Sáng 6-4, tại Thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự buổi họp mặt mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2019 của đồng bào dân tộc Khmer.
Cùng dự họp mặt có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Đặc biệt, buổi họp mặt có hơn 500 đại biểu là người có uy tín, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các vị chức sắc tôn giáo, nhân sĩ, trí thức, gia đình chính sách, học sinh, sinh viên tiêu biểu là dân tộc Khmer và những người tiêu biểu, xuất sắc trên các lĩnh vực của 17 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ.
Theo truyền thống, Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer diễn ra vào khoảng trung tuần tháng 4 dương lịch hàng năm, còn gọi là Tết đón mừng năm mới để người dân cùng nhau chúc phúc, mừng tuổi, báo hiếu, báo công, cầu mong năm mới an khang, thịnh vượng, ấm no, hạnh phúc. Tết Chôl Chnăm Thmây còn mang ý nghĩa chấm dứt nắng hạn, chuẩn bị cho vụ mùa mới trong năm.
Vùng Nam Bộ có khoảng 1,3 triệu người dân tộc Khmer sinh sống, phần đông tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn. Sản xuất chủ yếu là nông nghiệp. Với các chính sách quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống của đồng bào dân tộc Khmer đã có sự cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ gần 30% năm 2005 xuống còn trên 16% năm 2017. Hạ tầng cơ sở nơi có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống được quan tâm đầu tư, cả về giao thông, trường học, cơ sở khám chữa bệnh, thủy lợi. Số học sinh dân tộc Khmer theo học ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp tăng hàng năm. Các địa phương đã hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và hỗ trợ trên 120.000 căn nhà cho người dân. Từ năm 2001 đến nay, các địa phương cũng đã hỗ trợ các gia đình Khmer nghèo vùng khó khăn từ 300.000 đến 1 triệu đồng/hộ/năm. Các địa phương cũng quan tâm đến chính sách cán bộ người dân tộc Khmer, quan tâm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc Khmer...
Chia sẻ niềm vui đón Tết truyền thống, ông Châu Phát, một người có uy tín trong đồng bào Khmer ở huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Những năm qua, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền nên đời sống đồng bào Khmer ở thị trấn Giá Rai, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu có nhiều thay đổi. Tết năm nay, giao thông về với các phum sóc trong tỉnh Bạc Liêu đều được tráng nhựa. Đồng bào Khmer rất vui trong dịp Tết này”.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Hòa thượng Thạch Sok Xane, đại diện cho giới chư tăng Phật giáo Nam Tông Khmer cho biết, được Thủ tướng Chính phủ chúc Tết, động viên là niềm khích lệ lớn đối với toàn thể chư tăng và đồng bào Khmer Nam Bộ. Với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, chính quyền các địa phương, đời sống của người dân Khmer đã có nhiều khởi sắc. Đối với Phật giáo Nam tông Khmer, việc học hành của các chư tăng được chú trọng. Chương trình giảng dạy chữ Khmer, Pali, Vini, Phật học tại các điểm chùa từng bước được điều chỉnh, bổ sung. Nhiều ngôi chùa được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, quốc gia...
Thay mặt các vị chức sắc, chư tăng, phật tử Khmer, Hòa thượng Thạch Sok Xane xin hứa với Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo Đảng, Nhà nước là tiếp tục phối họp cùng các cấp, các ngành tuyên truyền, vận động đồng bào phát huy truyền thống đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc tôn giáo; phát huy ý chí cần cù, sáng tạo, chịu khó với tinh thần tự lực tự cường cao; tích cực lao động sản xuất, học tập nâng cao trình độ; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho các vị sư, sãi tại buổi họp mặt.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, gửi lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất tới toàn thể đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sĩ và chư tăng dân tộc Khmer, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam là quốc gia thống nhất, đa dân tộc. Đồng bào Khmer Nam Bộ là một cộng đồng trong 54 dân tộc anh em. Đồng bào dân tộc Khmer có truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo trong lao động, có ý thức nâng cao dân trí, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, có nền văn hóa phong phú và đa dạng.
Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có vùng đồng bào dân tộc Khmer. Theo đó, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 19 về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới. Bộ Chính trị đã có Kết luận số 28 về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020...
Chính phủ đã ưu tiên bố trí nguồn lực và chỉ đạo thực hiện quyết liệt các chương trình, đề án lớn như Chương trình 135; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và các chính sách an sinh xã hội, chăm lo sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân; giúp đỡ chư tăng Phật giáo Nam tông Khmer tu học. Chính phủ cũng đã ban hành và triển khai Nghị quyết số 120 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng vui mừng nhận thấy đời sống của người dân Khmer đã được cải thiện rõ rệt; hệ thống chính trị trong vùng dân tộc Khmer không ngừng được củng cố, kiện toàn; chức sắc, tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer và Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước đã hoạt động tích cực, đoàn kết trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nêu lên những thành tựu kinh tế - xã hội đất nước thời gian qua, Thủ tướng khẳng định có sự đóng góp rất quan trọng của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều khó khăn thách thức đối với khu vực Nam bộ nói chung, vùng đồng bào dân tộc Khmer nói riêng, như về hạ tầng kinh tế - xã hội, chất lượng nguồn nhân lực, việc làm và đời sống của người dân còn khó khăn...
Nêu lên các tồn tại đó, Thủ tướng kêu gọi toàn thể đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và các vị chư tăng Khmer hãy tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nêu cao tinh thần tự lực vươn lên, quyết tâm vượt qua khó khăn để mọi người, mọi nhà đều có cuộc sống tốt đẹp hơn. Đồng thời tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới; ra sức học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt nhằm rút ngắn khoảng cách với cả nước; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào ngày càng phong phú. Không ngừng nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thủ tướng cũng đề nghị các vị chức sắc Phật giáo Nam tông Khmer gương mẫu thực hiện chính sách, pháp luật, tích cực vận động đồng bào Phật tử tham gia các phong trào thi đua, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, nâng cao đời sống, thực hiện hiệu quả công tác Phật sự trong định hướng chung của Giáo hội phật giáo Việt Nam, tổ chức các hoạt động Phật giáo tuân thủ pháp luật và Hiến chương của Giáo hội, xây dựng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước ngày càng vững mạnh.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai tích cực các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực dân tộc, tôn giáo. Khuyến khích phong trào khởi nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của đồng bào, giảm nghèo bền vững theo hướng “không để ai ở lại phía sau”.
“Nâng cao hiệu quả công tác cán bộ trong hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc Khmer, chăm lo xây dựng và phát huy vai trò lực lượng cốt cán, người có uy tín, chức sắc tiêu biểu, giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhân buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tặng quà cho các vị chức sắc tiêu biểu.
Vũ Dũng (VOV)