Chiều 24-10, tại Nhà Quốc hội, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua các nghị quyết về việc sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 21 tỉnh, thành phố.
21 tỉnh, thành phố này gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau, Đà Nẵng, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Kiên Giang, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Long An, Quảng Bình, Quảng Nam, Nghệ An, Thái Nguyên, Thanh Hóa và Yên Bái.
Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận sự cố gắng, khẩn trương, nỗ lực của Chính phủ, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan, cấp ủy, chính quyền địa phương 21 tỉnh, thành phố trong việc xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đồng thời biểu dương, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Ủy ban Pháp luật trong việc nghiên cứu, thẩm tra các đề án để chuẩn bị các tài liệu, báo cáo. Việc sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo các đề án trình đảm bảo đủ thủ tục, đúng trình tự; các tài liệu hồ sơ chuẩn bị chặt chẽ; giải trình, tiếp thu rõ ràng, đầy đủ.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Sắp xếp đơn vị hành chính là công việc rất quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Trung ương, Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị, chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Chủ tịch Quốc hội biểu dương 4 tỉnh gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Lâm Đồng, Kiên Giang đã thực hiện sắp xếp đối với toàn bộ các đơn vị hành chính, bảo đảm đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện. Một số tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Nghệ An, Hải Dương… có số lượng đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp lớn, giảm được nhiều đơn vị hành chính.
Nhấn mạnh mục đích sắp xếp tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị hành chính mới được thành lập, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, công tác tuyên truyền, thông tin đóng vai trò quan trọng để người dân hiểu rõ, ủng hộ, từ đó việc sắp xếp đơn vị hành chính mới hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý không để trụ sở, cơ quan lãng phí, không để bỏ hoang, bỏ trống nhiều tháng, nhiều ngày; giải quyết chế độ, chính sách, làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự đồng thuận đối với cán bộ công chức cấp huyện, cấp xã dôi dư…
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, trong số 254 đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp, có 104 đơn vị của 11 tỉnh, thành phố chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số theo quy định (tất cả đều có diện tích tự nhiên nhỏ hơn 70% tiêu chuẩn quy định, nhiều đơn vị hành chính có diện tích tự nhiên chỉ đạt dưới 30% tiêu chuẩn quy định).
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chính phủ, chính quyền các tỉnh, thành phố rút kinh nghiệm trong việc xây dựng và phê duyệt phương án tổng thể về sắp xếp đơn vị hành chính của địa phương để thực hiện tốt hơn trong giai đoạn tiếp theo, bảo đảm mục tiêu, yêu cầu của công tác sắp xếp đơn vị hành chính.
Hiện nay, trong Báo cáo giải trình, tiếp thu và cung cấp thông tin của Chính phủ, các bộ có liên quan và địa phương đã có những điểm được làm rõ hơn và phù hợp với thực tế. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc, trước mắt cho phép thực hiện việc sắp xếp đối với 104 đơn vị hành chính của 11 tỉnh, thành phố chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số theo quy định như phương án Chính phủ đã trình.
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương tiếp tục nghiên cứu xây dựng phương án sắp xếp phù hợp đối với các đơn vị hành chính thuộc diện bắt buộc sắp xếp mà chưa thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025, xây dựng phương án và lộ trình hoàn thiện các điều kiện cần thiết để bảo đảm thực hiện sắp xếp trong giai đoạn tiếp theo theo đúng quy định.
Từ thực tế và rút kinh nghiệm qua các lần sắp xếp đơn vị hành chính ở các địa phương khác trong cả nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ưu tiên giải pháp giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng, sớm ổn định hoạt động của hệ thống chính trị trên địa bàn, hạn chế gây xáo trộn lớn đến đời sống của nhân dân.
Đồng thời, phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức trên địa bàn thực hiện tốt công tác chuẩn bị, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi thay đổi giấy tờ có liên quan và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của đơn vị hành chính vừa được điều chỉnh và thành lập mới.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, có biện pháp tuyên truyền trước, trong, sau sắp xếp; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của cán bộ, nhân dân, công đồng doanh nghiệp khi sắp xếp đơn vị hành chính. Người dân phải là trung tâm trong câu chuyện sắp xếp này. Đồng thuận xã hội là yếu tốt quyết định. Đặc biệt, việc sắp xếp phải đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả theo đúng tinh thần của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí.
Nguồn: TTXVN