Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (01-01-1914 - 01-01-2014), thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, sáng ngày 26-12-2013, Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế và Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế”.
Dự Hội thảo có các đồng chí: Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh cùng nhiều đồng chí nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng, nguyên lãnh đạo Tổng cục Chính trị và lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đại diện chỉ huy các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, các nhân chứng lịch sử và đại diện gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Đinh Thế Huynh, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Hội thảo được tổ chức vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tích cực triển khai Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa XI), tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay gắn với thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thành công của hội thảo góp phần làm tăng thêm động lực tinh thần cách mạng, động viên các cấp, các ngành, các địa phương, cổ vũ cán bộ, đảng viên và đồng bào, chiến sĩ cả nước thi đua lao động sáng tạo, công tác và học tập, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lập thành tích để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng; đồng thời cũng là dịp để tuyên truyền, cổ vũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và những học trò xuất sắc của Người, trong đó có đồng chí Nguyễn Chí Thanh; giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhất là cho thế hệ trẻ hôm nay.
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo do Trung tướng Mai Quang Phấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã nêu bật cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú cùng những cống hiến xuất sắc về lý luận và thực tiễn của đồng chí Nguyễn Chí Thanh là một di sản tinh thần quí báu trong lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam. Nghiên cứu và lưu lại những di sản vô giá đó cho các thế hệ mai sau là một việc làm cần thiết, mang nhiều ý nghĩa.Tại Hội thảo, với quan điểm khách quan, khoa học, với tư duy và cách nhìn nhận mới, đồng thời với độ lùi của thời gian và những tư liệu mới, các ý kiến tham luận của các đại biểu đều tập trung khẳng định và làm sáng tỏ 4 chủ đề: quê hương, truyền thống đấu tranh cách mạng và yêu nước của nhân dân Thừa Thiên Huế - nơi sinh trưởng của đồng chí Nguyễn Chí Thanh cùng nhiều nhà cách mạng tiền bối, ưu tú khác của Đảng, Quân đội và dân tộc. Quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Chí Thanh; sự trưởng thành và những đóng góp to lớn của đồng chí trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, tiêu biểu là trên “Mặt trận Bình - Trị - Thiên khói lửa” và tiếp đó là trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đầu tiên của QĐND Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương, Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, tham gia lãnh đạo, chỉ đạo nhiều nhiệm vụ trọng yếu của đất nước. Vai trò và những cống hiến to lớn của đồng chí trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, xây dựng và bảo vệ cách mạng Việt Nam, đặc biệt là tinh thần cách mạng tiến công, quyết đoán, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam đủ sức thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng, bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Những giá trị tinh thần và bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu nước, hun đúc niềm tự hào dân tộc và truyền thống cách mạng của quê hương Thừa Thiên Huế, vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nhấn mạnh: Cần tiếp tục nghiên cứu một cách toàn diện và đầy đủ nhằm bổ sung, làm sáng tỏ hơn nữa về thân thế sự nghiệp và những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Chí Thanh cho cách mạng Việt Nam, nhất là trong sự nghiệp xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng QĐND Việt Nam mà nổi bật là xây dựng quân đội về chính trị; làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay. Thượng tướng cũng đề nghị các cơ quan đơn vị, học viện, nhà trường, các cơ quan báo chí trong và ngoài quân đội cần tích cực tuyên truyền phát huy kết quả nghiên cứu vào thực tiễn công tác giáo dục huấn luyện của đơn vị và địa phương mình, góp phần làm cho tên tuổi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sống mãi trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế.
Trần Thiết