Những vấn đề cơ bản và cấp bách ...
Đồng chí Tô Huy Rứa (giữa) với đại biểu Hội nghị

Như tin đã đưa, chiều 20-9, Hội nghị trao đổi công tác giữa Ban Tổ chức Trung ương với các ban, bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội, đảng ủy các đơn vị sự nghiệp Trung ương và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đặc biệt tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường. Đồng chí Trần Lưu Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương điều hành hội nghị.

Báo cáo đề dẫn do đồng chí Trần Lưu Hải trình bày và những ý kiến tham luận trong Hội nghị đã đề cập nhiều nội dung vừa cơ bản vừa cấp bách trong công tác tổ chức cán bộ hiện nay:

1. Công tác quy hoạch cán bộ

Trong giai đoạn 2006-2010, công tác quy hoạch cán bộ ở các ban, bộ, ngành và đoàn thể ở Trung ương đã có bước chuyển biến rõ rệt, trước hết là chuyển biến về nhận thức; đã tích cực triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả tốt, thiết thực. Đến nay, Ban Tổ chức Trung ương đã xác nhận quy hoạch nhiệm kỳ 2011-2016 đối với 40 ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương; một số đang chờ xác nhận quy hoạch; tuy nhiên một số ít đơn vị gặp khó khăn khi triển khai, chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Kết quả cụ thể là: Tổng số cán bộ đưa vào quy hoạch cán bộ diện Trung ương quản lý là 468 đồng chí (cấp trưởng là 94, cấp phó là 374). Tỉ lệ quy hoạch cấp trưởng là 94/40 đạt 235 % (khoảng 2,4 đồng chí/ một vị trí). Tính bình quân mỗi cơ quan, đơn vị có 4 cấp phó thì tỉ lệ quy hoạch cấp phó là 374/40/4 đạt 233 % (khoảng 2,3 đồng chí/một vị trí).

Một số ưu điểm trong công tác quy hoạch cán bộ thời gian qua là:

Công tác quy hoạch cán bộ đã đi dần vào nền nếp, dân chủ, công khai, có sự kế thừa trong quá trình tiến hành quy hoạch; đã chuẩn bị được số lượng cán bộ dự nguồn tương đối dồi dào, chất lượng tốt hơn; từng bước khắc phục tình trạng bị động, lúng túng trong công tác nhân sự. Kết quả bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử Ban Chấp hành Trung ương khoá XI cho thấy hầu hết là cán bộ trong quy hoạch.

Tập thể lãnh đạo các ban đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, cấp uỷ đảng ở các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương do nhận thức được tầm quan trọng của công tác quy hoạch cán bộ nên đã chỉ đạo cấp dưới tiến hành quy hoạch theo phân cấp, làm cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch cán bộ diện Trung ương quản lý và quyết định quy hoạch cán bộ cấp mình quản lý.

Quy hoạch cán bộ được thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan và công khai hơn, bước đầu thể hiện được phương châm “mở” và “động”; các bước tiến hành nói chung thực hiện theo đúng quy định.

Từ quy hoạch cán bộ, nhiều ban, bộ, ngành, đoàn thể đã chủ động trong kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ và chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận; từng bước thực hiện việc bổ nhiệm, giới thiệu bầu cử trên cơ sở quy hoạch; tình trạng quy hoạch mang tính hình thức được khắc phục một bước... Điều đó thể hiện tính tích cực, hiệu quả của công tác quy hoạch.

Một số hạn chế, khuyết điểm trong quy hoạch cán bộ thời gian qua:

Bên cạnh những cơ quan, đơn vị đã tạo được nền nếp, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị sau khi có đôn đốc của Ban Tổ chức Trung ương mới triển khai quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2011-2016; một số nơi chưa quan tâm xây dựng quy hoạch cán bộ hoặc quy hoạch còn mang tính hình thức, tính khả thi chưa cao; chưa gắn quy hoạch cán bộ với đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ; chưa có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp cán bộ sau quy hoạch; chưa làm tốt việc quy hoạch từ cấp dưới làm cơ sở cho quy hoạch cấp trên; ít phát hiện nguồn quy hoạch ngoài cơ quan, đơn vị mình; chưa thật sự đảm bảo phương châm “mở” và “động”... việc rà soát, bổ sung quy hoạch hằng năm chưa thật sự chủ động hoặc đôi khi còn lúng túng về cách làm. Một số cơ quan tham mưu về công tác tổ chức cán bộ thiếu chủ động trong việc đề xuất triển khai thực hiện công tác quy hoạch cán bộ.

Nhiều cán bộ được đưa vào quy hoạch chưa thể hiện được sự nổi trội so với những cán bộ khác; không ít trường hợp bổ nhiệm cán bộ không có trong quy hoạch hoặc có trong quy hoạch nhưng chất lượng chưa bảo đảm yêu cầu.

Nhận thức chưa đầy đủ về nội dung, phương pháp quy hoạch cán bộ, thậm chí còn nhầm lẫn giữa công tác quy hoạch cán bộ và công tác nhân sự, giữa tiêu chuẩn cán bộ bổ nhiệm với tiêu chuẩn cán bộ đưa vào nguồn quy hoạch. Việc kéo dài thời gian công tác của cán bộ nữ là thứ trưởng và tương đương trở lên là 60 tuổi, nhưng quy định độ tuổi chung của cán bộ nữ để đưa vào quy hoạch vẫn là dưới 50, cũng gây nên sự lúng túng trong quá trình thực hiện quy hoạch.

Đến nay mới chỉ có quy hoạch riêng của các địa phương và các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương chưa có sự gắn kết giữa các quy hoạch này; chưa có quy hoạch tổng thể cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của cả hệ thống chính trị; chưa có quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ chính trị, Ban Bí thư và các vị trí chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Chậm tổng kết và thể chế hoá các quan điểm, chủ trương và những vấn đề mới nảy sinh trong công tác quy hoạch cán bộ.

Nguyên nhân là do cấp có thẩm quyền chưa nhận thức đầy đủ về công tác quy hoạch; việc chỉ đạo thực hiện chưa quyết liệt; cơ quan, đơn vị tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn; việc bổ nhiệm cán bộ ở ban, bộ, ngành là không định kỳ, không gắn với nhiệm kỳ như cấp uỷ địa phương, nên chưa thấy sự cần thiết của công tác quy hoạch cán bộ.

2. Công tác luân chuyển cán bộ

Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25-01-2002 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý, nhiệm kỳ Đại hội IX của Đảng, đã có 11 cán bộ cấp thứ trưởng và tương đương luân chuyển về công tác tại các địa phương. Trong nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng, thực hiện Thông báo kết luận số 127-TB/TW ngày 03-01-2008 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý, từ giữa năm 2008, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với các cơ quan liên quan trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục luân chuyển 35 cán bộ cán bộ tại các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương (gồm 12 đồng chí thứ trưởng và tương đương; 23 đồng chí cấp tổng cục, cục, vụ, viện; trong đó có 02 đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng dự khuyết) về công tác tại các địa phương để giữ chức phó bí thư tỉnh, thành uỷ và phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố (gồm 05 đồng chí giữ chức phó bí thư - chủ tịch UBND tỉnh; 14 đồng chí giữ chức phó bí thư tỉnh uỷ và 16 đồng chí giữ chức phó chủ tịch UBND tỉnh). Việc luân chuyển cán bộ thời gian qua cho thấy:

Ưu điểm:
Các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương tiếp tục quán triệt Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, đa số đã chú ý xây dựng quy hoạch và tạo điều kiện để cán bộ phát huy chức trách, nhiệm vụ được giao nhằm thực hiện tốt kế hoạch luân chuyển cán bộ.

Ban Tổ chức Trung ương đã có Hướng dẫn số 06-HD/BTCTW ngày 02-4-2002 về thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý và Công văn số 6876-CVNS/BTCTW ngày 18/11/2009 đề nghị các bộ ngành và địa phương phối hợp trong thực hiện công tác luân chuyển cán bộ, nhờ đó thông tin giữa các bộ, ngành có cán bộ luân chuyển và địa phương được duy trì thường xuyên hơn, việc thực hiện quy hoạch hiệu quả hơn.

Một số ban, bộ, ngành đã chủ động tiếp nhận cán bộ đi luân chuyển trở lại để bố trí theo quy hoạch hoặc bố trí công tác khác theo quyết định của Trung ương.

Đa số cán bộ luân chuyển đã có sự trưởng thành trong thực tiễn công tác, có đóng góp nhất định, gắn bó với địa phương, được địa phương ghi nhận và đám giá tốt. Một số đồng chí đã được bầu giữ cương vị cao hơn trước khi luân chuyển, một số đồng chí được địa phương đưa vào quy hoạch và giữ lại tiếp tục làm công tác ở địa phương.

Các tỉnh, thành uỷ đã quan tâm đến chế độ, chính sách như nhà ở công vụ, phương tiện làm việc đối với cán bộ luân chuyển.

Một số hạn chế, khuyết điểm trong luân chuyển cán bộ thời gian qua:

Một số cán bộ thực hiện luân chuyển với thời gian còn ngắn, chưa đủ từ 03 năm trở lên theo quy định; chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn cán bộ luân chuyển; tuổi đời của cán bộ luân chuyển còn cao (một phần ba cán bộ luân chuyển trên 50 tuổi); chất lượng cán bộ đưa đi luân chuyển chưa cao, chưa thực sự đúng yêu cầu; một số chưa trong quy hoạch, chưa đủ điều kiện vẫn đưa đi luân chuyển giữ chức vụ cao hơn, nên đã gây thắc mắc trong cán bộ, đảng viên, quần chúng; chưa chú trọng luân chuyển từ địa phương về Trung ương.

Chưa có quy trình, kế hoạch tổng thể luân chuyển cán bộ gắn với quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ một cách cơ bản, lâu dài.

Chưa nghiêm túc trong việc kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả công tác của cán bộ trong thời gian luân chuyển làm cho việc đánh giá chất lượng cán bộ luân chuyển chưa đúng thực chất.

Không ít địa phương còn xem việc luân chuyển cán bộ từ Trung ương về chỉ là tạm thời nên chưa quan tâm bố trí công việc đúng với sở trường của họ; khi làm quy hoạch cũng chỉ quy hoạch vào chức danh đang đảm nhiệm, ít quy hoạch chức danh cao hơn.

Một số nơi còn lúng túng trong việc bố trí, sắp xếp cán bộ khi hết thời hạn luân chuyển. Một vài nơi do đã bổ sung kiện toàn đủ cán bộ lãnh đạo, nay có khó khăn trong việc tiếp nhận cán bộ trở lại.

Quá trình rèn luyện, tu dưỡng của cán bộ luân chuyển còn hạn chế, chưa thể hiện rõ năng lực lãnh đạo, quản lý; nhiều người chưa an tâm công tác, tâm lý muốn được bố trí sắp xếp ở cơ quan Trung ương, vào cương vị cao hơn, do đó làm cho việc bố trí cán bộ sau luân chuyển  thêm khó khăn, phức tạp.

Một số chế độ chính sách đối với cán bộ luân chuyển chậm được xây dựng, ban hành.

3. Công tác đánh giá cán bộ

Đánh giá cán bộ là việc rất nhạy cảm, là khâu quan trọng nhất, nhưng lâu nay chưa đạt được kết quả như mong muốn và vẫn là một khâu yếu. 
...

Sáng mai 21-9, Hội nghị tiếp tục làm việc.
 

Quốc Khánh

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất