Sáng 27-8-2011, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Ban Tổ chức TƯ, Ban Tuyên giáo TƯ tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Nâng cao năng lực lãnh đạo, hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng trong các loại hình doanh nghiệp” trong Chương trình “Bình chọn và tôn vinh các tổ chức đảng (TCĐ) tiêu biểu trong doanh nghiệp” lần thứ I.
Dự Hội thảo có đồng chí Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Nguyễn Ngọc Lâm, Phó trưởng Ban Tổ chức TƯ; Bùi Thế Đức và Trương Minh Tuấn, Phó trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành ủy và ban tổ chức tỉnh, thành uỷ; đại diện lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế lớn và 100 TCĐ tiêu biểu.
Báo cáo đề dẫn của đồng chí Vũ Văn Phúc cho thấy: Từ năm 1986, thực hiện chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần, chủ động hội nhập quốc tế, doanh nghiệp ở nước ta ra đời ngày càng nhiều, phong phú về chủng loại. Đến cuối năm 2010, cả nước có 544.394 doanh nghiệp đăng ký và số doanh nghiệp thực tế hoạt động khoảng 250.000.
Ban Bí thư TƯ đã ban hành các quy định về chức năng, nhiệm vụ của TCĐ trong các loại hình doanh nghiệp. Ban Tổ chức TƯ có nhiều văn bản cụ thể hóa, hướng dẫn về xây dựng, củng cố và tổ chức hoạt động các TCĐ trong doanh nghiệp… Tính đến 31-12-2010, trong các loại hình doanh nghiệp có tổng số 11.039 TCĐ (trong đó có 425 đảng bộ bộ phận, 26.633 chi bộ trực thuộc) với 409.806 đảng viên, chiếm 19,56% số TCĐ và 11,07% số đảng viên của toàn Đảng. Hiện còn 155 doanh nghiệp nhà nước chưa có TCĐ, chiếm 3,1%; số doanh nghiệp có đảng viên nhưng chưa có TCĐ là 118, chiếm 2,4% và còn khoảng 87,6% doanh nghiệp tư nhân chưa có TCĐ...
Thực hiện quy định, hướng dẫn của Trung ương và có sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, công tác xây dựng đảng ở các doanh nghiệp đạt được kết qủa bước đầu: Tổ chức đảng trong các doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn có đóng góp thiết thực vào việc hoàn thành nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, ổn định đời sống của cán bộ, công nhân viên. Cấp ủy viên và đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn nhà nước liên doanh với nước ngoài được rèn luyện, thử thách và trưởng thành qua thực tiễn công tác, có quan hệ gần gũi với quần chúng, được cán bộ, công nhân tín nhiệm… Tuy nhiên, có TCĐ chưa thể hiện rõ vai trò hạt nhân chính trị, lúng túng trong phương thức lãnh đạo, đảng viên chưa nỗ lực rèn luyện, phấn đấu…
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về tình hình xây dựng, củng cố TCĐ tại các doanh nghiệp, về năng lực lãnh đạo và hiệu quả hoạt động của TCĐ; những giải pháp chủ yếu trong xây dựng, củng cố TCĐ ở từng loại hình doanh nghiệp; kinh nghiệm phát triển đảng viên; biện pháp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và kiện toàn TCĐ ở mỗi loại hình… Những giải pháp nâng cao chất lượng TCĐ trong thời gian tới được rút ra qua Hội thảo:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động để cán bộ, đảng viên, chủ doanh nghiệp thấy rõ vị trí, vai trò của TCĐ trong doanh nghiệp.
Hai là, xây dựng và hoàn thiện mô hình TCĐ, các đoàn thể nhân dân, bảo đảm thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của TCCSĐ.
Ba là, xây dựng đội ngũ cấp ủy viên, bí thư cấp ủy có năng lực lãnh đạo, tiêu biểu về phẩm chất, năng lực và được đảng viên, quần chúng tín nhiệm.
Bốn là, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các đảng bộ, chi bộ trong doanh nghiệp.
Năm là, đẩy mạnh, thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên và phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của từng đảng viên.
Sáu là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của các cấp ủy đảng, nhất là cấp trên trực tiếp của TCCSĐ.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Ngọc Lâm đánh giá cao và trân trọng tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của các đại biểu. Trong khi khẳng định vai trò, vị trí của các doanh nghiệp trong sự phát triển của đất nước, đồng chí Nguyễn Ngọc Lâm đã chỉ ra những bất cập trong hoạt động của TCĐ ở các loại hình doanh nghiệp; sự lãnh đạo, chỉ đạo nhiều cấp ủy, chính quyền chưa sâu sát... Số lượng doanh nghiệp phát triển nhanh nhưng số TCĐ được hình thành chậm và còn thấp, có nơi "trắng" TCĐ và đảng viên. Nhiều TCĐ lúng túng trong xác định nội dung và phương thức hoạt động, chất lượng sinh hoạt chi bộ chưa cao... Đồng chí nhấn mạnh những điểm cần chú ý trong thời gian tới: Lãnh đạo địa phương, bộ, ngành cần tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức và có chương trình, nghị quyết, kế hoạch cụ thể để xây dựng TCĐ trong doanh nghiệp nhà nước và các loại hình doanh nghiệp khác. Các TCĐ cần coi trọng việc thực hiện đúng, có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Ban Bí thư; làm tốt công tác tư tưởng, công tác cán bộ, nhất là ở các doanh nghiệp tư nhân; nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng trong các loại hình doanh nghiệp. Chú ý phát triển đảng viên, thành lập TCĐ trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Nghiên cứu hoàn thiện mô hình để TCĐ hoạt động hiệu quả. Chăm lo đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ làm công tác đảng trong doanh nghiệp.
Thu Thủy