Nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học của Học viện Xây dựng Đảng
PGS,TS. Ngô Huy Tiếp, Phó giám đốc Học viện phát biểu tại Hội thảo.

Sáng 14-12, tại Hà Nội, Học viện Xây dựng Đảng thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học Nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học chuyên ngành Xây dựng Đảng. Đây là hoạt động trong chương trình nghiên cứu khoa học thường xuyên của Học viện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội và cán bộ nghiên cứu, giảng dạy khoa học xây dựng Đảng.

 

Hội thảo do PGS,TS. Trần Khắc Việt, Giám đốc Học viện và PGS,TS. Ngô Huy Tiếp, Phó giám đốc Học viện chủ trì. Qua 8 trong 17 chuyên đề trực tiếp trình bày tại Hội thảo và các ý kiến thảo luận, Hội thảo rút ra 5 vấn đề:

 

Một là, cần tiếp tục nghiên cứu, định hướng bổ sung hoàn thiện và phát huy những yếu tố có vai trò quan trọng đã, đang tác động đến chất lượng đào tạo sau đại học ở Học viện Xây dựng Đảng những năm qua. Trong đó có vai trò của công tác quản lý của cơ sở đào tạo; chương trình, giáo trình, tài liệu tham khảo; vai trò của chủ nhiệm bộ môn, của giảng viên (lên lớp và hướng dẫn thảo luận), của người hướng dẫn khoa học; của hội đồng chấm luận văn, luận án và nhất là tính tích cực, chủ động của học viên.

 

Hai là, cần dựa trên nhu cầu, mong muốn và góc nhìn của học viên là giảng viên trong và ngoài hệ thống Học viện Chính trị - Hành chính để đánh giá chất lượng công tác đào tạo sau đại học, để thấy rõ những ưu điểm, hạn chế của nội dung, chương trình, phương pháp và điều kiện phục vụ học tập.

 

Ba là, từ quá trình trực tiếp tham gia giảng dạy và hướng dẫn luận văn, luận án của những nhà khoa học, giảng viên lâu năm để rút kinh nghiệm nâng cao hơn chất lượng đào tạo. Những kinh nhiệm đó là, nắm vững mục tiêu đào tạo và yêu cầu về nội dung, phương pháp giảng dạy; chú ý những thuận lợi và khó khăn trong giảng dạy môn học Xây dựng Đảng về lý luận và thực tiễn; xây dựng nội dung bài giảng, tìm kiếm phương pháp giảng dạy hợp với đối tượng; nhạy bén nắm bắt những vấn đề mới, vấn đề trọng tâm, khai thác những tình huống thực tiễn trong công tác xây dựng đảng làm phong phú bài giảng; chú ý tính phổ biến, tính tương đồng và cả sự khác biệt trong công tác xây dựng đảng ở mỗi cấp, mỗi lĩnh vực, vùng miền để xây dựng tình huống, thiết kế kịch bản lên lớp phù hợp.

 

Bốn là, quy chế đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ những năm gần đây tạo ra cả cơ hội và áp lực đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học của Học viện. Do đó cần coi trọng nâng tầm cơ sở đào tạo đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế. Đồng thời tổ chức lại công tác đào tạo theo hướng nền nếp, khoa học và hiệu quả, củng cố và hoàn thiện tổ chức bộ máy, quy chế đào tạo, nghiên cứu, hướng dẫn khoa học…

 

Năm là, xây dựng Học viện Xây dựng Đảng trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ chất lượng cao của Đảng là nhiệm vụ nặng nề; đào tạo cán bộ lý luận có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ càng khẳng định trách nhiệm và vị thế của Học viện. Vì vậy, cần nhận thức sâu sắc hơn vai trò quan trọng của công tác tổ chức và quản lý đào tạo. Đào tạo, thu hút nguồn nhân lực khoa học chất lượng cao trong và ngoài Học viện là yếu tố quyết định chất lượng đào tạo sau đại học hiện nay. Tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp với quy chế đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ. Xây dựng và bổ sung hệ thống các đề tài khoa học xuất phát từ nhu cầu đời sống và thực tiễn xây dựng Đảng. Đổi mới phương thức thi hết môn, chấm luận văn, luận án tốt nghiệp. Tăng cường quan hệ giữa cơ sở đào tạo, giảng viên, cán bộ Học viện với học viên sau đại học để giám sát, kiểm tra, giúp đỡ, hỗ trợ trong quá trình đào tạo. Phát huy tính tích cực chủ động, say mê nghiên cứu, làm việc khoa học, cần cù, chịu khó, tự tu dưỡng, rèn luyện của học viên trong quá trình học tập, nghiên cứu tại Học viện…

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất