Ngày 30-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013.
Tạo niềm tin thị trường
Các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh: Chỉ riêng con số về nợ xấu, các đại biểu có trong tay hơn 5 con số, đều do các cơ quan uy tín đưa ra. Cuối 2012, nợ xấu khoảng 10%, thanh tra NHNN cho rằng 8,6% và trong báo cáo tại kỳ họp này là 7,8%. Tháng 3-2012, NHNN thông báo nợ xấu còn 6%. Mới đây, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đưa ra con số 11,8%. ..
Chúng ta không biết con số thực về hàng tồn kho bất động sản là bao nhiêu. Các số liệu công bố rất khác nhau. 200.000 căn hay 400.000 căn? 83.000 tỷ đồng hay 40.000 tỷ đồng? Nợ công là bao nhiêu? 55% GDP hay 59% GDP và liệu có an toàn? Tại sao mỗi năm hơn 50.000 DN phá sản, số DN phải giảm quy mô hoạt động ít nhất 30%, vốn đầu tư toàn xã hội càng ngày càng giảm… thế nhưng tạo việc làm mới cứ đều đặn 1,5 đến 1,6 triệu người và tỷ lệ thất nghiệp hàng năm giảm?
Điện lực, xăng dầu lúc nào cũng báo lỗ, ai biết thực hư thế nào...? Không có số liệu đúng và đủ, không thể đưa ra đánh giá đúng tình hình, không nắm bắt chính xác các xu hướng, không thể đưa những quyết sách giải quyết, chủ trương giải quyết đúng được. Và như thế chúng ta sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Quốc hội phải biết, người dân có quyền được biết chuyện gì xảy ra đối với đất nước mình.
Nhiều điểm quá lạc quan
Trong báo cáo tổng hợp thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, đánh giá tình hình 4 tháng đầu năm 2013, có nhiều ý kiến đánh giá tình hình năm 2013 không lạc quan như báo cáo của Chính phủ, vẫn tiếp tục diễn biến theo chiều hướng khó khăn: nền kinh tế trì trệ, tăng trưởng đạt thấp, thu ngân sách thấp, cơ cấu nguồn thu vẫn chủ yếu từ dầu thô, thu nội địa, xuất nhập khẩu vẫn không đạt dự toán. Lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn, doanh nghiệp chưa tìm thấy cơ hội của mình. Nhà nước còn lúng túng trong điều hành, tìm hướng đi. Một số chỉ tiêu đạt thấp hơn nhiều so với những năm 2010, 2011 như tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội… nhưng số lao động được tạo việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn vẫn giảm là không hợp lý. Sức mua giảm, sản xuất đình trệ, Chính phủ đang thực hiện các giải pháp trọng cung, thiếu các chính sách kích cầu. Vấn đề xã hội trong báo cáo còn mờ nhạt. Niềm tin của nhân dân đối với sự phục hồi của nền kinh tế thấp. Vấn đề tham nhũng, lãng phí, đói nghèo, tệ nạn xã hội ngày càng phức tạp. Trong những tháng còn lại của năm 2013, nếu thực hiện các chính sách không quyết liệt, các giải pháp không đồng bộ sẽ khó đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát và chỉ tiêu thu ngân sách.
Nhiều ý kiến băn khoăn về mức độ chính xác của các chỉ tiêu trong báo cáo của Chính phủ (còn vênh nhau so với báo cáo thẩm tra), chỉ tiêu người lao động qua đào tạo, số giường bệnh đạt theo kế hoạch chỉ mang tính hình thức. Nhiều ý kiến băn khoăn với chỉ tiêu giảm nghèo, đặc biệt là các huyện nghèo thuộc Chương trình 30a của Chính phủ, các chỉ tiêu về tỉ lệ thất nghiệp, tạo việc làm mới đạt được trong điều kiện kinh tế quá khó khăn như hiện nay và đề nghị Chính phủ giải trình thêm.
Có đại biểu cho rằng, nhiều các con số đưa ra trong báo cáo chưa xác thực. Có ý kiến cho rằng những báo cáo của Chính phủ quá công thức, lặp đi lặp lại, không có sự cải tiến căn bản, không bám sát đời sống thực tiễn, không phân tích chính xác tình hình nên khó đưa ra các giải pháp. Thông tin do các báo cáo của Chính phủ cung cấp cho đại biểu không sát với tình hình thực tế, số liệu không có tính thuyết phục, đánh giá quá sơ lược, đại biểu khó có thể góp ý cho Chính phủ, nhân dân và công luận khó hình dung hết được khó khăn của nền kinh tế. Nhiều đánh giá của các chuyên gia, lãnh đạo cấp cao không khớp với nhiều đánh giá của báo cáo. Chính phủ cần xem xét cách báo cáo tình hình kinh tế - xã hội.
Doanh nghiệp không tiếp cận được vốn
4 tháng đầu năm có 16.600 doanh nghiệp giải thể. Lãi suất huy động cho vay đã giảm, nhưng doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Nhiều đơn vị đang phải đối mặt với những khoản vay quá hạn lãi cao trong khi ngân hàng lại thừa vốn. Doanh nghiệp mong chờ lãi suất hạ từ lâu, giống như người ốm, mong mãi mới có thuốc, nhưng khi thuốc về thì bệnh đã nặng.
Ngân hàng nhà nước cần quan tâm, điều hành linh hoạt hơn trong chính sách tín dụng, đừng để doanh nghiệp có thị trường nhưng phải "chết" vì không tiếp cận được vốn. Lạm phát thấp đã không còn được nhìn nhận là một thành tích, nhất là đứng trước tình trạng cả dòng tiền và hàng đều bị “ách lại” như hiện nay. Do đó, ưu tiên của giai đoạn tới là phải tập trung tạo môi trường ổn định cho doanh nghiệp có đà phát triển.
Đề cập đến tình hình đáng lo ngại hơn đang diễn biến trong nền kinh tế nước ta, đó là tâm thế chờ thời của nhiều doanh nghiệp, đó là sự thiếu tin tưởng, thậm chí ngờ vực các giải pháp vĩ mô Nhà nước đang tiến hành...,
Đồng tình với 6 nhóm giải pháp của Chính phủ, nhưng các đại biểu cho rằng, nhóm giải pháp này chưa đủ mạnh để vực nền kinh tế.
Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và an toàn thực phẩm
Đại biểu tán thành báo cáo của Chính phủ về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cần đề cập đậm nét hơn, vì đây là chuyện của mọi nhà và gây bức xúc trong thời gian qua. Tuy nhiên, chúng ta cần nhiều giải pháp hiệu quả, nếu không người tiêu dùng dù có thông thái đến mấy cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của các sản phẩm độc hại. Cụ thể, cần phải ngăn chặn các sản phẩm nhập lậu qua đường biên giới, không nên quanh quẩn truy xét trong các chợ đầu mối; cũng như cần thay đổi tập quán nuôi trồng của nông dân Việt Nam, nhất là việc lạm dụng hóa chất.
Các đại biểu cũng đề cập đến việc 9 ca tử vong trẻ em do có sử dụng vắc xin Quinvaxem được Hàn Quốc viện trợ, chất lượng khám chữa bệnh ở các bệnh viện công lập, nhất là khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế…
Hệ thống ngân hàng đã tích cực xử lý nợ xấu
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, trong phiên thảo luận chiều 30-5, cho biết từ tháng 4-2013 đến nay, tổng số nợ mà các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại cho doanh nghiệp là 284.000 tỷ đồng, chiếm 10% của tổng dư nợ.
Hệ thống ngân hàng cũng đã tích cực xử lý nợ xấu bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro. Năm 2012, tổng nợ xấu được xử lý bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro khoảng 70.000 tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm nay, các ngân hàng tiếp tục xử lý bằng nguồn này được khoảng 7.500 tỷ đồng, đồng thời các ngân hàng tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro được 68.000 tỷ đồng để đến cuối năm có thể tiếp tục xử lý nợ xấu bằng nguồn này.
“Như vậy với những nỗ lực của cả hệ thống, đã tháo gỡ được một phần rất lớn nợ xấu, ngăn không cho nợ xấu gia tăng trong bối cảnh điều kiện kinh tế vĩ mô chưa cải thiện được nhiều”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.
Sau khi Công ty quản lý tài sản (VAMC) của các tổ chức tín dụng Việt Nam đi vào hoạt động có thể góp phần xử lý nợ xấu từ 40.000-70.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, NHNN cũng đã tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành, đặc biệt là Bộ Xây dựng, để giải ngân 15.000-20.000 tỷ đồng trong gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng cho người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình mua nhà ở xã hội.
Về vấn đề tiếp cận vốn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho hay hiện lãi suất của hệ thống đã giảm rất mạnh, nhưng tín dụng vẫn chưa ra được nhiều. Điều này thể hiện sức mua, tổng cầu của nền kinh tế còn thấp. Do đó, cần các giải pháp đồng bộ khác để tăng tổng cầu. Trên cơ sở đó, Thống đốc Nguyễn Văn Bình kiến nghị Quốc hội cho phép có các giải pháp đột phá để giải quyết tình trạng này. Hệ thống ngân hàng sẽ căn cứ trên các điều kiện của kinh tế vĩ mô để hạ mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay.
T.H