Trong phiên làm việc chiều 20-11, QH nghe đại diện Ủy ban Thường vụ QH trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của QH về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13.
Tại Kỳ họp thứ 7, thảo luận về nội dung này, các đại biểu Quốc hội đã góp ý, dự thảo lần này đã tiếp thu, hoàn chỉnh các nội dung: Phạm vi, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm; thủ tục, quy trình lấy phiếu và hệ quả sau khi lấy phiếu tín nhiệm. Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội khẳng định, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm là hết sức cần thiết và hiệu quả, thể hiện vai trò giám sát tối cao của Quốc hội và được đông đảo cử tri, nhân dân đồng tình ủng hộ.
QH đã thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Nghị quyết này. Ðề cập thời điểm lấy phiếu, một số đại biểu cho rằng, từ kỳ họp thứ sáu đến kỳ họp thứ tám, QH khóa XIII, QH đã tiến hành hai lần lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn, sau mỗi lần lấy phiếu, không khí, tinh thần làm việc tốt hơn; nhiều bộ trưởng, trưởng ngành sau khi được lấy phiếu có số phiếu tín nhiệm thấp, nhưng đã phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao, làm chuyển biến lĩnh vực bộ, ngành mình quản lý, được dư luận nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Vì vậy, các đại biểu đề nghị, cần chọn thời điểm lấy phiếu tín nhiệm một nhiệm kỳ hai lần vào cuối năm thứ hai và cuối năm thứ tư tạo điều kiện cho người được lấy phiếu phấn đấu vươn lên.
Về mức lấy phiếu tín nhiệm, một số đại biểu cho rằng, nên quy định hai mức: tín nhiệm và không tín nhiệm, như vậy là đủ điều kiện để người được lấy phiếu nắm bắt tình hình, nhìn lại mình, từ đó có phương hướng khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, có đại biểu đồng ý với quy định ba mức như dự thảo Nghị quyết là phù hợp (tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp), để mỗi người được lấy phiếu tự nhìn nhận, đánh giá bản thân, xác định phương hướng phấn đấu tốt hơn.
Có đại biểu nêu, quy định 3 mức như hiện nay chưa đồng bộ với quy định của pháp luật với 4 mức đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ công chức; trong đó, có mức độ đánh giá “không hoàn thành nhiệm vụ”.
Buổi thảo luận cũng ghi nhận một số ý kiến khác của các đại biểu đề nghị lấy phiếu tín nhiệm đối với cả các đối tượng giám đốc các sở, ngành ở hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố; các trưởng phòng cấp huyện; đề nghị bổ sung quy định người được lấy phiếu tín nhiệm phải kê khai tàn sản, báo cáo thu nhập của mình.
Về hệ quả đối với người được lấy phiếu, một số đại biểu đề nghị, dự thảo Nghị quyết cần bổ sung quy định theo hướng người được lấy phiếu, bỏ phiếu có quá nửa số người bỏ phiếu không tín nhiệm thì nên từ chức, nếu không từ chức thì đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định bãi nhiệm, cách chức đối với người đó.
TL