Đồng chí Lê Thanh Hải, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án mô hình tổ chức đảng bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước, đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương và đồng chí Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đồng chủ trì Hội nghị.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo nêu rõ, trong những năm qua, thực hiện Điều lệ Đảng, các văn bản quy định hướng dẫn thi hành và Quy định 196-QĐ/TW về tổ chức đảng trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; Quyết định 197-QĐ/TW về Quy chế phối hợp công tác giữa đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước với cấp ủy địa phương của Ban Bí thư, các tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước nhìn chung đã được sắp xếp, tổ chức cơ bản theo quy định, bước đầu hoạt động có hiệu quả. Qua đó, góp phần lãnh đạo việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, cơ bản tập trung vào những ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng mà Nhà nước cần nắm giữ, góp phần để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo, ổn định và phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và nhu cầu quốc phòng, an ninh. Việc sắp xếp mô hình tổ chức đảng doanh nghiệp nhà nước phù hợp với vị trí, vai trò quan trọng, chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm quyền hạn của doanh nghiệp bảo đảm để đảng uỷ doanh nghiệp lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh, công tác cán bộ, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Hầu hết các nội dung quy định trong Quy định số 196 và Quyết định số 197, nhất là các nội dung quy định về mô hình tổ chức đảng; điều kiện thành lập đảng bộ toàn doanh nghiệp; việc thành lập đảng bộ công ty mẹ doanh nghiệp; việc thí điểm giao một số quyền cấp trên cơ sở cho đảng ủy cơ sở có vị trí quan trọng, nhiều đầu mối trực thuộc, đông đảng viên; việc xây dựng các quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, trách nhiệm, quyền hạn của các đảng ủy doanh nghiệp; việc chuyển giao tổ chức đảng doanh nghiệp về trực thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và cấp ủy địa phương đảm bảo theo quy định Điều lệ Đảng, đã tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc tồn tại nhiều năm chưa giải quyết được.
Các tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước nhìn chung đã được sắp xếp, tổ chức cơ bản theo quy định, bước đầu hoạt động có hiệu quả, góp phần lãnh đạo việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, cơ bản tập trung vào những ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng mà Nhà nước cần nắm giữ, góp phần để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo, ổn định và phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh.
Tuy vậy, vai trò của tổ chức đảng doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn vừa qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Một trong những nguyên nhân quan trọng làm hạn chế vai trò lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước là mô hình tổ chức của đảng bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại còn có những bất cập, chưa được kịp thời kiện toàn phù hợp.
Trong giai đoạn hiện nay, việc sắp xếp, củng cố lại tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước, qua đó nâng cao vai trò lãnh đạo của đảng có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Đề án mô hình tổ chức đảng bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước đang được xây dựng, nhằm đánh giá đúng thực trạng về tổ chức, hoạt động các loại mô hình tổ chức đảng trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước để thấy được những ưu, khuyết điểm, hạn chế, nguyên nhân của tùng loại mô hình tổ chức đảng. Từ đó, đề ra nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới mô hình tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước để tạo thuận lợi cho hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, khắc phục những hạn chế, tồn tại, yếu kém, nâng cao năng lực, lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong doanh nghiệp nhà nước, vì mục tiêu phát triển doanh nghiệp. Qua nghiên cứu, khảo sát thực tiễn, xác định tiêu chí và đề xuất sắp xếp tổ chức đảng trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước và tiêu chí thành lập đảng bộ toàn doanh nghiệp để thực hiện thống nhất.
Tại hội nghị, từ thực tiễn của các doanh nghiệp và địa phương, các đại biểu đánh giá về các mô hình tổ chức đảng, nêu những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện; đề xuất hướng sắp xếp mô hình tổ chức đảng trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ngân hàng phù hợp hơn với thực tiễn để bảo đảm và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong các doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, các đại biểu trao đổi kinh nghiệm và hiệu quả phối hợp công tác giữa đảng ủy tập đoàn kinh tế tổng công ty nhà nước với cấp ủy địa phương; đóng góp ý kiến vào Đề án mô hình tổ chức đảng bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Thanh Hải nêu: việc Ban Bí thư ban hành kịp thời các văn bản nêu trên đáp ứng được cả yêu cầu thực tiễn và cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, thành lập các tổ chức đảng bộ trong doanh nghiệp nhà nước như mô hình đảng bộ toàn ngành, đảng bộ công ty mẹ, đảng bộ cơ quan tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương đã thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở cho một số đảng ủy cơ sở mà cấp trên trực tiếp của các đảng bộ này là cấp huyện và tương đương. Việc xây dựng và ban hành chức năng, nhiệm vụ của đảng ủy trong doanh nghiệp nhà nước được thực hiện khẩn trương, đồng bộ và phù hợp thực tiễn hơn, cơ bản bảo đảm được yêu cầu lãnh đạo của các cấp ủy đối với doanh nghiệp nhà nước.
Việc xây dựng và ký kết quy chế phối hợp công tác giữa đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước với cấp ủy địa phương đã được tiến hành khẩn trương, bài bản hơn và có nhiều kinh nghiệm tốt để triển khai ra diện rộng.
Đồng chí Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cho rằng, để tiếp tục thực hiện tốt quy định, quyết định trên, cần rút kinh nghiệm sâu sắc việc đã làm được cũng như những hạn chế, phân tích nguyên nhân, từ đó xây dựng quy trình, kế hoạch thực hiện tốt tại các cấp ủy, địa phương.
Ban Tổ chức Trung ương sẽ chủ trì, phối hợp với các tổ chức liên quan sớm nghiên cứu, trình Ban Bí thư xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung những tiêu chí vịec thành lập đảng bộ toàn doanh nghiệp nhà nước; đảng bộ công ty mẹ doanh nghiệp nhà nước và việc chuyển các tổ chức đảng doanh nghiệp về trực thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương hoặc cấp ủy địa phương cho phù hợp với thực tiễn công tác đảng trong doanh nghiệp nhà nước hiện nay. Đồng thời chủ trì phối hợp nghiên cứu đề xuất Ban Bí thư ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của đảng ủy doanh nghiệp nhà nước (cấp ủy là cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng). Trong quy định này cần xác định rõ trách nhiệm cấp ủy doanh nghiệp và cấp ủy địa phương trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác cán bộ, công tác xây dựng Đảng.
Các đảng ủy doanh nghiệp nhà nước cần tăng cường ký quy chế phối hợp công tác với cấp ủy địa phương, nơi đơn vị thành viên đóng trên địa bàn. Các đảng ủy doanh nghiệp nhà nước đã ký quy chế phối hợp cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương chủ trì nghiên cứu để xây dựng và ký quy chế phối hợp công tác với các tỉnh ủy, thành ủy, nơi có nhiều tổ chức đảng trực thuộc Đảng ủy Khối đóng trên địa bàn; đồng thời làm đầu mối hỗ trợ các đảng ủy doanh nghiệp nhà nước thuộc đảng ủy khối ký quy chế phối hợp công tác với cấp ủy địa phương.
Để khắc phục những bất cập về mô hình tổ chức đảng, Ban Chỉ đạo đề nghị Ban Bí thư giao cho Ban Tổ chức Trung ương chỉ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan xác định rõ tiêu chí đối với đảng bộ toàn doanh nghiệp hoặc không toàn doanh nghiệp để có cơ sở thực hiện và khắc phục được những khó khăn, tồn tại. Đề nghị Ban Bí thư giao cho Ban Cán sự đảng Chính phủ chủ trì cùng với các ban đảng Trung ương và các tổ chức có liên quan tiến hành rà soát, đánh giá đề xuất với cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập, chưa đồng bộ giữa các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, chính sách cán bộ trong các doanh nghiệp nhà nước nói chung và cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp nhà nước nói riêng.
Hồng Phúc