Tối 15-4 tại sân Kỳ Đài - Nghinh Lương Đình, Đại Nội Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức bế mạc Festival Huế lần thứ 7-2012 với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, nơi gặp gỡ các thành phố lịch sử". Đây là một lễ hội văn hóa - du lịch quốc tế, một sự kiện văn hóa nghệ thuật tiêu biểu mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế trong tiến trình hội nhập và phát triển, là một điểm nhấn trong Năm Du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung bộ Huế 2012.
Festival Huế 2012 được đánh giá là khá thành công với nhiều lễ hội quy mô lớn khi có sự hội tụ của các đoàn nghệ thuật đại diện 5 châu lục với 450 nghệ sĩ tên tuổi được chọn từ các Festival quốc tế tiêu biểu; 700 nghệ sĩ đại diện cho các vùng miền trên khắp cả nước. Chính điều này đã làm cho mùa lễ hội năm nay đa sắc màu, mới lạ, độc đáo và hấp dẫn. Festival Huế lần này đã thực sự tôn vinh được các giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện tinh thần giao lưu, đoàn kết, hội nhập và phát triển, đem lại cho Thừa Thiên Huế, cố đô Huế một diện mạo mới, sức sống mới, khẳng định vị thế là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, xứng tầm là một trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc của cả nước.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Ngô Hoà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban Tổ chức Festival Huế 2012 nhấn mạnh: Festival Huế lần thứ 7- 2012 diễn ra từ ngày 7 đến 15-4-2012 với sự tham gia của hơn 65 đoàn và nhóm nghệ thuật đa sắc màu văn hóa đến từ 28 quốc gia, vùng lãnh thổ của cả 5 châu lục và các vùng miền của Việt Nam. Festival Huế 2012 chất lượng tốt, du khách tăng, các chương trình phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là khách quốc tế tăng đột biến. Hơn 3.000 nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp, nghiệp dư và diễn viên quần chúng đã đem đến cho khán giả hàng trăm xuất biểu diễn nghệ thuật đặc sắc và lễ hội dân gian, lễ hội cung đình hoành tráng, lộng lẫy cùng các hoạt động hưởng ứng Festival Huế. Qua đó, đã thu hút hơn 2 triệu lượt người tham dự, trong đó có hơn 180.000 khách lưu trú tại các khách sạn, nhà nghỉ (tăng 62,8% so với cùng kỳ 2011), hơn 80.000 khách quốc tế. Festival Huế lần thứ 7 đang trong mùa du lịch nên so với Festival Huế 2010, khách du lịch đến Huế tăng 54%, trong đó khách quốc tế tăng gấp 3 lần.
Lễ bế mạc là chương trình nghệ thuật với chủ đề "Nhịp thở sông Hương", thể hiện sự tụ hội văn hóa đa sắc màu, gồm nhiều tiết mục ca múa nhạc đến từ nhiều nước trên thế giới cũng như từ mọi miền Việt Nam, trên nền trời lộng lẫy pháo hoa nghệ thuật của nghệ sĩ Pierre Alain Hubert (Pháp). Mở đầu là tiết mục hòa tấu trống hội “Vang mãi ngàn năm” của Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế… Sau đó, khán giả được thưởng thức tác phẩm múa “Vũ hội xuân” cùng các ca khúc mang tiết tấu trữ tình, sâu lắng đậm chất Huế như: Nhịp thở sông Hương, Ngược dòng Hương Giang, Thương về xứ Huế... Giữa chương trình là tiết mục xiếc đầy ngẫu hứng mang đậm chất thảo nguyên đến từ Mông Cổ, những vũ điệu rất sôi động đến từ đảo quốc Cuba hay những vũ khúc hồn nhiên, vui nhộn đến từ nước Nga. Chương trình kết thúc bằng vũ khúc "Thương về xứ Huế”, “Tạm biệt Huế” tha thiết, lãng mạn đầy chất thơ" và màn pháo hoa thay lời giã bạn, hẹn gặp lại tại Festival Huế trong tiết thanh minh của mùa Xuân năm Giáp Ngọ 2014. Ðó là lời giã biệt các nghệ sĩ từ năm châu bốn biển và du khách từ mọi miền đất nước đã đến Huế để cùng làm nên một Festival thành công và đậm chất văn hóa Việt.
Festival Huế 2012 đã thể hiện sự chuyên nghiệp và có quy mô hơn. Trong số 12 sân khấu chính có nhiều sân khấu với sức chứa hàng ngàn người. Sân khấu phục vụ cho lễ khai mạc, bế mạc được dàn dựng trước Quảng trường Ngọ Môn và Kỳ đài - Phu Văn Lâu với diện tích 1.300m2. “Lễ hội Áo dài” được tổ chức tại sân bia Quốc Học với 3 khán đài có sức chứa hơn 3.000 người. Còn với “Đêm Hoàng cung” đã mở rộng không gian và đưa thêm những nghi thức, nghi lễ, trang phục và võng lọng... được nghiên cứu và thể hiện theo tư liệu xưa để tăng chất lượng và hấp dẫn hơn. Lễ hội “Thiên hạ thái bình” được diễn ra tại sân khấu nổi trên sông Hương với hai dãy khán đài được dựng trên bờ… Đây là những lễ hội được dàn dựng công phu với ý tưởng tôn vinh khát vọng cháy bỏng của dân tộc Việt Nam về một đất nước thống nhất, thanh bình, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Đại Nội trong tuần Festival 2012 đã hội tụ đủ sắc màu văn hóa các nước đến các châu lục, vùng lãnh thổ trên thế giới, nhất là nước đến từ châu Á. Ấn tượng nhất vẫn là chương trình “Đêm phương Đông” trình diễn vẻ đẹp của trang phục các dân tộc một số nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, Ấn Độ, Thái Lan, Cam-pu-chia, Phi-lip-pin và Việt Nam.
Các chương trình nghệ thuật được biểu diễn hằng đêm tại Đại Nội, cung An Định. Không gian biểu diễn các chương trình lễ hội Festival Huế không còn bó hẹp ở khu vực kinh thành như các kỳ Festival trước mà đã lan rộng trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Các chương trình nghệ thuật trong nước và quốc tế đã được diễn ra mỗi ngày trên 30 sân khấu từ thành phố đến các huyện, thị xã. Từ phá Tam Giang, cửa biển Thuận An, vịnh Lăng Cô đến thị xã Hương Thủy, Hương Trà và thị trấn các huyện Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc đều có các chương trình nghệ thuật phục vụ dân chúng.
Không khí lễ hội còn đến cả bệnh viện, trường học với các chương trình làm ấm lòng người bệnh. Các chương trình nghệ thuật sân khấu, biểu diễn nghệ thuật trên đường phố của các nước Đông Á, châu Âu, Mỹ La tinh đã được công chúng nồng nhiệt đón nhận, minh chứng là hầu như các sân khấu và quãng diễn đường phố luôn ken người. Festival Huế không chỉ diễn ra với quy mô tổ chức hoành tráng, chuyên nghiệp mà còn ở yếu tố dân tộc, quốc tế, tôn vinh nhiều giá trị văn hóa các vùng miền, quốc gia khác nhau.
Lan Phương (tổng hợp)