Trong tháng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng xây dựng, ban hành, khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; đã họp Chính phủ phiên chuyên đề cho ý kiến về các dự án luật để trình Quốc hội; ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật (05 Nghị định của Chính phủ, 09 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ); áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; loại bỏ những rào cản và hoàn thiện cơ chế chính sách để nâng cao hiệu quả đầu tư; chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; lập Ban chỉ đạo liên ngành triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; triển khai thu mua tạm trữ 01 triệu tấn gạo; xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh; đôn đốc, bảo đảm tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng cơ bản; tái cơ cấu thị trường vận tải; tăng cường phòng, chống tiêu cực trong công tác quản lý công chức, viên chức và thi đua, khen thưởng; đẩy mạnh xã hội hóa các trường dạy nghề; xây dựng Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đại học; tạo điều kiện thuận lợi cho phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; chỉ đạo xây dựng 450 cầu nông thôn ở các tỉnh miền núi; tăng cường quản lý giá thuốc; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm; kịp thời ngăn chặn buôn lậu và gian lận thương mại; chỉ đạo khẩn trương xác minh, làm rõ thông tin đưa hối lộ tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; tăng cường khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; tạo thuận lợi trong xuất nhập cảnh,...
Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I-2014, Chính phủ thảo luận và thống nhất đánh giá:
Các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ. Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội đã đạt được những kết quả tích cực, đúng hướng trên hầu hết các lĩnh vực.
Tăng trưởng GDP quý I/2014 ước đạt 4,96%, cao hơn cùng kỳ hai năm trước (quý I-2013 đạt 4,76%; quý I-2012 đạt 4,75%); trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,37%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,69%, khu vực dịch vụ tăng 5,95%. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 10,2%, nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 5,12% (cùng kỳ 2013 tăng 4,5%). Khách quốc tế đến Việt Nam trong quý ước đạt trên 2,3 triệu lượt người, tăng 29,3%.
Lạm phát tiếp tục được kiểm soát, giá tiêu dùng tháng 3 giảm 0,44%, 3 tháng đầu năm chỉ tăng 0,8%, thấp nhất trong 13 năm qua.
Mặt bằng lãi suất giảm khoảng 1%; trong đó lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm từ 9% xuống 8%. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng.
Kim ngạch xuất khẩu quý I-2014 đạt 33,35 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 32,34 tỷ USD, tăng 12,4%; xuất siêu khoảng 1 tỷ USD.
Tổng vốn đầu tư xã hội tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 2,85 tỷ USD, tăng 5,6%; vốn ODA giải ngân tăng 5% so với cùng kỳ.
Tổng thu NSNN 3 tháng đầu năm ước đạt 24,9% dự toán; tổng chi NSNN đạt 23,1% dự toán.
Trong quý I, cả nước có 18,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 16,9% về số doanh nghiệp và tăng 23,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ; hơn 4.600 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Các chính sách an sinh xã hội, ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; các lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao, bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục được quan tâm thực hiện. Trong quý I-2014, đã tạo việc làm cho khoảng 346.000 người, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2013; trong đó xuất khẩu lao động trên 23.200 người, tăng hơn 22%.
Cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ tiếp tục được đẩy mạnh. Tai nạn giao thông đã giảm mạnh cả về số vụ, số người chết và bị thương so với cùng kỳ (giảm tương ứng 13,7%; 5,9% và 17,5%). Số vụ cháy, nổ giảm 30,2% so với tháng trước.
Quốc phòng an ninh, chủ quyền quốc gia được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Chủ động, tích cực triển khai các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh tiến trình đàm phán TPP và các Hiệp định thương mại tự do.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn ở mức khá cao (khoảng 16.700 doanh nghiệp). Tăng tổng cầu còn chậm; tăng trưởng tín dụng thấp, doanh nghiệp tiếp cận vốn còn khó khăn; tiến độ giải ngân gói hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại đạt thấp. Tình hình thị trường, tiêu thụ một số mặt hàng nông sản khó khăn. Thị trường bất động sản chậm phục hồi. Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là người nghèo, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.
Chính phủ cũng đã thảo luận, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, cơ bản thống nhất với nhận định, đánh giá đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. So với số liệu đã báo cáo với Quốc hội, có 9 chỉ tiêu đạt cao hơn, trong đó GDP tăng 5,42% (số đã báo cáo là 5,4%); tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu là 15,4% (số đã báo cáo là 14,4%); tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 30,4% (số đã báo cáo là 29,1%); CPI là 6,04% (số đã báo cáo là khoảng 7%)...
Bước vào quý II-2014, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tích cực thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã nêu trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, trong đó tập trung:
Thực hiện các giải pháp làm tăng tổng cầu đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển, như vốn NSNN, trái phiếu Chính phủ, ODA...
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế; đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; tiến độ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; tiến độ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang cây trồng khác có hiệu quả hơn.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; triển khai hiệu quả các biện pháp khơi thông dòng vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên; triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn tín dụng hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại.
Mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác có hiệu quả các lợi thế trong các Hiệp định thương mại, cam kết quốc tế; kích thích tiêu dùng nội địa, thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý giá cả, thị trường; tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, trốn thuế, phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng; giám sát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm qua biên giới, giảm thiểu tình trạng thâm nhập, lây lan dịch bệnh.
Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, triển khai có hiệu quả các chương trình giảm nghèo bền vững, hỗ trợ hộ cận nghèo, xây dựng nông thôn mới. Quan tâm thực hiện tốt các chính sách người có công, các đối tượng chính sách xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả chương trình tổng thể cải cách hành chính, tập trung hoàn thiện thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông; kiểm soát chặt chẽ, tăng cường phòng chống tội phạm, tệ nạn, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Tăng cường kiểm tra phòng chống cháy nổ, nhất là tại các khu đông dân cư, khu công nghiệp, nhà xưởng.
Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, tiếp tục thúc đẩy đàm phán, ký kết Hiệp định TPP và các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, chủ động cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, các chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tạo đồng thuận xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm báo cáo Thủ tướng về phương án cụ thể việc đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD 18 vào năm 2019).
Tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ cũng thảo luận và cho ý kiến về các báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012, tình hình thực hiện Nghị quyết phiên họp Chính phủ và Chương trình công tác của Chính phủ, cải cách hành chính...
T.H