Chiều 6-7-2011, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương do TS. Trần Hồng Hà, Phó bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương làm chủ tịch đã tổ chức nghiệm thu Đề tài: Nghiên cứu chế độ sử dụng và đãi ngộ quan lại thời Hậu Lê, do đồng chí Nguyễn Bá Túc, chuyên viên cao cấp Ban Tổ chức Trung ương làm chủ nhiệm.
Đây là một đề tài nghiên cứu chuyên sâu dưới góc độ lịch sử về chế độ sử dụng và đãi ngộ quan lại thời Hậu Lê (1428-1789), tập trung chủ yếu vào thời Lê Sơ (1428-1527).
Với 141 trang và nhiều tài liệu, tư liệu lịch sử có giá trị, Đề tài phân tích, đánh giá một cách toàn diện, có hệ thống về: Những nguyên tắc sử dụng quan lại; Chế độ tuyển chọn, đánh giá, luân chuyển, bổ nhiệm, quản lý, giám sát quan lại; Chế độ đãi ngộ, xử phạt và kỷ luật; Chế độ giáo dục đạo đức quan lại… Các phân tích này được dựa trên cơ sở phân tích hoàn cảnh chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của một thời kỳ tiêu biểu - một trong những triều đại phát triển rực rỡ trong lịch sử dân tộc.
Từ các kết quả nghiên cứu đó, Đề tài khái quát 8 bài học kinh nghiệm về những ưu điểm cũng như những hạn chế trong: Tuyển chọn, sử dụng, đánh giá, quản lý và giám sát, luân chuyển và bổ nhiệm, xử phạt và kỷ luật, giáo dục đạo đức, trong đãi ngộ, khen thưởng động viên và tôn vinh quan lại. Đây là những bài học kinh nghiệm có giá trị của cha ông ta trong lịch sử dân tộc cần được kế thừa và phát huy trong công tác tổ chức cán bộ hiện nay.
Từ đó Đề tài đề xuất, kiến nghị 7 vấn đề đối với chế độ sử dụng, đãi ngộ cán bộ, công chức hiện nay:
Một là, cần coi trọng và nâng cao chất lượng tuyển chọn đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Hai là, bố trí, sử dụng hợp lý chuyên môn được đào tạo và năng lực trình độ (sở trường) của cán bộ, công chức.
Ba là, coi trọng đào tạo cơ bản cho đội ngũ cán bộ, công chức.
Bốn là, thực hiện sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, tăng cường công tác quản lý và giám sát cán bộ, công chức.
Năm là, vận dụng chế độ “khảo công quan lại” trong việc đánh giá, bổ nhiệm cán bộ.
Sáu là, tiến hành cải cách chế độ tiền lương.
Bảy là, xử lý nghiêm khắc, kịp thời cán bộ, công chức kể cả cán bộ có chức vụ lãnh đạo, quản lý cao khi vi phạm pháp luật và các quy định về đạo đức công vụ.
Đề tài là một công trình có giá trị về lý luận và thực tiễn, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu đề ra. Hội đồng nghiệm thu đánh giá, xếp loại xuất sắc (89,28/100 điểm).
Tin, ảnh: Hà Thư