Ngày 26-3-2014, tại Hà Nội, Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương phối hợp với Báo Nhân dân tổ chức Hội thảo thực tiễn “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ - những vấn đề đặt ra”. Đồng chí Đào Ngọc Dung, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ Khối và đồng chí Thuận Hữu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân đồng chủ trì Hội thảo. Tới dự có đại diện các đảng bộ trực thuộc và các bí thư chi bộ tiêu biểu của các đảng bộ trong Khối.
Báo cáo Đề dẫn Hội thảo, đồng chí Thuận Hữu nêu rõ: Nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của các chi bộ, ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng, Đảng uỷ Khối Các cơ quan Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 01 về Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tiếp đó là Kế hoạch số 62, lấy năm 2013 làm “Năm nâng cao chất lương chi bộ”. Theo đó, nhiều nội dung chỉ đạo của Đảng uỷ Khối sớm được cụ thể hoá để thực hiện, như Hướng dẫn nội dung sinh hoạt chi bộ, Hướng dẫn về tiêu chí đánh giá chất lượng sinh chi bộ; Sổ ghi biên bản sinh hoạt chi bộ… Năm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ đã tạo nhiều khởi sắc, chuyển biến mới tích cực trong công tác xây dựng đảng của Đảng bộ Khối. Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là vấn đề lâu dài, thường xuyên. Cùng với những kết quả rất đáng ghi nhận, Đảng bộ Khối còn những vấn đề đặt ra như nhiều chi bộ sinh hoạt chưa thường xuyên, tỉ lệ đảng viên sinh hoạt còn thấp, nội dung sinh hoạt chi bộ nghèo nàn, đơn điệu, chỉ bàn việc chuyên môn, xem nhẹ công tác đảng. Vai trò của không ít chi bộ mờ nhạt, hoạt động hình thức. Đặc biệt là tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình hanjc hế, công tác quản lý đảng viên còn yếu kém… Trước những yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra, nhất là trước yếu kém và hạn chế của bản thân công tác xây dựng đảng hiện nay, càng thấy rằng, việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ đang là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.
Hội thảo đã tập trung đi sâu vào 5 nội dung lớn:
Một là: Làm thế nào để duy trì và tổ chức tốt, hiệu quả các buổi sinh hoạt định kỳ phù hợp với từng loại hình chi bộ? Cách làm sáng tạo của chi bộ để nâng cao chất lượng sinh hoạt? Cách khắc phục khó khăn do đặc thù công việc của một số tổ chức đảng (như quy định thời gian sinh hoạt chi bộ định kỳ hằng tháng, việc bố trí sinh hoạt đảng đối với đảng viên công tác trong lĩnh vực đặc thù, thường xuyên đi công tác hay lưu trú dài ngày ở các địa phương, ở nước ngoài…). Đã có 4 đại biểu phát biểu xung quanh nội dung này là các đại biểu của các đảng bộ: Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Trung ương Hội LHPN Việt Nam.
Hai là: Chi bộ lãnh đạo việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn như thế nào? Làm thế nào để đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả trong hoạt động của chi bộ nói chung và trong sinh hoạt chi bộ nói riêng; để nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhưng không biến sinh hoạt sinh bộ thành buổi họp chuyên môn. Việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề như thế nào cho hiệu quả. (lực chọn chuyên đè, phân công chuẩn bị nội dung trước khi tổ chức sinh hoạt chuyên đề, tổ chức sinh hoạt chuyên đề…) . Có 2 đại biểu phát biểu xung quanh nội dung này là đại biểu của Đảng bộ Bộ Nội vụ và Đảng bộ Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.
Ba là: Tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình của chi bộ vì sao còn yếu? Kinh nghiệm từ một số chi bộ trong việc xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm. Làm gì để thực hiện tốt chế độ sinh hoạt này (mở rộng và phát huy dân chủ trong thảo luận và quyết định những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của chi bộ; nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật, đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình, tăng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp phải thực sự gương mẫu trong sinh hoạt chi bộ…). Đã có 2 phát biểu về nội dung này là của Đảng bộ cơ quan Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bốn là: Công tác quản lý đảng viên, những vấn đề đặt ra cần giải quyết (những hạn chế, yếu kém trong công tác rèn luyện, quản lý đảng viên cần khắc phục, những nội dung hạn chế là gì, nguyên nhân của hạn chế, cách khắc phụ như thế nào?). Ý kiến của đại biểu đến từ Văn phòng Quốc hội xoay quanh nội dung này.
Năm là: Trách nhiệm của cấp uỷ, người đứng đầu cấp uỷ, đơn vị, thủ trưởng cơ quan đối với công tác đảng nói chung và trong sinh hoạt chi bộ nói riêng (người đứng đầu có thực sự quan tâm công tác đảng không? cấp uỷ cấp trên có thực sự quan tấm đến công tác chi bộ không? Cách thức thể hiện trách nhiệm đó như thế nào?...) Đại biểu của Đảng bộ Viện Kiểm toán nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư dành nhiều thời gian phân tích những nội dung trên từ thực tiễn của đơn vị mình.
Kết luận Hội thảo, đồng chí Đào Ngọc Dung khẳng định Hội thảo đã có những kết quả đáng ghi nhận, phân tích làm rõ tầm quan trọng của chi bộ, nhất là chi bộ ở các cơ quan Trung ương - khối các cơ quan chiến lược, tham mưu quan trọng của Trung ương Đảng và Nhà nước. Các ý kiến nêu tại Hội thảo xác đáng, thống nhất. Các bài học kinh nghiệm nêu ra sâu sắc, có ý nghĩa thiết thực đối với đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở các cơ quan, đơn vị.
Tin: Lê Thuỷ
Ảnh: Lê Hoà