Ngày 8-6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Ðức Kiên điều khiển nội dung, các đại biểu QH thảo luận tại hội trường chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng trình bày báo cáo giải trình bổ sung dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Bản báo cáo này được xây dựng trên cơ sở Chính phủ tiếp thu kết luận và kiến nghị của báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH, báo cáo nhanh về kết quả thảo luận ở tổ đại biểu QH của đoàn thư ký kỳ họp và ý kiến cử tri cả nước.
Theo đó, dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh do Tổng công ty đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư, quy mô dự án xây dựng mới tuyến đường sắt cao tốc điện khí hóa, quy mô đường đôi, khổ 1.435 mm, từ Hà Nội tới TP Hồ Chí Minh, chiều dài toàn tuyến dự kiến khoảng 1.570 km; tổng số nhu cầu sử dụng đất khoảng 4.170 ha, tổng mức đầu tư khái toán: 55,853 tỷ USD. Dự kiến khởi công dự án vào năm 2014; hoàn thành đưa đoạn đầu tiên Hà Nội - Vinh và TP Hồ Chí Minh - Nha Trang vào khai thác năm 2025; hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035.
Về sự cần thiết phải đầu tư dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, ý kiến phát biểu của các đại biểu cho rằng, suy nghĩ của không ít người dân phản ánh với các đại biểu QH và của không ít đại biểu QH là dự án này được nhân dân và dư luận xã hội rất quan tâm, nhưng vẫn còn hai luồng ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất, bây giờ đề cập đến đường sắt cao tốc là muộn nhưng cũng có không ít ý kiến lo lắng và băn khoăn, tốn nhiều tiền của, số vốn xây dựng đường sắt chủ yếu đi vay nước ngoài nên phải "liệu cơm để gắp mắm", nếu không con cháu mai sau sẽ "nai lưng" trả nợ.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, tuy còn khác nhau nhưng đều mang tính xây dựng và thể hiện trách nhiệm của đại biểu trước một dự án lớn của đất nước. Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên đề nghị sau khi các cơ quan hữu quan tổng hợp ý kiến, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ họp bàn về vấn đề này và tiếp tục xin ý kiến đại biểu Quốc hội trước khi xem xét thông qua.
Như Lê