Ngày 11-7-2017, tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hội nghị trực tuyến tới 75 điểm cầu với chủ đề “Kinh nghiệm xây dựng bộ máy chính quyền trung ương và chính quyền địa phương; cải cách hành chính ở Nhật Bản”.
Tham dự, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Minh Chính, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Dự hội nghị có hơn 2.400 đại biểu là đại diện lãnh đạo, chuyên viên các ban tổ chức, vụ tổ chức - cán bộ các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; tại các điểm cầu là đại diện thường trực các tỉnh, thành ủy, cán bộ, chuyên viên các ban tổ chức tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, đại diện HDND, UBND các tỉnh, thành phố, lãnh đạo, chuyên viên các ban tổ chức tỉnh ủy, sở nội vụ…
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định hội nghị nhằm trao đổi, tham khảo một số kinh nghiệm của Nhật Bản về cải cách tổ chức bộ máy của chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, phục vụ cho việc nghiên cứu, xây dựng đề án trình hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ quan Trung ương và địa phương tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản.
Trong buổi sáng, Giáo sư danh dự Hisao Tsukamato (ảnh trên) đến từ Đại học Waseda (Nhật Bản) chia sẻ về lịch sử cải cách hành chính tại Nhật Bản, thông tin cơ bản bộ máy Chính phủ Nhật Bản, kinh nghiệm về cải tổ đảng bộ nhà nước… Về những nét chính trong cuộc cải cách Chính phủ Bản năm 2001, Giáo sư đánh giá, cuộc cải cách này là do sự khởi xướng và lãnh đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ. Quá trình nghiên cứu và thiết kế cuộc cải cách kéo dài trong vòng 1 năm, qua đó đã giúp Chính phủ Nhật Bản xây dựng lộ trình cải cách và ban hành Luật cơ bản về cải cách hành chính để bắt buộc các thành viên Chính phủ phải thực hiện. Đồng thời, Chính phủ Nhật Bản cũng thành lập một cơ quan độc lập giám sát quá trình cải cách nhằm giúp cải cách hành chính chính quyền từ Trung ương đến cơ sở luôn thống nhất và đạt hiệu quả cao trong hoạt động.
Giáo sư cũng đánh giá cao những nỗ lực cải cách hành chính ở Việt Nam. Ông cho rằng, cải cách hành chính là một thách thức của bất kỳ chính phủ nào trên thế giới. Mục tiêu lâu dài của tất cả các chính phủ là cung cấp những dịch vụ công thiết yếu, hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động của công dân và doanh nghiệp thông qua lắng nghe nhưng khó khăn của họ và tạo dựng lòng tin của họ đối với chính phủ. Để làm được điều đó, lãnh đạo Chính phủ phải thường xuyên chú ý đến những thay đổi trong môi trường xung quanh và hoạt động của nó, cần chỉ đạo quyết liệt để thúc đẩy cải cách bộ máy Chính phủ và cơ quan hành chính để đối phó với những thay đổi đó. Nguyên tắc cơ bản của cải cách chính là tinh gọn bộ máy thông qua cắt giảm bộ máy tổ chức đi liền với chọn lọc, sắp xếp, phân loại những chức năng, nhiệm vụ hiện có…
Buổi chiều, Giáo sư Hirofumi Takada (ảnh trên), Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm về quản trị địa phương tại Nhật Bản với các nội dung chính: Hệ thống chính quyền địa phương tại Nhật Bản; những nguyên tắc phân công chức năng nhiệm vụ giữa chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương; nhưng cải cách về phân cấp; về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương; về công tác bầu cử; về cán bộ, công chức địa phương và vấn đề đạo đức công chức.
Xuân Sơn