Thực hiện Kế hoạch số 74-KH/BTCTW ngày 10-5-2017 của Ban Tổ chức Trung ương về việc khảo sát tổng kết “Quy định đảng viên làm kinh tế tư nhân”, ngày 5 và 6-6, Đoàn công tác của Ban Tổ chức Trung ương đã làm việc tại tỉnh Đồng Tháp.
Làm việc với Đoàn có đồng chí Phan Văn Thắng, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ; đại diện lãnh đạo các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của Tỉnh uỷ; Lãnh đạo ban, lãnh đạo các phòng thuộc Ban Tổ chức Tỉnh uỷ và đại diện Thường trực Thành uỷ Cao Lãnh, Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp.
Tại buổi làm việc đồng chí Nguyễn Phi Long, Phó Vụ trưởng Vụ Đảng viên, Ban Tổ chức Trung ương nêu mục đích, ý nghĩa của việc khảo sát. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc Tổng kết 10 năm thực hiện Quy định số 15-QĐ/TW ngày 28-8-2006 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đảng viên làm kinh tế tư nhân (gọi tắt QĐ15), Ban Tổ chức Trung ương lập kế hoạch nghiên cứu, khảo sát tại một số tổ chức đảng, qua đó nhằm nắm tình hình triển khai, quán triệt và kết quả thực hiện QĐ15 trong 10 năm qua tại các đảng bộ trực thuộc Trung ương. Thông qua khảo sát để đánh giá sát tình hình thực tế; những khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện, hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế để nghiên cứu, xây dựng đề án theo đúng quan điểm, chủ trương của Đảng và phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đồng thời, tiếp nhận những ý kiến tham gia, góp ý đối với dự thảo đề án và những đề xuất, kiến nghị.
Đoàn công tác đã nghe báo cáo kết quả 10 năm thực hiện QĐ15 ở tỉnh Đồng Tháp. Đảng bộ tỉnh hiện có 17 đảng bộ trực thuộc, với 768 tổ chức cơ sở đảng (315 đảng bộ cơ sở, 453 chi bộ cơ sở), 57.837 đảng viên. Tính đến tháng 6-2017, toàn tỉnh có 2.016 đảng viên làm kinh tế tư nhân, chiếm 3,48% so với tổng số đảng viên, trong đó kinh tế cá thể 1.375 đồng chí; tiểu chủ 175 đồng chí; doanh nghiệp tư nhân 466 đồng chí. Thực hiện QĐ15, Tỉnh ủy Đồng Tháp đã quan tâm triển khai nội dung quy định đến các tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) trực thuộc, đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng hướng dẫn và tổ chức thực hiện, tạo mọi điều kiện để đảng viên làm kinh tế tư nhân. Qua thực tế cho thấy, về cơ bản, các doanh nghiệp do đảng viên làm chủ hoạt động khá hiệu quả và tuân thủ đúng theo Luật Doanh nghiệp, cũng như các quy định hiện hành. Một số doanh nghiệp đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường với doanh thu hàng năm luôn tăng, thực hiện tốt nghĩa vụ thuế với Nhà nước và các chế độ, chính sách cho người lao động. Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy quản lý của các doanh nghiệp do đảng viên làm chủ thường gọn nhẹ, có khả năng tiếp cận thị trường, nhanh nhạy và liên kết với nhau trong việc cung cấp vật liệu đầu vào, phân phối sản phẩm. Ngoài việc đóng góp đáng kể nguồn thu hàng năm vào ngân sách Nhà nước, tạo công ăn việc làm cho một bộ phận lao động, nhiều đảng viên làm kinh tế tư nhân cũng đã quan tâm và ủng hộ tích cực các hoạt động văn hóa, an sinh xã hội. Trên thực tế, từ khi Đảng ta có chủ trương quy định đảng viên được làm kinh tế tư nhân thì các TCCSĐ và đảng viên không chỉ được củng cố, phát triển trong các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp công lập mà còn được mở rộng ra phạm vi các doanh nghiệp dân doanh, hộ sản xuất, kinh doanh, tăng cường quy mô, phạm vi và sức chiến đấu của Đảng. Đảng viên tham gia trong lĩnh vực kinh tế tư nhân không chỉ thể hiện sự nhạy bén, năng động mà còn thể hiện tính tiên phong trong thực hiện chủ trương phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đảng viên làm kinh tế tư nhân đều giữ được phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, hoàn thành tốt nhiệm vụ của đảng viên ở cơ quan, đơn vị, địa phương. Cán bộ, đảng viên có tham gia làm kinh tế tư nhân đều gương mẫu chấp hành Điều lệ Đảng, quy định của Đảng, chấp hành pháp luật của Nhà nước; bảo đảm chế độ, chính sách đối với người lao động trong doanh nghiệp. Qua kết quả rà soát hằng năm chưa phát hiện có trường hợp vi phạm QĐ15.
Tuy nhiên, việc triển khai, thực hiện QĐ15 trong thời gian qua ở Đồng Tháp còn một số khó khăn, vướng mắc: Đối tượng, phạm vi điều chỉnh tại Khoản 1, Điều 3 QĐ15 còn bó hẹp, chưa phù hợp tình hình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế như hiện nay. Việc nắm tình hình, theo dõi và báo cáo đảng viên làm kinh tế tư nhân có nơi còn lúng túng trong việc xác định đối tượng, ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, nguồn gốc xuất thân khi làm kinh tế tư nhân. Chưa có hướng dẫn cụ thể cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân, nên đại bộ phận đảng viên còn né tránh chưa dám đứng tên làm chủ doanh nghiệp (để cho vợ hoặc chồng, con, người thân đứng tên chủ doanh nghiệp), hoặc có đứng tên nhưng không mạnh dạn mở rộng quy mô phát triển sản xuất, kinh doanh. Công tác kết nạp đảng viên là chủ doanh nghiệp nhiều nơi còn lúng túng, nhất là những doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng, đảng viên; số cảm tình đảng và đảng viên mới chưa được chủ doanh nghiệp tạo điều kiện dự học lớp bồi dưỡng kết nạp đảng và lớp đảng viên mới, nếu tham gia học thì bị trừ lương, cho thôi việc, dẫn đến một bộ phận người lao động có tư tưởng ngán ngại vào Đảng (sợ mất việc làm). Một số đảng viên là người làm công ăn lương ở doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng, bị phụ thuộc nhiều vào giới chủ nên không chủ động về thời gian sinh hoạt Đảng hoặc bỏ sinh hoạt dẫn đến bị xoá tên trong danh sách đảng viên. Một số doanh nghiệp mà đảng viên làm chủ là các doanh nghiệp nhỏ, nguồn lực nội tại thấp; phương tiện sản xuất chưa hiện đại; nắm bắt thông tin, dự báo tình hình thị trường thiếu kịp thời; thiếu chủ động trong định hướng phát triển, nhất là liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm (giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và người cung ứng nguyên liệu đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra); trình độ quản lý, quản trị doanh nghiệp yếu, còn tư tưởng trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên năng lực sản xuất, kinh doanh chưa đủ sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế...
Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Đồng Tháp kiến nghị Trung ương sớm sửa đổi QĐ15 theo hướng mở rộng đối tượng, phạm vi điều chỉnh tại Điều 3 cho phù hợp với Điểm 8, Phần I, Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm và phù hợp tình hình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế như hiện nay; đồng thời ban hành hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ khi thực hiện quy định này, trong đó nêu rõ khái niệm về “đảng viên làm kinh tế tư nhân”, đảng viên được làm kinh tế tư nhân (có danh mục ngành, nghề kinh doanh cụ thể), đảng viên giữ chức vụ đến đâu thì không được làm kinh tế tư nhân hoặc để người thân (bố mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em, ruột) kinh doanh, tính chất, quy mô, nhất là doanh nghiệp có đông lao động làm thuê (có danh mục ngành, nghề cụ thể); quy định cụ thể cơ chế kiểm tra, giám sát, quản lý đảng viên làm kinh tế tư nhân; chế độ sinh hoạt chi bộ... để nhận thức, thực hiện thống nhất. Đề nghị Chính phủ cần có chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đào tạo (kỹ năng quản trị doanh nghiệp, lao động...) để khuyến khích đảng viên làm kinh tế tư nhân mạnh dạn mở rộng đầu tư, phát triển sản suất, kinh doanh. Trung ương cần Quy định cụ thể đối với những doanh nghiệp có đảng viên là người trực tiếp lao động, sản xuất trong doanh nghiệp được thực hiện nhiệm vụ đảng viên, được thành lập tổ chức đảng, phát triển đảng viên theo quy định; thực tế hiện nay có nhiều doanh nghiệp chưa thể bảo đảm tạo sự hài hoà giữa xây dựng, phát triển doanh nghiệp với thực hiện các quy định của Đảng về quyền, nhiệm vụ của đảng viên, sinh hoạt đảng đối với đảng viên công tác xa. Xem xét cho thí điểm hướng dẫn hình thức, nội dung, chương trình sinh hoạt chi bộ và tổ chức thực hiện nghị quyết của chi bộ (sử dụng công nghệ thông tin, tổ chức sinh hoạt bằng hình thức trực tuyến,...) đối với một số doanh nghiệp đặc thù có đông đảng viên, có nhiều công ty con, chi nhánh, xưởng sản xuất không tập trung trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, Đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Thành uỷ Cao Lãnh và Đảng uỷ Khối doanh nghiệp tỉnh.
Sơn Tra