Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4-2012

Kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đúng hướng

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, tình hình kinh tế - xã hội nước ta trong 4 tháng đầu năm đã có chuyển biến đúng hướng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục phát huy hiệu quả. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4-2012 tăng 2,6%, thấp nhất trong 3 năm qua.


Về tiền tệ, tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất, nhờ đó, trần lãi suất tiền gửi từ 14%/năm giảm xuống còn 12%/năm; lãi suất tín dụng đã giảm khoảng 1-1,5% so với đầu năm. Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện các chính sách tín dụng hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động…


Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu những tháng đầu năm 2012 tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao, ước 4 tháng đầu năm 2012 đạt trên 33,4 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2012 ước khoảng 33,6 tỷ USD, tăng 4,4%. Nhập siêu 4 tháng đầu năm khoảng 176 triệu USD, bằng 0,53% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ nhiều năm qua, có tác động tích cực trong cân đối và tăng dự trữ ngoại tệ của Nhà nước.


Sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm 2012 mặc dù gặp nhiều khó khăn, song nhờ thực hiện mạnh mẽ các biện pháp tháo gỡ khó khăn, sản xuất công nghiệp tháng 3 và tháng 4 đã có chuyển biến và có chiều hướng cải thiện khá rõ nét so với hai tháng đầu năm. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển ổn định. Trong những tháng đầu năm 2012, ngành nông nghiệp và các địa phương đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đưa hoạt động sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện đời sống và thu nhập của người nông dân. Để khắc phục tính trạng giá lúa giảm, Chính phủ đã chỉ đạo mua tạm trữ hơn 1 triệu tấn gạo để hỗ trợ sản xuất, nhờ đó giá lúa đã nhích lên, bảo đảm người trồng lúa có lãi.


Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2012 tăng khoảng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động du lịch trong những tháng đầu năm diễn ra sôi động, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2012 ước đạt khoảng 2,5 triệu lượt khách, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong 4 tháng đầu năm 2012, đã tạo việc làm cho khoảng 481 nghìn người. So cùng kỳ 2011, số hộ thiếu đói giảm 16,7% và số nhân khẩu thiếu đói giảm 20,2%.


Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, yếu kém như lãi suất tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao; dư nợ tín dụng giảm mạnh; khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế; tốc độ tăng trưởng công nghiệp thấp hơn nhiều so với 4 tháng đầu năm 2011; số doanh nghiệp ngừng sản xuất hoặc giải thể cao hơn so với cùng kỳ năm trước; đời sống của một bộ phận dân cư còn gặp khó khăn…


Tiếp tục nỗ lực để duy trì tăng trưởng hợp lý


Đề cập tới việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, những kết quả bước đầu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xuất khẩu, phát triển sản xuất nông nghiệp… trong những tháng đầu năm 2012 tạo các điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và đưa tốc độ tăng trưởng của các quý sau đạt mức cao hơn. Tuy nhiên, lãi suất tín dụng còn ở mức cao, các áp lực tăng giá đầu vào, nhất là giá điện, xăng dầu, sức mua giảm, cùng với đó là nền kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp và chứa đựng nhiều khó khăn, thách thức.


Theo đó, cần tập trung mạnh vào các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và công nghiệp; thực hành triệt để tiết kiệm, giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩn hàng hóa… Đồng thời, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu; có các giải pháp hỗ trợ sản xuất công nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng; đổi mới kênh thu mua, phân phối, phát triển các hình thức liên kết chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, giảm bớt các khâu trung gian từ nhà sản xuất cho tới người tiêu thụ cuối cùng. Tập trung triển khai tốt hơn nữa công tác bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững với các huyện nghèo, các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; tăng cường công tác dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn.


Tháo gỡ khó khăn phát triển sản xuất, kinh doanh


Qua 4 tháng đầu năm 2012, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước tiếp tục có những chuyển biến tích cực, những kết quả đạt được ở từng lĩnh vực cụ thể là khá toàn diện. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức phía trước còn rất lớn. Tinh thần chung là phải tiếp tục bám sát các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm là kiềm chế lạm phát ở mức khoảng 9%, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý (khoảng 6%) và bảo đảm thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội.


Trong chính sách tiền tệ, tiếp tục thực hiện lộ trình hạ lãi suất theo xu hướng giảm dần của lạm phát; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn vay để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Điều hành tín dụng ở mức hợp lý đối với tín dụng cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa; cho vay nông nghiệp, nông thôn; cho vay sản xuất hàng xuất khẩu… Khẩn trương tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đảm bảo thanh khoản của hệ thống ngân hàng; thực hiện hiệu quả các biện pháp xử lý nợ xấu; khoanh nợ…


Về chính sách tài khóa, phải bảo đảm cân đối ngân sách, giữ bội chi ngân sách nhà nước năm 2012 ở mức 4,8% GDP như Nghị quyết Quốc hội đã đề ra; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và khuyến khích đầu tư xã hội, thúc đẩy đầu tư FDI qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tập trung vốn tín dụng của nhà nước vào phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng về điện, giao thông…


Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe các phản ứng chính sách từ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để có các biện pháp tháo gỡ khó khăn, điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tế. Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị quyết riêng, trong đó tập trung vào các gói giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất