Chiều 1- 3, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2- 2018. Cùng dự có đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành và phóng viên báo chí Trung ương và Hà Nội.
Tại buổi buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã thông tin nội dung phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 đã đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2018; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018; Bàn về 5 dự án Luật: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá; Dự án Luật Trồng trọt; Dự án Luật Chăn nuôi; Dự án Luật Quản lý phát triển đô thị; Dự án Luật Dân số.
Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm, tình hình đón Tết nguyên đán, Chính phủ đánh giá các cấp, các ngành đã nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt trong việc tổ chức Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018 đầm ấm, vui tươi, an toàn, tiết kiệm, nhân dân phấn khởi, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.Ngay sau Tết, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt các công việc với tinh thần không để “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Các Bộ, cơ quan, địa phương cùng các lực lượng chức năng đã phối hợp chặt chẽ, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ sau Tết. Các Bộ, ngành và địa phương đã thực hiện nghiêm túc về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018. Công tác tổ chức lễ hội trên phạm vi toàn quốc đã được chấn chỉnh, có sự kiểm soát chặt chẽ hơn so với các năm trước; các lễ hội có hành vi phản cảm đã giảm.
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của người dân và doanh nghiệp, mặc dù bị ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết nguyên đán kéo dài, nhưng nhìn chung tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2018 vẫn giữ xu thế tích cực từ cuối năm 2017, tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ và đạt kết quả tích cực trên nhiều các lĩnh vực, nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn so với cùng kỳ: CPI tháng 2 tăng 0,73%, bình quân hai tháng tăng 2,90% (cùng kỳ tăng 5,12%). Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, ước đạt 33,62 tỷ USD, tăng 22,9%; đặc biệt là xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 25,7%, cao hơn mức tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (21,8%); xuất siêu 1,08 tỷ USD (cùng kỳ nhập siêu gần 50 triệu USD). Có trên 18.700 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 29,4% về số doanh nghiệp (cùng kỳ tăng 3,9%) và 29,3% về vốn đăng ký và gần 7.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại…
Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước và quốc tế để kịp thời có những phản ứng chính sách phù hợp. Chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, 19/NQ-CP, 35/NQ-CP và Chương trình hành động của bộ ngành, địa phương. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, khắc phục tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ; đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.
Chính phủ tiếp tục coi công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là ưu tiên hàng đầu trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Tại phiên họp này, Chính phủ đã thảo luận và cho ý kiến về 5 Dự án Luật.
Từng bộ, ngành và các địa phương phải có kế hoạch, biện pháp cụ thể triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chủ đề của năm 2018 "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, để năm 2018 đất nước sẽ có nhiều chuyển biến rõ nét theo hướng phát triển nhanh và bền vững; nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh. Người đứng đầu Bộ ngành, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tổ chức triển khai và kết quả thực hiện.
Tại buổi họp báo, đại diện các bộ, ngành đã trả lời các câu hỏi của phóng viên về các vấn đề đang được dư luận quan tâm như: Việc xét duyệt các chức danh giáo sư, phó giáo sư; việc xử lý những tồn tại liên quan đến trạm BOT Cai Lậy; quan điểm của Chính phủ về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất; về đề xuất của Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội cấm Uber, Grab tại 11 tuyến phố của Hà Nội; việc lãnh đạo Công ty TNHH KL Texwell Vina (vốn Hàn Quốc) ở Trảng Bom, Đồng Nai bỗng dưng bỏ về nước trước trước dịp Tết Nguyên đán, khiến hơn 2.000 lao động bị nợ lương gần 14 tỷ đồng; việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề xuất không khuyến khích đốt vàng mã...
Thanh Xuân