Chiều 20-11-2015, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức tuyền truyền về giá trị Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC). Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành TP. Hồ Chí Minh, một số tổ chức quốc tế và đông đảo các cơ quan thông tấn, báo chí tới dự.
Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC), cùng với Cộng đồng an ninh ASEAN (ASC) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN. Ngày 31-12-2009, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 142/QĐ-TTg về việc ban hành quy chế làm việc và phối hợp giữa các cơ quan tham gia hợp tác ASEAN của Việt Nam; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì ASCC tại Việt Nam.
Giai đoạn 2009-2015, ASCC tại Việt Nam đã có sự tham gia rộng rãi và tích cực của 12 bộ, ngành liên quan; thực hiện được 99% các dòng hành động của kế hoạch tổng thể. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn những hạn chế nhất định như: Tính linh hoạt, điều chỉnh chưa cao; năng lực tổ chức thực hiện cũng như năng lực và cơ chế điều phối còn hạn chế; nguồn lực tài chính chưa bảo đảm trong dài hạn; các hoạt động truyền thông còn hạn chế...
Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN 2025 khẳng định lại mục tiêu của ASCC là xây dựng một Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội nhằm đạt được tình đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và người dân ASEAN thông qua việc tạo dựng một bản sắc chung và một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hoà thuận và rộng mở nơi mà cuộc sống, mức sống và phúc lợi của người dân được nâng cao; hướng tới xây dựng một Cộng đồng ASCC gắn kết và mang lại lợi ích, hòa nhập, bền vững, tự cường và năng động.
Kế hoạch tổng thể đã đề ra mục tiêu sau 2015: cụ thể hóa các mục tiêu của ASCC; thu hút nguồn lực và tạo thế chủ động cho các bộ, ngành liên quan; nâng cao nhận thức và năng lực hội nhập.
Kế hoạch cũng đề xuất 8 biện pháp chủ yếu. Một là, rà soát hệ thống pháp luật, chính sách, chương trình, chiến lược, tiêu chuẩn, tổ chức bộ máy thực hiện, trên cơ sở các mục tiêu và biện pháp chiến lược của ASCC (nhằm phát hiện "khoảng trống" và sự chồng chéo của luật pháp và chính sách hiện hành). Hai là, nghiên cứu và lựa chọn các biện pháp chiến lược thực hiện các mục tiêu phù hợp với ưu tiên của Việt Nam (nhằm xác định các mục tiêu chiến lược, biện pháp thực hiện mục tiêu chiến lược). Ba là, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể. Bốn là, xâu dựng và lồng ghép vào các chiến lược, chương trình hành động và các kế hoạch cụ thể để thực hiện các mục tiêu. Năm là, tổ chức tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và cộng đồng, mục tiêu của cộng đồng, tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành. Sáu là, tăng cường hệ thống thông tin, báo cáo, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện mục tiêu. Bẩy là, hoàn thiện hệ thống tổ chức và nâng cao năng lực cán bộ phù hợp với chức năng nhiệm vụ để thực hiện các mục tiêu. Tám là, nâng cao năng lực điều phối chung để thực hiện các mục tiêu của quốc gia và của Cộng đồng ASEAN.
Kế hoạch tổng thể cũng nêu ra một số vấn đề có tính nguyên tắc trong quá trình thực hiện như: Bảo đảm lợi ích quốc gia; tuân thủ các cam kết, thỏa thuận, tuyên bố chung; bảo đảm phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và gắn với trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương.
Tại hội nghị, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã giải đáp một số câu hỏi của các nhà báo về việc quản lý lao động di cư giữa các nước trong Cộng đồng ASEAN; việc nâng cao chất lượng lao động trong quá trình hội nhập.
Thành Sáng