Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11- 2011


Chiều 1-12-2011, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11-2011. Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì cuộc họp báo. Tham dự còn có đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Kinh tế - xã hội 11 tháng năm 2011 đạt nhiều kết quả tích cực

Thông báo về kết quả phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2011, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, tại phiên họp này, Chính phủ dành nhiều thời gian thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2011 và dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012. Chính phủ nhận định, việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011 đạt nhiều kết quả tích cực:

Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm đáng kể so với đầu năm, tháng 11-2011 tăng 0,39%, là tháng thứ tư liên tiếp mức tăng giá dưới 1%. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, lãi suất tiếp tục xu hướng giảm, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ. Theo ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tín dụng trong thời gian qua đã và đang giảm.

Trong 11 tháng qua, xuất khẩu nước ta ước đạt trên 87 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ, nhập khẩu ước trên 96 tỷ USD, tăng 26,4%. Tỷ lệ nhập siêu giảm mạnh, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Thị trường ngoại tệ và tỷ giá ngoại tệ từng bước ổn định; cán cân thanh toán được cải thiện, dự trữ ngoại hối cao hơn khá nhiều so với đầu năm.

Sản xuất nông nghiệp đạt mức kỷ lục về sản lượng lương thực. Sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng khá. Khu vực dịch vụ tiếp tục có bước phát triển. Tăng trưởng GDP xấp xỉ 6%. Nhận xét về tình hình tăng trưởng GDP trong 11 tháng qua, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, đây là mức tăng khá cao trong điều kiện Chính phủ đang thực hiện các giải pháp cắt giảm đầu tư, thắt chặt tiền để phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Trong 11 tháng qua, chính sách bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện tốt, công tác giải quyết việc làm, ổn định đời sống của người lao động, xóa đói giảm nghèo được chú trọng. Đến hết tháng 10-2011, Chính phủ đã hỗ trợ các vùng bị lũ lụt 397 tỷ đồng, 1.300 tấn gạo. Các lĩnh vực giáo dục, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa, thông tin, tuyên truyền được quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được tăng cường, kịp thời trợ giúp khó khăn, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì tình hình còn rất khó khăn. Lạm phát tuy đã giảm trong những tháng gần đây nhưng tính chung cả năm vẫn rất cao; lãi suất chưa giảm nhiều và còn bất hợp lý trong xu hướng lạm phát giảm, nhu cầu ngoại tệ và sức ép tỷ giá cuối năm là khá lớn. Thị trường bất động sản và chứng khoán trầm lắng. Đầu tư suy giảm, sản xuất kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn, sản phẩm tiêu thụ chậm, hàng tồn kho tăng… Việc làm và đời sống của người nghèo, người có thu nhập thấp, công nhân mất việc làm đang là vấn đề bức xúc.

Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo, điều hành đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp các giải pháp đã đề ra. Trong đó, tiếp tục tập trung thực hiện các các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô gắn với tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trong tất cả lĩnh vực để bảo đảm tăng trưởng, ngăn chặn nguy cơ suy giảm. Chính phủ cũng chỉ đạo tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội theo đúng chương trình, kế hoạch đã đề ra.

Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2012

Trong chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về những giải pháp chủ yếu, tập trung vào các nội dung sau: tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tập trung nguồn lực thực hiện các đột phá trong tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy nhanh ứng dụng khoa học và công nghệ; bảo đảm an sinh xã hội gắn với thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng; tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện ngay trong tháng 1-2012 chương trình hành động cụ thể của mình trên cơ sở Nghị quyết của Chính phủ về chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2012, trong đó phải đề ra những giải pháp cụ thể để thực hiện các kế hoạch trong năm 2012 và khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết trình Thủ tướng xem xét, ban hành.

Thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế

Chính phủ đã thảo luận và cho ý kiến về các Đề án: tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại; tái cơ cấu đầu tư và Phương án tổng thể tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2015, có tính đến 2020.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Chính phủ thống nhất tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và thực hiện tốt hơn vai trò của doanh nghiệp nhà nước là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015: Chính phủ thống nhất mục tiêu cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, quản trị tốt hơn, đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ, từng bước nâng cao tiềm lực tài chính và khả năng cạnh tranh; không còn tổ chức tín dụng yếu kém kéo dài, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.

Về tái cơ cấu đầu tư: Cơ cấu lại đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm của cả nước, của các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp, vừa là yêu cầu cấp bách, vừa phải được thực hiện cụ thể, liên tục trong suốt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chính phủ thống nhất tái cơ cấu đầu tư nhằm tạo ra đột phá trong huy động các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế để đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng lớn, hiện đại, góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế; nâng cao hiệu quả đầu tư, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền trong cả nước, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

Tại phiên họp này, Chính phủ cũng xem xét các báo cáo thường kỳ trong tháng 11-2011 về tình hình thực hiện chương trình công tác và Nghị quyết phiên họp Chính phủ; công tác cải cách hành chính; công tác giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất