Thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Trong 2 ngày (ngày 3-6 và 4-6) Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển phiên họp.

Trong ngày làm việc 3-6-2013, đã có 43 đại biểu Quốc hội của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau: Lời nói đầu của Hiến pháp; Tên nước; Chế độ chính trị; Chế độ kinh tế; Vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Công đoàn Việt Nam; Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Nhà nước thu hồi đất; Nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Chính quyền địa phương, Hội đồng bầu cử quốc gia, Hội đồng Hiến pháp...

Trong ngày làm việc 4-6-2013, đã có 44 đại biểu Quốc hội của 34 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau: Lời nói đầu của Hiến pháp; Tên nước; Quốc ca; Chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế; Quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; Vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Công đoàn Việt Nam; Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Bảo vệ tổ quốc; Nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Chính quyền địa phương, Hội đồng bầu cử quốc gia, Hội đồng Hiến pháp; Hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp…

Giữ vững mục tiêu xây dựng chế độ XHCN

Thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đa số ý kiến các đại biểu QH đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về các nội dung cụ thể của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở ý kiến nhân dân của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và cho rằng, Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới đất nước, đến nay đất nước ta đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh quốc tế đang có những biến đổi to lớn, phức tạp và sâu sắc. Vì vậy, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là phù hợp nguyện vọng của nhân dân cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, khắc phục được những hạn chế, bất cập của Hiến pháp hiện hành.

Góp ý kiến về tên nước quy định trong (Ðiều 1 - Chương 1) Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đa số các ý kiến đề nghị tiếp tục quy định tên nước là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam. Tên gọi này ra đời trong bối cảnh nước ta vừa hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước, cả nước đi lên CNXH, khẳng định rõ con đường, mục tiêu xây dựng chế độ XHCN của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta. Tên gọi này đã được sử dụng ổn định từ tháng 7-1976 đến nay, đã được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Hơn nữa, việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường lên CNXH và làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây tốn kém, phức tạp. Việc giữ nguyên tên nước Cộng hòa XHCN Việt Nam nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước đi lên CNXH, bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi về Quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ. Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Về các quy định liên quan tổ chức bộ máy Nhà nước trong Dự thảo, nhiều ý kiến phát biểu tán thành với việc tiếp tục quy định: Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, nhằm thể hiện bản chất giai cấp của Nhà nước, đồng thời khẳng định nền tảng vững chắc của chính quyền nhân dân, phù hợp với tính chất và nguyên tắc tổ chức của Nhà nước. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị, cần có quy định cụ thể, rõ ràng về quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Khẳng định vai trò lãnh đạo của Ðảng

Thảo luận về Lời nói đầu, các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều đánh giá: Lời nói đầu là một bộ phận quan trọng của mỗi bản Hiến pháp. Tuy nhiên, cách thể hiện, mức độ và liều lượng sự kiện lịch sử đưa vào phần này cần được cân nhắc kỹ, đảm bảo tính hợp lý.

Trên cơ sở kế thừa nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 1992, Lời nói đầu trong Dự thảo đã được chỉnh lý theo hướng ngắn gọn và súc tích hơn, khái quát truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, sự ra đời của Đảng và Nhà nước gắn với quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xác định rõ mục tiêu, chủ thể xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) có quan điểm: Lời nói đầu cần được thể hiện theo hướng khái quát, cô đọng, theo kịp truyền thống lịch sử dân tộc, lịch sử lập hiến của đất nước, thể hiện mạnh mẽ ý nguyện của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp. Vì vậy, nên viết gọn, nội dung chỉ nên đề cập Hiến pháp là gì; vị trí, vai trò sứ mệnh lịch sử của Hiến pháp. Giọng văn của Lời nói đầu nên theo các bản tuyên ngôn để Hiến pháp thể hiện tính thiêng liêng.

Nội dung được nhiều đại biểu tập trung thảo luận là vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội (Ðiều 4). Nhiều ý kiến cho rằng, việc tiếp tục hiến định vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước và xã hội là cần thiết.

Vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với sự nghiệp đấu tranh giành chính quyền, xây dựng và phát triển đất nước đã được khẳng định cả về lý luận cũng như thực tiễn. Ngay từ khi ra đời, từ hoạt động bí mật đến công khai, từ khi chưa có chính quyền đến khi có chính quyền, Ðảng Cộng sản Việt Nam là Ðảng chính trị duy nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội. Ðảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập với hơn 80 năm xây dựng và trưởng thành, đã có công lao to lớn trong việc lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đem lại hòa bình độc lập, tự do và thống nhất cho đất nước. Việc nhân dân ta tin tưởng vào Ðảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam và được quy định trong Hiến pháp là đúng đắn và hoàn toàn phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam, thể hiện ý chí, nguyện vọng của đại đa số nhân dân Việt Nam. Quy định về Ðảng trong Hiến pháp nhằm khẳng định tính chính đáng của Ðảng trong việc lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Do vậy, những quy định về Ðảng như trong Dự thảo là cần thiết và hoàn toàn phù hợp nguyện vọng của đông đảo nhân dân.

Chưa nên thành lập Hội đồng Hiến pháp

Đóng góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đại biểu Trần Văn Tư - Đồng Nai nhấn mạnh: Hội đồng Hiến pháp theo dự thảo cũng không khác gì Hội đồng dân tộc, các ủy ban thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong hiện tại. Tôi đề nghị, tôi không thống nhất với việc thành lập Hội đồng Hiến pháp như dự thảo mà Viện kiểm sát, Tòa án và Chính phủ cũng cần có cơ chế để kiểm sát quyền lực lẫn nhau và kể cả có quyền quyết định nào đó thì chế định Chủ tịch nước cũng phải tính toán việc này. Việc này giữa Điều 1, Điều 2: Điều 1 là sự tuyên ngôn, tuyên bố về chế độ Nhà nước Việt Nam. Điều 2 là bản chất Nhà nước và hình thức tổ chức Nhà nước. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hoá) cho rằng, việc thành lập Hội đồng Hiến pháp là không phù hợp với mô hình quyền lực Nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trong thể chế chính trị nhất nguyên của Việt Nam. Thực tế cho thấy, thiết chế này chủ yếu phát huy hiệu quả trong các thể chế đa nguyên nhằm thực hiện việc kiềm chế, đối trọng giữa các nhóm quyền lực.

Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, hiện chưa nên thành lập Hội đồng Hiến pháp vì chưa định vị được vị thế, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng trong các mối quan hệ với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Mối quan hệ với chức năng giám sát tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban Pháp luật; Mối quan hệ với chức năng giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban; Mối quan hệ với chức năng kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp. Dự kiến về địa vị pháp lý, quyền hạn của Hội đồng Hiến pháp như trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 không chỉ thiếu hiệu quả mà còn dẫn tới sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ và làm tăng thêm bộ máy quản lý Nhà nước. Vì vậy, khi chưa đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để tạo nên sự thuyết phục về cơ quan Hội đồng Hiến pháp thì nên tiếp tục nghiên cứu, chưa nên điều chỉnh trong Hiến pháp.

Quyền con người và quyền công dân

Qua tổng hợp của UB Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thì nội dung này nhận được nhiều sự quan tâm, với 6 nhóm ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị làm rõ khái niệm phân biệt “quyền con người” và “quyền công dân” trong Hiến pháp; Loại ý kiến thứ hai đề nghị xem lại cách quy định quyền con người và quyền công dân, chia quyền con người, quyền công dân thành các mục khác nhau; Loại ý kiến thứ ba đề nghị xác định rõ trách nhiệm của nhà nước và những bảo đảm của nhà nước để đặc quyền trong hiến pháp có tính hiện thực và khả thi; Loại ý kiến thứ tư cho rằng về cơ bản quyền con người không bị hạn chế, nhưng nếu hạn chế thì phải chỉ rõ cơ sở và chỉ hạn chế quyền con người theo quy định của luật; Loại ý kiến thứ sáu đề nghị làm rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân trong mối quan hệ với quyền.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết - Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh đây là lần đầu tiên trong Hiến pháp đề cập đến quyền con người và quyền, nghĩa vụ cơ bản về quyền con người và tiếp nối Hiến pháp năm 1992 quyền, nghĩa vụ cơ bản công dân. Đại biểu Tuyết cho rằng quyền, nghĩa vụ cơ bản công dân là một địa vị pháp lý được Hiến định và pháp luật quy định. Nhưng quyền con người là quyền tự nhiên có thể mỗi người đều sinh ra thì có quyền tự nhiên này.

Trong quyền con người và quyền, nghĩa vụ cơ bản công dân thì đại biểu đề nghị cần làm rõ và tách bạch ra giữa hai việc này. Bởi vì có thể mất quyền công dân nhưng mà quyền con người đương nhiên ta phải có. Trong chương này làm sao để phân định và cũng có những định nghĩa, khái niệm cho rõ ràng về quyền con người. Có thể nói quyền con người thì không ai có thể xâm phạm được. Đề nghị nên tách ra để bảo đảm cho hoạt động nó tách bạch. Khi người công dân tiếp cận, mọi người khác tiếp cận đều biết quyền của mình ở đâu và cái nào nên có cái hạn chế và cái nào là không bị hạn chế.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất