Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh nêu rõ: Cải cách kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta trong hơn 25 năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều mặt. Tuy vậy, thời gian gần đây, nền kinh tế nước ta đã bộc lộ không ít yếu kém nội tại. Tăng trưởng GDP tuy vẫn ở mức tương đối cao nhưng đang có xu hướng chậm lại; lạm phát luôn ở mức khá cao; các cân đối vĩ mô chưa vững chắc, nợ nước ngoài và nợ công ở mức cao; nợ xấu ngân hàng có xu hướng gia tăng. Bất ổn kinh tế vĩ mô luôn là vấn đề phải quan tâm hàng đầu trong những năm gần đây.
Từ đầu năm 2011, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã phải điều chỉnh mục tiêu chính sách, ưu tiên tập trung các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Việc tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã trở nên cần thiết và cấp bách.
Tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 nhằm hướng đến mục tiêu tổng quát và bốn mục tiêu thành phần.
Mục tiêu tổng quát của tái cơ cấu kinh tế đến năm 2020 là: Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; từ đó, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn; tạo tiền đề đưa nền kinh tế nước ta chuyển lên trình độ phát triển cao hơn vào khoảng cuối 2030.
Bốn mục tiêu thành phần của tái cơ cấu kinh tế bao gồm:
- Góp phần tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội;
- Thiết lập phát triển cân đối hợp lý giữa các địa phương, vùng miền trên cả nước;
- Cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển các ngành và toàn bộ nền kinh tế, trong đó, các ngành sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao từng bước trở thành những ngành kinh tế chủ lực của nền kinh tế;
- Góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, củng cố vị thế quốc gia trong quan hệ quốc tế.
Để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ trong tổ chức thực hiện Kế hoạch và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, cần tuân thủ các nguyên tắc sau đây trong tái cơ cấu kinh tế:
Một là, tái cơ cấu kinh tế phải bảo đảm duy trì tăng trưởng hợp lý, bền vững và ưu tiên chất lượng tăng trưởng.
Hai là, tái cơ cấu kinh tế phải gắn liền với tiếp tục đổi mới, mở cửa, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế; phải thu hút được sự hưởng ứng và tham gia tích cực của người dân và các thành phần kinh tế, nhất là tư nhân trong nước và nước ngoài, qua đó, huy động được tối đa và sử dụng ngày càng hiệu quả hơn các nguồn lực xã hội.
Ba là, bên cạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cơ cấu kinh tế phải coi trọng và phát huy các lợi thế về nông nghiệp, phát triển mạnh kinh tế dịch vụ, du lịch đảm bảo xây dựng cơ cấu kinh tế đa dạng về quy mô các loại hình và ngành, nghề kinh doanh, trình độ phát triển.
Bốn là, tái cơ cấu kinh tế phải được triển khai đồng bộ, kiên quyết và nhất quán ở tất cả các ngành, các cấp, các lĩnh vực trên phạm vi cả nước và ở từng địa phương, đơn vị cơ sở với lộ trình từng bước, vững chắc có thứ tự ưu tiên; vừa triển khai, vừa đánh giá rút kinh nghiệm để có những điều chỉnh cần thiết, hạn chế tối đa mất mát và phí tổn trong thực hiện các giải pháp tái cơ cấu kinh tế.
12 nhóm giải pháp tái cơ cấu kinh tế được đề cập, bao gồm:
- Nâng cao chất lượng các quy hoạch, gắn chiến lược với quy hoạch và kế hoạch, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về quy hoạch phát triển;
- Tái cơ cấu thị trường tài chính, ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, thúc đẩy và hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, góp phần tăng trưởng bền vững;
- Tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả kinh tế-xã hội của đầu tư nhà nước;
- Tái cơ cấu DNNN, đồng thời, nâng cao chất lượng doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài;
- Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh để huy động tối đa và không ngừng nâng cao hiệu quả đầu tư;
- Đổi mới chế độ ưu đãi, khuyến khích đầu tư, cơ chế quản lý đầu tư nhằm thu hút và định hướng đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển các ngành, nghề ưu tiên phát triển;
- Xây dựng và thực hiện các chương trình đồng bộ phát triển các ngành, sản phẩm ưu tiên phát triển nhằm tăng nhanh hàm lượng khoa học, nâng cao tỷ trọng giá trị nội địa và năng lực cạnh tranh;
- Phát huy lợi thế của từng vùng, chuyển đổi và hình thành cơ cấu vùng kinh tế hợp lý, đa dạng về ngành, nghề và trình độ phát triển;
- Đổi mới phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng quy mô sản xuất, tập trung chuyên canh, áp dụng quy trình và kỹ thuật sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sống ở khu vực nông thôn;
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tạo điều kiện thuận lợi cho tái cơ cấu kinh tế;
- Phát triển khoa học, công nghệ; có cơ chế, chính sách để khoa học công nghệ trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế;
- Giải quyết tốt các vấn đề môi trường và xã hội.
Thu Huyền