Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Sau Kỳ họp thứ 5, Ủy ban Dự thảo đã chỉ đạo Ban biên tập nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các ĐBQH, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, làm việc với cấp ủy, chính quyền một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, xin ý kiến của các cơ quan liên quan, trình xin ý kiến Bộ Chính trị, Trung ương tại Hội nghị 8; đồng thời, tiếp tục tiếp nhận, tổng hợp và nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của nhân dân để chỉnh lý Dự thảo. Sau khi tiếp thu, Dự thảo chỉnh lý gồm 11 chương, 120 điều (giảm 4 điều so với Dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5).

 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được triển khai sâu rộng, nghiêm túc, thu hút được sự tham gia tích cực, tâm huyết của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Dự thảo trình Quốc hội lần này đã được chỉnh lý một cách hợp lý, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bám sát Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011), nghị quyết của các ĐH Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về mục đích, yêu cầu, những quan điểm cơ bản và định hướng lớn của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Về tên nước tại Điều 1, qua tổng hợp ý kiến của nhân dân, ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại đa số ý kiến tán thành giữ tên nước như hiện hành, tuy nhiên vẫn có ý đề nghị lấy lại tên nước là Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ủy ban Dự thảo thấy rằng, việc giữ tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cần thiết để thể hiện nhất quán mục tiêu, con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Hơn nữa, tên gọi này đã được Quốc hội lựa chọn ngay sau ngày nước nhà thống nhất, đã thân quen với nhân dân ta, được bạn bè và các nước công nhận, trân trọng. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Điều 4, tuyệt đại đa số ý kiến nhân dân và các ĐBQH tán thành việc khẳng định trong Hiến pháp vai trò lãnh đạo của Đảng và những nội dung thể hiện tại Điều 4 của Dự thảo. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị nên viết gọn lại theo hướng chỉ ghi vai trò lãnh đạo của Đảng, còn bản chất của Đảng, trách nhiệm của Đảng thì không quy định trong Hiến pháp mà quy định trong Điều lệ Đảng; một số ý kiến đề nghị cần khẳng định rõ Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội; đề nghị quy định Đảng phải chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo của mình.Ủy ban DTSĐHP nhận thấy rằng, quy định về Đảng trong Dự thảo Hiến pháp lần này đã thể hiện đầy đủ những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng sản Việt Nam được xác định trong Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011)… Quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam; là sự tiếp tục kế thừa các bản Hiến pháp trước đây của nước ta (Hiến pháp 1980, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001)); phù hợp với truyền thống lịch sử của cách mạng Việt Nam, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước. Vì vậy, Ủy ban Dự thảo đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về nội dung này như trong Điều 4 của Dự thảo.

Về hình thức dân chủ trực tiếp tại Điều 6: Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn về các hình thức dân chủ trực tiếp để bảo đảm tính cân đối trong quy định về hai hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng, Hiến pháp chỉ nên quy định khái quát về hình thức dân chủ trực tiếp còn những vấn đề cụ thể để thực hiện dân chủ trực tiếp sẽ do luật quy định.Tiếp thu ý kiến này của đại biểu Quốc hội, Ủy ban DTSĐHP đã chỉnh lý lại Điều này như sau: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước.”

Về nguyên tắc tập trung dân chủ tại Điều 8: Nhiều ý kiến đồng ý với quy định tại Điều này, song có ý kiến đề nghị không quy định nguyên tắc tập trung dân chủ trong Hiến pháp.Ủy ban DTSĐHP nhận thấy rằng, nguyên tắc tập trung dân chủ là một nguyên tắc quan trọng, xuyên suốt trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước ta, đã được ghi nhận từ Hiến pháp năm 1959 đến nay. Do đó, Ủy ban Dự thảo đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này như đã thể hiện tại Điều 8 của Dự thảo.

Về quyền con người, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý, các quy định trong dự thảo Hiến pháp mới đã thể hiện được tầm quan trọng của quyền con người, đảm bảo các quyền con người và có nhiều điểm mới, tiến bộ, phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, phù hợp với thực tiễn nước ta. Theo đó, ở nước ta, các quyền con người, quyền công dân trên các lĩnh vực được tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo hiến pháp và pháp luật.

Về việc hạn chế quyền con người, quyền công dân, dự thảo mới quy định, các quyền này chỉ có thể bị hạn chế trong những trường hợp thật cần thiết. vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng… Để người Việt Nam ở nước ngoài yên tâm về nước, góp phần xây dựng quê hương, đất nước, dự thảo Hiến pháp mới quy định tạo điều kiện cho người Việt Nam được định cư ở nước ngoài.

Về bình đẳng và bình đẳng giới, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tiếp thu các ý kiến đóng góp và chỉnh lý nội dung này trong Hiến pháp theo hướng công dân nam, nữ có quyền ngang nhau về mọi mặt, bảo đảm cơ hội bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển mọi mặt, nghiêm cấm phân biệt giới.

Về các thành phần kinh tế, qua thảo luận có 3 phương án: (1) nêu rõ từng thành phần kinh tế và quy định rõ từng thành phần; (2) quy định khái quát 3 thành phần nhưng thể hiện vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước; (3) quy định khái quát 3 thành phần kinh tế. Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ QH, kinh tế nhà nước là rất quan trọng, thể hiện hạ tầng kinh tế của nước ta, do đó, dự thảo Hiến pháp nên quy định, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Về quyết định việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm  tại khoản 8 Điều 70: Qua thảo luận, có ý kiến đề nghị giữ như quy định của Hiến pháp hiện hành: “Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn” mà không bổ sung quy định việc lấy phiếu tín nhiệm trong Hiến pháp.Ủy ban Dự thảo nhận thấy, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đã được Quốc hội khóa XIII tiến hành trên cơ sở thực hiện yêu cầu về đánh giá cán bộ theo Nghị quyết Đại hội Đảng XI và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI). Việc lấy phiếu tín nhiệm cũng là một bước thăm dò trước khi quyết định bỏ phiếu tín nhiệm đối với nhưng người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 5 vừa qua theo Nghị quyết số 35 của Quốc hội được đông đảo nhân dân đồng tình. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm mới được triển khai lần đầu và còn một số vấn đề cần tiếp tục tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm nên đề nghị chưa quy định vấn đề này trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Ủy ban Dự thảo tán thành với ý kiến này và thấy rằng, việc không quy định lấy phiếu tín nhiệm trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng không ảnh hưởng đến thẩm quyền Quốc hội quyết định lấy phiếu tín nhiệm đánh giá cán bộ để chuẩn bị cho việc bỏ phiếu tín nhiệm.

Về chính quyền địa phương (Chương IX), đa số ý kiến nhân dân, ĐBQH và các cơ quan, tổ chức hữu quan tán thành với sự cần thiết phải đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới... Ủy ban Dự thảo nhận thấy, quy định về chính quyền địa phương trong Hiến pháp là vấn đề rất quan trọng, cần cân nhắc kỹ cả về lý luận và thực tiễn. Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của nhân dân, ý kiến của đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan, Ủy ban Dự thảo đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý chế định chính quyền địa phương theo hướng sau đây: Về tổ chức chính quyền địa phương (Điều 111),  Ủy ban Dự thảo đề nghị Quốc hội cho quy định về tổ chức chính quyền địa phương tại Điều 111 như sau: “1.Chính quyền địa phương tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. 2.Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân được thành lập để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương trong phạm vi được phân cấp, phân quyền do luật định.”….

Tiếp sau báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp dự thảo Hiến pháp sửa đổi, Quốc hội đã nghe Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).

Đáng chú ý, tờ trình đề nghị xác định thời điểm Hiến pháp sửa đổi có hiệu lực là từ ngày được Chủ tịch nước công bố, đồng thời khẳng định, tất cả các cơ quan nhà nước có liên quan được điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn… vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi có các cơ quan nhà nước tương ứng. Những vụ việc đang được xử lý theo quy định của Hiến pháp cũ thì phải chuyển giao cho cơ quan nhà nước đó tiếp tục giải quyết.

Những quy định không phù hợp với Hiến pháp mới cũng phải được sửa đổi cho phù hợp và những bộ luật quan trọng phải được ban hành trước năm 2016.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất