Quốc hội xem xét, thẩm tra dự án Luật Thủ đô và Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
Đại biểu phát biểu tại Hội trường

Cần có biện pháp, cơ chế đồng bộ để xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thủ đô do Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày đã nêu: Cơ quan soạn thảo có nhiều cố gắng trong việc chuẩn bị dự án Luật, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội khoá XII; ý kiến của các cơ quan, tổ chức… đồng thời, đã nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của một số nước để có những quy định phù hợp. Uỷ ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Để có thể khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh phát triển Thủ đô thì cần quy định cho Thủ đô một số cơ chế, chính sách phù hợp. Các cơ chế, chính sách này hoặc là chưa được quy định trong luật hiện hành hoặc đã được quy định nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Bên cạnh đó, một số tồn tại trong xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô thời gian qua là do công tác thi hành pháp luật chưa nghiêm, giải phóng mặt bằng chậm, sự gia tăng dân cư cơ học, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, đơn vị sự nghiệp trong nội thành chưa được sắp xếp hợp lý; còn nhiều công trình xây dựng sai phép, không phù hợp với quy hoạch... Vì vậy, cùng với việc xây dựng, ban hành Luật Thủ đô, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các cấp của TP. Hà Nội cần sớm có biện pháp khắc phục những hạn chế này, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý và thi hành pháp luật trên địa bàn Thủ đô.

Đối với các nội dung cụ thể của dự luật, đa số ý kiến tán thành với quy định chọn biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám; tán thành với các quy định trong dự án luật về các biện pháp bảo đảm việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng...

Đối với chính sách, cơ chế tài chính, ngân sách nhà nước cần có sự ưu tiên phân bổ để đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại. Dự toán chi ngân sách của Thủ đô được xác định trên cơ sở định mức phân bổ chi ngân sách cao hơn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác và cho phép Thủ đô được sử dụng các khoản thu của ngân sách trung ương vượt dự toán trừ 3 khoản... Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, về lâu dài cần phải có các giải pháp tổng thể, đồng bộ về kinh tế - xã hội, quy hoạch... Đồng thời đề nghị, sau khi Luật Thủ đô được ban hành và có hiệu lực thì các cơ quan có thẩm quyền phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy định, bảo đảm nguồn lực được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả… Ngày 27-10-2012, dự thảo Luật Thủ đô tiếp tục được thảo luận tại các tổ.

  Đại biểu đóng góp ý kiến cho các dự thảo luật tại kỳ họp

Cần quy định cụ thể phạm vi trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đối với công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Tờ trình dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trước Quốc hội đã được Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày. So với dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng trước, ngoài việc ít hơn 2 điều (108 so với 110), dự luật đã có nhiều chỉnh sửa.

Mô hình của Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng với 3 phương án khi xin ý kiến Thường vụ Quốc hội được Chính phủ thống nhất không đề cập đến trong luật. Quy định Thủ tướng là Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương đã được bỏ… Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhất trí với việc sửa đổi này và cho rằng: “Việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban là để bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương đối với toàn bộ hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng sẽ được quy định trong văn kiện của Đảng”.

Theo Ủy ban Tư pháp, quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành quan điểm kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đối với tính hợp pháp về tài sản, thu nhập, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức hữu quan phát hiện hành vi tham nhũng... Mặc dù việc kê khai, minh bạch tài sản trên thực tế là hình thức và chưa hiệu quả trong phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện tham nhũng (Báo cáo sơ kết 5 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng). Việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra hành vi tham nhũng còn lúng túng; một số nơi chưa thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm. Nguyên nhân là do trong Luật chưa quy định rõ căn cứ, cơ sở xác định trách nhiệm. Bên cạnh đó, ngay trong dự án Luật có những quy định còn chung, chưa rõ, có thể dẫn đến triệt tiêu hiệu quả của nhau, đó là “người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp quản lý, phụ trách thì bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự” (khoản 1 Điều 68) và “thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm kịp thời phát hiện hành vi tham nhũng” (khoản 1 Điều 72).

Ngoài ra, quy định chung như trong dự luật chưa bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, dẫn tới sự chồng chéo, chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan... Do vậy, Ủy ban Tư pháp đề nghị cần quy định cụ thể phạm vi trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đối với công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng; nội dung của dự án Luật sửa đổi lần này cần bám sát vào những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật …

Dự án luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được thảo luận tại tổ và hội trường trước khi biểu quyết thông qua vào cuối kỳ họp.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất