷ lệ 10% cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi) tham gia cấp ủy. Đã có 32 địa phương cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thu hút, trọng dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao, với 113 văn bản được ban hành. Tuy nhiên, Đảng cũng chỉ rõ một số hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ nói chung và xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, thu hút nhân tài nói riêng. Chiến lược phát triển thanh niên 2020-2030 đề ra chỉ tiêu đến năm 2030, có 15% thanh niên tham gia quản lý trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Tuy nhiên, chúng ta chỉ đạt 7% cán bộ trẻ tham gia lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng, sở và tương đương trở lên. Về chỉ tiêu quan trọng là thu hút và trọng dụng người tài như các nhà khoa học trẻ, sinh viên xuất sắc, chúng ta chỉ mới đạt 25% mục tiêu đề ra. Bởi vậy, Hội thảo hôm nay là diễn đàn để các nhà khoa học, đại diện các ban, bộ, ngành, ban tổ chức các tỉnh, thành ủy… trao đổi, thảo luận, cung cấp cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu đề tài khoa học cấp Ban “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng cơ chế, chính sách phát hiện, lựa chọn, trọng dụng, bố trí, sắp xếp cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội, cán bộ trẻ vào vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp.
Ngoài 27 tham luận, trao đổi, 12 ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo đi sâu làm rõ nội hàm khái niệm cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội; về các văn bản liên quan trực tiếp đến tiêu chí nhận diện cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội; bàn thêm về vấn đề cán bộ có bản lĩnh chính trị và bản lĩnh công tác tốt, dám nghĩ, dám làm, đạo đức tốt; nhấn mạnh việc cán bộ có bản lĩnh chiến thắng bản thân mình, vượt qua các cám dỗ để giữ vững phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị; tiêu chí, phương thức lựa chọn người tài; kinh nghiệm phát hiện, lựa chọn, trọng dụng, bố trí, sắp xếp cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội từ các nước cũng như từ thực tiễn các địa phương trong nước…
|
PGS, TS. Vũ Văn Phúc phát biểu kết luận tại Hội thảo.
|
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, PGS, TS. Vũ Văn Phúc ghi nhận các ý kiến trao đổi tâm huyết và trách nhiệm, ở nhiều góc cạnh khác nhau của các đại biểu tham dự. Đồng chí nhấn mạnh, các ý kiến trao đổi tập trung vào 6 vấn đề chính: cơ sở khoa học để xây dựng đề tài; quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về vấn đề Hội thảo bàn; phản ánh thực tiễn hiện nay trong việc thực hiện: thành tựu, hạn chế và bài học kinh nghiệm của nước ngoài cũng như các tỉnh, thành ủy về cơ chế, chính sách phát hiện, lựa chọn, trọng dụng, bố trí, sắp xếp cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội, cán bộ trẻ vào vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp. Đồng thời khẳng định, Ban Chủ nhiệm đề tài sẽ tiếp thu tối đa, nâng cao chất lượng nghiên cứu, xây dựng đề tài trình Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, từ đó đi đến mục đích cuối cùng là xây dựng các dự thảo Kết luận hoặc Quy định về vấn đề này trình Bộ Chính trị.
Diệp Chi