Ngày 16-7-2011, Ban Tổ chức Trung ương - Ban Chỉ đạo Đề án 165 đã tổ chức sơ kết công tác từ năm 2008 đến tháng 6-2011. Đồng chí Tô Huy Rứa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương-Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 165 dự và chỉ đạo Hội nghị. Đồng chí Nguyễn Văn Quynh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương-Phó trưởng Ban chỉ đạo Đề án 165 điều hành hội nghị. Các thành viên ban chỉ đạo, đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương và một số ban, bộ, ngành có liên quan tham dự.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Tô Huy Rứa khẳng định: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo Đề án 165 tuy mới thực hiện thời gian ngắn nhưng đã mang lại hiệu quả thiết thực, có cơ sở để khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng. Thực hiện chiến lược cán bộ của Đảng thời kỳ CNH, HĐH đất nước, cùng với Nhà nước, Đảng chủ động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ góp phần quan trọng trong quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ. Công tác đào tạo cán bộ theo Đề án 165 là chủ trương lớn, công việc mới, chưa có nhiều kinh nghiệm, do đó cần nghiêm túc đánh giá đúng ưu, khuyết điểm, xem xét để điều chỉnh. Đồng chí yêu cầu hội nghị tập trung thảo luận làm rõ các vấn đề: Đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện đào tạo theo Đề án; mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo; thời gian đào tạo với từng đối tượng; kết hợp đào tạo trong nước với ngoài nước; đào tạo gắn với bồi dưỡng...
Báo cáo sơ kết do đồng chí Nguyễn Văn Quynh trình bày nêu rõ: Thực hiện Kết luận số 165-TB/TW ngày 27-6-2008 của Bộ Chính trị về “Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước”, Ban chỉ đạo đã khẩn trương xây dựng và ban hành các quy định, quy chế để triển khai. Được sự quan tâm và tham gia tích cực của các địa phương, đơn vị, các tổ chức trong và ngoài nước đã đạt nhiều kết quả:
Công tác tuyển sinh và đào tạo, bồi dưỡng đạt nhiều kết quả quan trọng. Đã cử 580 cán bộ tham gia đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ, trong đó có 298 cán bộ đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ ở nước ngoài. Có 272 cán bộ tham gia đào tạo thạc sỹ liên kết giữa các trường có uy tín của nước ngoài và các trường đại học lớn trong nước.
Về bồi dưỡng ngắn hạn, đã cử 140 đoàn với số lượng 2.804 cán bộ đi bồi dưỡng theo chuyên đề tại các quốc gia: Trung Quốc, Nga, Anh, Đức, Ý, Thuỵ Sỹ, Mỹ, Canada, Cuba… Việc tổ chức bồi dưỡng ngắn hạn đã đáp ứng được nhu cầu thiết thực của đội ngũ cán bộ. Bồi dưỡng ngoại ngữ ở ngoài nước có 908 cán bộ tham gia, ở trong nước có 1.505 cán bộ tham gia…
Đề án 165 tuy mới triển khai thực hiện nhưng được sự chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Ban, sự nỗ lực của cán bộ, công chức trong Văn phòng Đề án, về cơ bản đã bám sát mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, quy chế. Đã thiết lập quan hệ, phối hợp đào tạo ở 23 quốc gia khác nhau. Đối tượng tham gia ngày càng sát với tiêu chuẩn; các lĩnh vực nghiên cứu đáp ứng được nhu cầu học tập. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng từng bước được nâng lên, đã từng bước thực hiện phân cấp cho các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương… Các công việc của Ban chỉ đạo Đề án đã từng bước đi vào nền nếp.
Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, hạn chế trong thẩm định nhân sự tham gia đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng các chương trình đào tạo, triển khai kế hoach, quản lý học viên ở nước ngoài. Chế độ chính sách còn những bất cập, việc thanh quyết toán kinh phí cho các đoàn đi vẫn chậm. Phân cấp tổ chức đoàn bồi dưỡng ngắn hạn cho các bộ, ban, ngành chưa bảo đảm tiến độ…
Hội nghị xác định tiếp tục quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị về đào tạo, bồi dưỡng theo Đề án 165, coi trọng chất lượng, hiệu quả đào tạo, tăng cường hợp tác với các cơ sở đào tạo có uy tín, vừa bảo đảm mục tiêu, chất lượng đào tạo, vừa bảo đảm tính đa dạng, đồng đều. Đẩy mạnh chương trình đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ ở nước ngoài, coi đây là mục tiêu quan trọng, lâu dài có tính chiến lược của đề án. Thực hiện chặt chẽ quy chế quản lý cán bộ đi học…
Nhiều ý kiến thảo luận thống nhất cao với đánh giá kết quả, hạn chế của Ban chỉ đạo Đề án 165, khẳng định sự cần thiết phải tăng cường đào tạo cán bộ theo Đề án, từ đó phân tích, trao đổi làm rõ hơn việc lựa chọn đối tượng cán bộ tham dự đào tạo, nơi đào tạo, kinh phí đào tạo, nội dung đào tạo sao cho phù hợp, bảo đảm tốt yêu cầu, mục tiêu…
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Quynh đánh giá cao những ý kiến tham gia, khẳng định những kết quả bước đầu thực hiện Đề án là rất quan trọng, trên cơ sở đó tiếp tục triển khai hiệu quả hơn, chất lượng hơn. Thời gian tới tiếp tục triển khai kế hoạch đào tạo 6 tháng cuối năm 2011, xây dựng kế hoạch đào tạo 2012, kiện toàn Ban Chỉ đạo Đề án và Văn phòng Đề án 165 thực sự tinh gọn, hiệu quả.
Tin, ảnh: Quốc Khánh