Đồng chí Võ Công Hàm, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm.
Dự lễ kỷ niệm có đồng chí Lê Đình Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh; các đồng chí Thường trực, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ và đông đảo cán bộ, nhân dân huyện Đức Thọ.
Diễn văn đọc tại Lễ kỷ niệm đã khái quát lại quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú. Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1-5-1904 tại Phú Yên, trong một gia đình nhà nho có tinh thần yêu nước nồng nàn. Thân sinh đồng chí quê quán ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh - là vùng quê giàu truyền thống văn hoá và cách mạng. Kế thừa truyền thống tốt đẹp của gia đình và quê hương, mặc dù mồ côi cả cha lẫn mẹ từ thuở nhỏ, nhưng được sự giúp đỡ của bà con, họ hàng và sự nỗ lực, phấn đấu của bản thân, đồng chí Trần Phú đã vượt qua bao gian khổ để vươn lên học tập và rèn luyện. Dù ở cương vị nào đồng chí cũng thể hiện được sự gần gũi, cảm thông với những người lao động cùng khổ, ý chí tự lập, tự cường, lòng yêu nước thương dân sâu sắc.
Năm 1922, đồng chí Trần Phú đỗ đầu kỳ thi Thành chung Trường Quốc học Huế và được phân công dạy học tại Trường Tiểu học Cao Xuân Dục, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Đồng chí nổi tiếng là một thầy giáo dạy giỏi, thương yêu học sinh, tôn trọng đồng chí và đồng nghiệp. Trong những năm 1923 - 1925, đồng chí đã tham gia sáng lập Hội Phục Việt, sau đổi tên thành Hưng Nam rồi Việt Nam cách mạng Đảng và Tân Việt.
Cuối năm 1924, đồng chí Trần Phú được cử sang Quảng Châu dự lớp tập huấn về lý luận chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giảng dạy, được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và nhóm bí mật của Cộng sản Đoàn. Đây là bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động của đồng chí Trần Phú, từ một thanh niên trí thức đang tìm đường cứu nước trở thành một chiến sỹ cộng sản.
Mùa xuân năm 1927, đồng chí Trần Phú được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử sang học tại trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Mát-xcơ-va; nghiên cứu hệ thống lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối Quốc tế Cộng sản, tiếp xúc với văn hoá châu Âu, đồng chí đã tích luỹ thêm những lý luận cơ bản, chuẩn bị cho mình những hành trang mới. Đến 1929, bị bọn phong kiến Nam triều kết án tử hình vắng mặt, bị kẻ thù lùng sục gắt gao khắp nơi, đồng chí vẫn quyết định trở về nước hoạt động.
Tháng 7-1930, đồng chí được bổ nhiệm vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng lâm thời và được phân công trực tiếp khởi thảo Luận cương chính trị của Đảng. Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10-1930, Luận cương chính trị đã được thông qua và tại Hội nghị này đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Hội nghị đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Đảng và cá nhân đồng chí Trần Phú.
Giữa lúc phong trào cách mạng Việt Nam đang đòi hỏi sự lãnh đạo tập trung của Đảng và vai trò quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư, thì ngày 18-4-1931, đồng chí Trần Phú bị Thực dân Pháp bắt. Để làm nhụt chí đấu tranh của đồng chí Trần Phú, kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn xảo quyệt, tra tấn dã man, nhưng chúng không thể làm lung lay chí khí của người chiến sỹ cộng sản. Trong ngục tù đen tối của đế quốc, đồng chí Trần Phú luôn tìm mọi cách để tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, nêu cao tấm gương sáng cho đồng chí, đồng đội trong các cuộc đấu tranh; giữ vững tinh thần chiến đấu, đặt niềm tin son sắt vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.
Bị kẻ thù tra tấn, đày đoạ dã man, ngày 6-9-1931, đồng chí Trần Phú đã hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng khi mới ở tuổi 27. Tấm gương hy sinh của đồng chí Trần Phú là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Tinh thần bất diệt với câu nói bất hủ trước lúc hy sinh “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” của đồng chí Trần Phú là kim chỉ nam cho hoạt động của các chiến sỹ cộng sản lúc bấy giờ, là nguồn cổ vũ, động viên đối với mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân ta.
Cán bộ, đảng viên và nhân dân tưởng niệm đồng chí Trần Phú tại lễ kỷ niệm.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú tuy ngắn nhưng đã hoàn thành một khối lượng công việc hết sức to lớn, để lại cho Đảng, dân tộc ta những di sản quý báu, đã để lại một tấm gương sáng chói về chí khí cách mạng và tinh thần kiên trung, bất khuất của người cộng sản. Những phẩm chất cao đẹp của đồng chí Trần Phú đã truyền thêm sức mạnh cho đồng chí, đồng bào, cổ vũ các thế hệ cách mạng vững bước tiến lên, vượt qua mọi khó khăn thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam giành được những thành quả như ngày hôm nay và tiếp tục vững bước tiến lên trên con đường CNXH.
Huyện Đức Thọ vinh dự, tự hào là quê hương của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, luôn khắc sâu lời dặn của đồng chí và vững bước đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Trong 89 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Đức Thọ luôn giữ vững chí khí chiến đấu trong mọi hoàn cảnh, vượt qua mọi gian khổ hy sinh, góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh, đồng chí Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhấn mạnh: Noi gương đồng chí Trần Phú và các thế hệ cách mạng tiền bối, từ khi có Đảng lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Đảng bộ và nhân dân huyện Đức Thọ và xã Tùng Ảnh đã lập nên bao chiến công oanh liệt trong công cuộc chống giặc ngoại xâm. Trong thời kỳ đổi mới dựng xây đất nước, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã đoàn kết, vươn lên, giành kết quả toàn diện trên các lĩnh vực.
Thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân huyện Đức Thọ cần phát huy hơn nữa truyền thống quê hương, chí khí cách mạng của đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, chủ động, sáng tạo, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức để giành kết quả toàn diện hơn nữa trên mọi mặt của đời sống, xã hội; sớm xây dựng huyện Đức Thọ đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh phấn đấu thực hiện hoàn thành mục tiêu đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại; xứng đáng là quê hương của đồng chí Trần Phú -Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.
Noi gương đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú, Huyện ủy Đức Thọ phải hết sức chăm lo công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đấu tranh phòng, chống mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên; kiên định vững vàng trong mọi hoàn cảnh; chủ động đấu tranh phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Cũng nhân dịp này, Tỉnh ủy Hà Tĩnh phối với Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Tổng Bí thư Trần Phú - Người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh”.
Trần Đình Hưng
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh