Chiều 20-10, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã chủ trì họp báo quốc tế về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 21-10-2024, dự kiến bế mạc vào sáng ngày 30-11-2024, theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Kỳ họp thứ 8 được tổ chức ngay sau thành công tốt đẹp của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII với tinh thần năm 2024 và năm 2025 là thời gian cả nước tập trung bứt phá, phấn đấu hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đại hội XIII của Đảng, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ để bước vào năm 2026 và Đại hội XIV của Đảng, đưa nước ta bước vào giai đoạn mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế xã hội và một số vấn đề quan trọng khác.
Với tổng cộng 31 nội dung thuộc công tác lập pháp, 16 nội dung về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và các vấn đề quan trọng khác của đất nước cùng trên 80 đề án, đây là kỳ họp có nhiều nội dung nhất, nhiều vấn đề lớn, nhiều dự án luật lớn với phương pháp tiếp cận làm việc mới, trong đó có các đề án, chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội. Quốc hội cũng xem xét việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Quốc hội dự kiến sẽ họp 4 ngày thứ bảy và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp một ngày thứ bảy để cho ý kiến về 4 nội dung chưa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, với tinh thần “Chính phủ trình lúc nào, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lúc ấy” và “Ủy ban Thường vụ sẵn sàng làm việc vào cả buổi tối”.
Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ và xin ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất về việc giảm thời gian đọc tài liệu trên hội trường để dành thêm thời gian cho Quốc hội thảo luận; tăng thảo luận ở tổ và giảm thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước để nhiều đại biểu phát biểu hơn.
Sau khi thảo luận tại tổ, Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Ban Thư ký sẽ tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ; cơ quan chủ trì đề án là các bộ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban của Quốc hội sẽ làm văn bản tiếp thu, giải trình các ý kiến thảo luận tổ của đại biểu Quốc hội và gửi đại biểu Quốc hội để đến khi lên hội trường các đại biểu không phát biểu lại những vấn đề đã được tiếp thu, giải trình, nhằm tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả làm việc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh đổi mới tư duy trong công tác lập pháp, chuyển từ nặng về quản lý sang vừa quản lý tốt, vừa khuyến khích đổi mới sáng tạo, khơi thông nguồn lực phát triển; đổi mới quy trình xây dựng pháp luật khoa học, chuyên nghiệp, kịp thời, khả thi, hiệu quả.
Thông tin về công tác nhân sự tại Kỳ họp thứ 8, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, tại phiên họp trù bị diễn ra vào sáng mai (21-10), Quốc hội sẽ xem xét các nội dung dự kiến trình Kỳ họp và xem xét thông qua chương trình Kỳ họp Quốc hội, trong đó có nội dung về công tác nhân sự sẽ được Quốc hội xem xét thông qua trong chương trình chính thức của Kỳ họp.
Theo chương trình dự kiến của Kỳ họp trình Quốc hội thông qua, tại ngày họp đầu tiên (21-10), Quốc hội sẽ tiến hành quy trình nhân sự với chức danh Chủ tịch nước theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Trưởng Ban Công tác đại biểu nhấn mạnh, tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua đã biểu quyết thống nhất giới thiệu nhân sự đủ điều kiện và sẽ trình để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo quy định.
Ngoài ra, Quốc hội cũng bố trí thời gian trong chương trình để thực hiện công tác nhân sự khác thuộc thẩm quyền.
PV