Ngày 27-5, đại biểu Quốc hội dành cả ngày thảo luận tại tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 - một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp này. Những quy định về chế độ chính trị; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; sở hữu đất đai, thu hồi đất đai; chính quyền địa phương... là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận.
Qua thảo luận, ý kiến của các đại biểu Quốc hội đánh giá thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các cơ quan, tổ chức, địa phương đã triển khai khẩn trương, đồng bộ, dân chủ, rộng khắp và đúng tiến độ. Việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã thu hút sự quan tâm sâu sắc, đồng tình ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã được phổ biến, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và được tổ chức góp ý bằng nhiều hình thức thích hợp...
Các đại biểu Quốc hội đánh giá hoạt động lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thực sự là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý dân chủ, sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị. Việc lấy ý kiến nhân dân không chỉ huy động được sự tham gia tích cực của nhân dân ở trong nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài để góp ý, hoàn thiện Dự thảo mà còn phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc xây dựng Dự thảo Hiến pháp, cũng như thực thi Hiến pháp sau này.
Tại các tổ thảo luận, các đại biểu đã cho ý kiến cụ thể về nhiều nội dung trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Thảo luận về Điều 1, đa số ý kiến đề nghị tiếp tục quy định tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Các ý kiến phân tích tên gọi này ra đời trong bối cảnh nước ta vừa hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định rõ con đường, mục tiêu xây dựng chế độ XHCN của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Tên gọi này đã được sử dụng ổn định từ tháng 7 năm 1976 đến nay, đã được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Việc giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội.
Thảo luận Điều 4, nhiều ý kiến tán thành việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, tán thành bổ sung quy định Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Các ý kiến cho rằng việc giữ Điều 4 quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng là cần thiết. Quy định này kế thừa quy định tại Điều 4 của Hiến pháp hiện hành, khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta.
Nhiều ý kiến tán thành với nội dung Điều 4 như Dự thảo đã công bố vì đã thể hiện một cách đầy đủ các nội dung và tinh thần của Cương lĩnh, Điều lệ Đảng về bản chất giai cấp, nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thảo luận chương 2, về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, nhiều ý kiến đánh giá cao việc ghi nhận các quyền con người trong Dự thảo đã bao quát hầu hết các quyền cơ bản về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của con người theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Một số ý kiến đánh giá Dự thảo tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992, đồng thời, Dự thảo cũng đã bổ sung một số quyền mới.
Về đề nghị xem lại cách quy định về quyền con người và quyền công dân, tách riêng quyền con người, quyền công dân thành các mục khác nhau trong dự thảo Hiến pháp, một số ý kiến tán thành với Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho rằng quyền con người, quyền công dân có mối quan hệ hữu cơ, gắn bó, nên Dự thảo không tách bạch thành các mục riêng về quyền con người và quyền công dân, mà quy định theo kết cấu của các Công ước quốc tế về quyền con người.
Một nội dung quan trọng, được nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến là vấn đề về sở hữu đất đai. Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Hiến pháp tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu là phù hợp.
Về thu hồi đất (Điều 58), nhiều đại biểu đánh giá đa số các khiếu kiện liên quan đến đất đai là do người dân bức xúc trong việc Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế- xã hội mà việc bồi thường cho người dân có đất bị thu hồi chưa thỏa đáng, chưa hài hòa được lợi ích của người bị thu hồi đất và chủ dự án đầu tư. Nhiều ý kiến đề nghị trong dự thảo Hiến pháp cần có quy định rõ ràng, chặt chẽ về vấn đề này. Có ý kiến đánh giá Khoản 3, Điều 58 của Dự thảo lần này đã bổ sung thêm quy định: Các trường hợp thu hồi đất do luật định. Việc thu hồi đất phải có bồi thường, công khai, minh bạch, công bằng theo quy định của pháp luật.
Việc xác định rõ một số nguyên tắc trong việc thu hồi đất như trong Dự thảo sẽ góp phần hạn chế việc lạm dụng quy định của pháp luật để thu hồi đất tràn lan, đồng thời cũng là định hướng quan trọng để sửa đổi Luật Đất đai cho phù hợp yêu cầu thực tế.
Về Hội đồng Hiến pháp (Điều 120), Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho rằng Hiến pháp hiện hành đã xác định cơ chế bảo vệ Hiến pháp thông qua các quy định về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, đặc biệt là Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành cơ bản phù hợp với tính chất và đặc điểm mô hình tổ chức bộ máy của Nhà nước Việt Nam nhưng thực tiễn thời gian qua cho thấy, cơ chế này chưa thực sự hiệu quả nên cần tiếp tục hoàn thiện. Cùng với việc tiếp tục khẳng định và hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, Dự thảo đề xuất phương án thành lập Hội đồng Hiến pháp.
Theo Ủy ban, quy định về Hội đồng Hiến pháp như trong Dự thảo không mâu thuẫn với quy định Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đồng thời thể hiện nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết thành lập Hội đồng Hiến pháp, nhưng đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn đối với thiết chế này cho phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn.
T.H