Bàn giải pháp tiếp tục thực hiện công tác xây dựng đảng và 6 chương trình đột phá

Trong 2 ngày 24 và 25-3, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa IX đã diễn ra tại Hội trường Thành uỷ. Hội nghị tập trung thảo luận và thông qua: Tờ trình Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM về dự thảo báo cáo kiểm điểm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về công tác xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, vận động nhân dân năm 2013 và dự thảo Nghị quyết về công tác xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, vận động nhân dân năm 2014; tờ trình Ban Chấp hành Đảng bộ TP về sơ kết 3 năm thực hiện 6 chương trình đột phá triển khai Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ TPHCM.

Năm 2013, Đảng bộ TP đã tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng, trọng tâm và khắc phục sửa chữa hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm tự phê bình, tiếp thu phê bình theo 3 vấn đề cấp bách của Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI). Song song đó, với những nỗ lực quyết liệt thực hiện các giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, giữa vững ổn định chính trị - trật tự an toàn xã hội. Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết số 09 đạt được những chuyển biến tích vực.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được tăng cường gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp đấu tranh, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên có chuyển biến nhất định. Công tác cán bộ được chú trọng, nhất là việc thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có chuyển biến tích cực. Công tác kiểm tra giám sát thi hành kỷ luật trong Đảng được tập trung tăng cường, đạt hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí...

Công tác vận động nhân dân của cả hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tích cực; quy chế dân chủ được quan tâm đẩy mạnh; chú trọng thực hiện các giải pháp tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, động viên nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.

Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua, bên cạnh những kết quả đạt được, với tinh thần tự phê bình, công tác xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, vận động nhân dân vẫn còn những hạn chế và yếu kém, đó là: công tác phòng ngừa, vận động, thuyết phục, đấu tranh, phê phán và xử lý các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị còn hạn chế; việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hiệu quả chưa cao, sự lan toả chưa mạnh; công tác xây dựng tổ chức Đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước và các đơn vị sự nghiệp ngoài công lâp chưa đạt yêu cầu…

Đạt nhiều kết quả tích cực trong 6 chương trình đột phá

6 chương trình đột phá của TPHCM đó là: chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chương trình cải cách hành chính gắn với mục tiêu xây dựng mô hình chính quyền đô thị; chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố; chương trình giảm ùn tắc giao thông; chương trình giảm ngập nước và chương trình giảm ô nhiễm môi trường.

3 năm qua, UBND TP đã chỉ đạo xây dựng, triển khai các kế hoạch thực hiện 6 chương trình; ban hành nhiều chủ trương, chính sách với mục tiêu xây dựng nhanh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, cải cách hành chính gắn với mục tiêu xây dựng chính quyền đô thị, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời từng bước hoàn chỉnh hệ thống kế cấu hạ tầng đồng bộ, góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước và giảm ô nhiễm môi trường. Nhiều chương trình về hạ tầng giao thông đô thị, y tế, trường học… được tiếp tục triển khai, khởi công và hoàn thành đưa vào sử dụng, làm đẹp hơn diện mạo TP.

Về chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, TP tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Bằng hình thức đào tạo tại chỗ, ngắn hạn, gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, TP đã thực hiện đa dạng hoá các ngành nghề, chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tế. Trong 3 năm (2011-2013), đã đào tạo mới hơn 1.000.000 sinh viên, học sinh (đạt 90%), trong đó trình độ cao đẳng nghề hơn 23.500 học sinh (đạt 59,49%), hệ trung cấp chuyên nghiệp 116.000 học sinh (đạt 100%), trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề thương xuyên 830.300 học sinh (đạt 90,25%). Tỷ lệ học sinh có việc làm trong các ngành công nghiệp, dịch vụ trọng điểm của TP đạt 100%.

TP còn chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị TP. Những năm qua, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước được nâng lên. Đối với cán bộ đương nhiệm, dự bị các chức danh lãnh đạo, quản lý các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội đạt trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, ngoại ngữ, tin học (theo tiêu chuẩn quy định đối với từng loại chức danh cán bộ) đạt 62%; 100% cán bộ, công chức, viên chức giữ ngạch chuyên viên và tương đương trở lên có trình độ đại học; 70% cán bộ, công chức có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên; 20% viên chức đơn vị sự nghiệp công lập có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên. Cán bộ chủ chốt phường, xã, thị trấn có trình độ đại học trở lên và được xếp ngạch chuyên viên và tương đương trở lên đạt 60% trên tổng số cán bộ chủ chốt phường, xã, thị trấn.

Để giảm ùn tắc giao thông, 3 năm qua, TP đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm và các cầu vượt tại các nút giao thông trọng điểm. Từ đầu năm 2011 đến nay, ngân sách TP đã bố trí vốn đầu tư khoảng 28.322,8 tỷ đồng cho các dự án giao thông (chưa kể nguồn vốn ODA và nguồn vốn huy động khác). “Nhìn chung, TP đã đầu tư xây dựng hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm đưa vào khai thác sử dụng, thúc đẩy mở rộng không gian đô thị TP, tăng năng lực kết nối Vùng đô thị TPHCM, tạo diện mạo mới cho hệ thống hạ tầng giao thông đô thị; tình hình tai nạn giao thông giảm cả 3 mặt, số vụ ùn tắc giao thông cũng đã giảm hẳn” – Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân nhấn mạnh.

Nhiều công trình, dự án thoát nước từ nguồn vốn ngân sách được triển khai cùng với 4 dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước cho vùng trung tâm sử dụng nguồn vốn ODA. Các dự án công trình thoát nước được ưu tiên bố trí vốn và triển khai theo tiến độ đề ra, góp phần kéo giảm tình trạng ngập cả về số điểm lẫn mức độ ngập. Về chương trình giảm ô nhiễm môi trường, đến nay 100% khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung; 35% cơ sở sản xuất, dịch vụ, thương mại có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn…

Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cũng đánh giá cho rằng, việc triển khai 6 chương trình đột phá vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém do nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nhất là việc thực hiện các chính sách thu hút xã hội hóa, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào các dự án, công trình trọng điểm thực 6 chương trình đột phá của TP.

Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 17 khẳng định việc Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX đề ra 6 chương trình đột phá là hoàn toàn đúng đắn, vừa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi cả trước mắt và lâu dài phát triển TP, vừa phù hợp với chủ trương chung của Trung ương về thực hiện các nội dung đột phá chiến lược và tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải cho rằng, đây vẫn là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên mà TPHCM phải làm, gắn với nhiệm vụ phát triển TP, không chỉ từ nay đến 2015 mà cả những năm sau đó.

Nhấn mạnh đến những nhiệm vụ trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải đề nghị UBND TP cần nghiêm túc tiếp thu hơn 300 ý kiếm phát biểu của đại biểu tại hội nghị lần này về 6 chương trình đột phá, bổ sung làm rõ những nhiệm vụ trọng tâm trong 2 năm tới; phân kỳ nhiệm vụ từng năm đối với từng vấn đề, tránh nêu nhiệm vụ chung chung; làm rõ những công việc cần phải làm thường xuyên sau năm 2015.

Đi sâu vào từng chương trình, đối với chương trình cải cách hành chính gắn với mục tiêu xây dựng mô hình chính quyền đô thị, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm trong 2 năm tới là đưa mô hình chính quyền đô thị vào thực tiễn TP từ năm 2016. “Tuy chúng ta còn chờ quyết định của Trung ương, nhưng nội dung trọng tâm là xây dựng thể chế như cơ chế phân cấp, xây dựng bộ máy chính quyền các cấp và chuẩn bị nguồn nhân lực phù hợp. Nói chung là chuẩn bị cả ba khâu: Thể chế, bộ máy và con người” – đồng chí Lê Thanh Hải chỉ rõ. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu và tập trung thực hiện cải cách hành chính. Theo đồng chí Bí thư Thành ủy, mục tiêu của TP là xây dựng nền hành chính phục vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ công. Đây cũng chính là bản chất của chính quyền nhân dân.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải dành nhiều thời gian phân tích rõ những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém và nhấn mạnh những giải pháp thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của TPHCM.

Theo đồng chí Bí thư Thành ủy, nguồn nhân lực là “xương sống” của quá trình phát triển TP và đất nước, là “xương sống” của nhiệm vụ tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nên chương trình này nhất thiết phải gắn với chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong đó, việc quan tâm đào tạo nguồn nhân lực phải đi đôi với sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, trước tiên trong hệ thống chính trị. Riêng vấn đề đào tạo đại học, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải đề nghị phải có cơ chế phối hợp thường xuyên và có hiệu quả giữa ĐHQG và hệ thống đại học trên địa bàn TP để xác định cung - cầu nguồn nhân lực, định hướng nội dung, ngành nghề đào tạo, hỗ trợ chính sách đào tạo và sử dụng nhân tài.

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cho rằng, việc phát triển TP, đất nước không chỉ cần một đội ngũ những người làm việc có đạo đức, tri thức, năng lực và kỹ năng nghề nghiệp cao mà cần thiết có một đội ngũ chuyên gia giỏi tầm cỡ quốc tế góp sức vào. “Làm sao chúng ta xây dựng, tập hợp và phát huy được trí tuệ, tài năng của đội ngũ này?” – đồng chí Lê Thanh Hải đặt vấn đề và lưu ý: “Việc đào tạo ngũ này trước hết phải từ các trường đại học của nước ta, rèn luyện từ các hoạt động cụ thể và sinh động của đất nước, nhưng chúng ta cũng rất trân trọng mời các chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài về góp phần với TPHCM. Vấn đề là cần thiết có một cơ chế phù hợp và việc tìm đúng những chuyên gia mà đất nước, TP đang cần. Đất lành chim đậu”.

Về vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị TP, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải nhấn mạnh: TP trong quá trình chuyển chất để đi lên một TP công nghiệp và dịch vụ có tầm cỡ và ảnh hưởng trong khu vực Đông Nam Á; TP cũng đang đề nghị Trung ương cho triển khai mô hình chính quyền đô thị, điều này đòi hỏi TP phải có một đội ngũ cán bộ quản lý, một nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị, có đạo đức, chuyên nghiệp và kỹ năng nghề nghiệp cao. “Đối với đội ngũ này, không chỉ là yêu cầu về các bằng cấp đào tạo chính quy, mà cần thiết một quá trình rèn luyện đào tạo, nhất là đào tạo về nghề nghiệp chuyên sâu, những kỹ năng nghề nghiệp thực tế từ các trường đào tạo nghề nghiệp. Tôi đề nghị cần nghiên cứu chương trình đào tạo bổ sung cho nhu cầu này. Đây là một yêu cầu quan trọng cho việc thành công hay không khi chúng ta triển khai mô hình quản lý chính quyền đô thị” - Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải chỉ rõ.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất