Hội thảo khoa học về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế tại Cần Thơ
Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo 18 tỉnh, thành phố khu vực miền Nam và các chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, đồng chí Hoàng Đăng Quang, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, Nghị quyết số 26/NQ-TW, ngày 19-5-2018 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là bước đột phá trong tư duy lý luận của Đảng ta về xây dựng cán bộ cấp chiến lược và đã coi trọng nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, trong đó nhấn mạnh kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế đối với đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và đội ngũ cán bộ cấp chiến lược nói riêng.

Đ

Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại Hội thảo.

Nghị quyết đã xác định các mục tiêu, yêu cầu, lộ trình cụ thể về khả năng làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ, công chức, đòi hỏi các cấp, các ngành phải xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị. Văn kiện Đại hội XIII cũng đã nhấn mạnh nhiệm vụ: “Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ am hiểu sâu về luật pháp quốc tế, thương mại, đầu tư quốc tế, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế”.

Đồng chí Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, mục đích của Hội thảo lần này nhằm làm sáng tỏ nội hàm các khái niệm và các nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; từ đó, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong tham mưu xây dựng chiến lược, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ”

 "Việc tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đó chú trọng những nội dung về nâng cao khả năng làm việc trong môi trường quốc tế là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách, đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với các cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên".

Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Hội thảo đã nghe 10 báo cáo tham luận của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố và các chuyên gia, nhà khoa học. Các tham luận đã phát biểu, làm sâu sắc, nhận thức đầy đủ hơn những nội dung quan trọng của chủ đề Hội thảo đề ra.

Nhiều ý kiến khẳng định, yêu cầu phát triển đội ngũ cán bộ có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế là rất cần thiết trong bối cảnh mới hiện nay. Hội nhập sâu rộng đồng nghĩa với Việt Nam phải chấp nhận luật chơi chung, phải tự nâng cao năng lực để vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội mà tiến trình hội nhập quốc tế mang lại. Điều này đòi hỏi phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, đặc biệt là năng lực làm việc trong môi trường quốc tế. Đây là vấn đề hết sức hệ trọng, cần thiết, có ý nghĩa chiến lược lâu dài trong quá trình phát triển của đất nước. 

Đ

Đồng chí Vũ Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương tham luận tại Hội thảo với chủ đề "Tiếp cận nghiên cứu và các yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế".

Các tham luận cũng thể hiện sự nhất trí với các nhóm tiêu chí đối với cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, gồm: (1) Lập trường tư tưởng chính trị vững vàng và phẩm chất đạo đức trong sáng; (2) Năng lực chuyên môn đạt chuẩn quốc tế; (3) Hiểu biết sâu sắc pháp luật, thông lệ quốc tế; (4) Am hiểu về văn hóa của các nước đối tác; (5) Tác phong làm việc chuyên nghiệp; (6) Thông thạo ngoại ngữ, công nghệ thông tin; (7) Khả năng tổng hợp, phân tích, thuyết trình, phản biện, làm việc nhóm... Đó là những yếu tố cơ bản, cần thiết đối với đội ngũ cán bộ làm việc trong môi trường quốc tế hiện nay.

Vấn đề được đa số đại biểu quan tâm là vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Các ý kiến thống nhất rằng các cấp ủy, tổ chức đảng cần nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình trong việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chiến lược, kế hoạch, góp phần cụ thể hóa và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đột phá về công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách để thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan trong xây dựng đội ngũ cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

đ

Đồng chí Lê Quang Mạnh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ Cần Thơ phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành uỷ Cần Thơ nhận định: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược và gắn liền tất yếu với sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Quán triệt các chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, Đảng bộ TP. Cần Thơ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, hiệu quả công tác cán bộ, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thành phố đạt nhiều kết quả quan trọng.

“Đặc biệt, với sự quan tâm sâu sắc của Trung ương, Quốc hội đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ; Nghị quyết số 98/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; nhiều dự án trọng điểm cấp quốc gia được triển khai trên địa bàn thành phố (cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau…) đã mở ra không gian phát triển và cơ hội rất lớn cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó TP. Cần Thơ giữ vai trò, vị trí chiến lược, là trung tâm động lực phát triển của cả vùng.

Với tinh thần trên và nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng, đặc biệt là nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục xác định khâu đột phá đầu tiên là “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; thu hút nhân tài. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, chuyên gia đầu ngành, cán bộ chuyên môn có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về nghiệp vụ, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ hội nhập quốc tế…”. Thực hiện khâu đột phá này, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU “Về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”, trong đó, có xác định mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; cụ thể, đến năm 2030, có 25 - 35% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp thành phố đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn thành phố 70-80% có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

“Chính vì thế, Hội thảo khoa học “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế” có ý nghĩa quan trọng, là diễn đàn khoa học lý luận chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài trong chiến lược đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng” - đồng chí Lê Quang Mạnh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ Cần Thơ nhấn mạnh.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất