Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai kế hoạch giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng

Ngày 12-12, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UB TVQH) đã họp phiên đầu tiên, triển khai kế hoạch giám sát và nghe các bộ, ngành hữu quan báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng.

Theo kế hoạch, từ nay đến tháng 2-2012, Đoàn giám sát sẽ tổ chức các đoàn công tác tại 11 tỉnh, thành phố gồm: Bến Tre, Cà Mau, Nghệ An, Quảng Trị, Ninh Thuận, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thái Bình về việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng. Đoàn đại biểu QH các tỉnh, thành còn lại sẽ gửi Báo cáo giám sát tại địa phương tới Đoàn giám sát.

Cùng với đó, Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH sẽ tổ chức các hội thảo khu vực đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, miền Bắc, miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên về chính sách người có công. Toạ đàm về nội dung, điều kiện, tiêu chuẩn, chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học sẽ được tổ chức tại Hà Nội.

Theo đánh giá của các thành viên trong Đoàn, hiện nay hệ thống văn bản pháp luật về ưu đãi người có công tương đối đầy đủ và cơ bản đã thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia tích cực vào việc đền ơn đáp nghĩa, chăm lo, trợ giúp người có công và tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để người có công tiếp tục vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc. Cụ thể việc quy định điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công có một số điểm chưa phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội; chế độ ưu đãi có nội dung không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay. Quy định trách nhiệm của cơ quan chức năng thực hiện chính sách ưu đãi xã hội chưa kịp thời, đầy đủ, rõ ràng. Về vấn đề giải quyết hồ sơ tồn đọng, một số trường hợp đặc biệt như không còn lưu hồ sơ gốc, không có người xác nhận... chưa được xem xét, kết luận. Đây sẽ là những nội dung được Đoàn giám sát tập trung tìm hiểu và làm rõ trong quá trình giám sát. Qua đó đưa ra được những đề xuất, kiến nghị cụ thể, chính sách khả thi, phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước có trên 8,8 triệu lượt người có công, chiếm 10% dân số. Hiện, còn gần 1,5 triệu người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng của Nhà nước. Các phong trào tình nghĩa, xã hội hóa chăm sóc người có công ngày càng đẩy mạnh và mang lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đã huy động được gần 1.900 tỷ đồng, tất cả Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được chăm sóc, phụng dưỡng đến cuối đời; 95% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống nơi cư trú.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất