Thương nhớ anh Hoàng Tùng
Đồng chí Hoàng Tùng, mà tôi quen gọi là Anh suốt 55 năm qua, qua đời nhưng đã để lại trong lòng chúng tôi biết bao kỷ niệm. Về sự kính trọng và niềm tin yêu, mến phục. Về một sự nghiệp lớn và cả những câu chuyện nhỏ.
Sự nghiệp lớn Anh theo đuổi suốt đời là phục vụ cách mạng. Từ một học sinh yêu nước, trải qua nhà tù Sơn La  thời  Pháp  thuộc, cho đến khi làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hải Phòng thời sau Cách mạng Tháng Tám, rồi Chánh Văn phòng Trung ương thời chống Pháp, và sau này, làm Bí thư Trung ương Đảng, Anh luôn là một chiến sĩ chiến đấu ngoan cường, đầy khí phách. Chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Chiến đấu cho thắng lợi của sự nghiệp nhân dân. Chiến đấu vượt qua bản thân mình để trở thành một nhà cách mạng thực thụ.
Phần lớn cuộc đời hoạt động của Anh gắn bó mật thiết với mặt trận tư tưởng, văn hóa và báo chí, trong đó, anh vừa là chiến sĩ vừa là người chỉ huy. Anh viết báo Suối Reo (ở nhà tù Sơn La), làm báo Sự thật và từ khi Báo Nhân Dân ra đời (1951) thì làm Tổng Biên tập suốt trong 30 năm. Anh là cây chính luận bậc thầy của báo Đảng, cũng là của báo chí cách mạng nước ta. Những bài chính luận của anh trực tiếp đề cập những vấn đề chính trị xã hội lớn nhất, nóng bỏng nhất. Giọng văn của anh hùng hồn, ngôn ngữ vừa hiện đại lại vừa rất dân gian, giàu hình tượng, đôi khi pha lẫn điển tích, rực lửa chiến đấu và đặc biệt hấp dẫn. Phong cách viết của anh rất riêng, đến nỗi không chỉ những người làm Báo Nhân Dân mà cả giới báo chí của ta, qua những bài viết có ký tên hay không ký tên, đều nhận ra rằng đó là bài của Hoàng Tùng. Trong nhiều năm tham gia lãnh đạo hoặc trực tiếp làm Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, có lúc kiêm cả Chủ tịch Hội Nhà báo, anh đều truyền ngọn lửa chiến đấu ấy cho đội ngũ những người làm công tác tư tưởng, văn hóa và báo chí của ta.
Bản thân tôi, vẫn thường nói với các nhà báo trẻ rằng, ở Báo Nhân Dân, chúng tôi có nhiều người thầy để học, trước hết là Hoàng Tùng và Thép Mới. Học Hoàng Tùng về cách viết bình luận. Học Thép Mới về cách viết phóng sự điều tra mang bút pháp văn học. Học cả hai anh về sự sắc sảo, nhạy bén trước những vấn đề chính trị, xã hội rộng lớn.
Hoàng Tùng viết bài và chữa bài như múa bút. Chữ anh viết khó đọc nhưng nội dung, ý tứ thì không chê vào đâu được. Có khi một bài chính luận dài, anh viết không quá một giờ đồng hồ. Các bài xã luận, bình luận do các biên tập viên gửi tới, anh đều sửa rất nhanh. Đúng và tốt thì duyệt ngay với chữ ký tắt Tg. Sai và dở thì sửa cả đoạn, thậm chí cả trang hoặc bỏ đi với dấu chéo X ở đầu bài. Có lần một cây bút có cỡ của báo viết xã luận đưa anh duyệt và thắc thỏm ngồi chờ ở bên ngoài. Hai mươi phút sau, bài báo được duyệt đưa ra. Nhà báo xem lại, thấy bài viết của mình chỉ còn lại bốn chữ: Xã luận ở bên trên và Nhân Dân ở bên dưới. Thì ra Hoàng Tùng đã gạch mành mành từ đầu chí cuối, và viết đè lên những dòng bị gạch bỏ ấy toàn bộ bài xã luận do anh viết lại.
Anh Hoàng Tùng rất nghiêm khắc đối với những ai mắc khuyết điểm, làm việc tắc trách hoặc cẩu thả trong các bài viết. Nhưng anh lại rất khoan dung trong cách xử sự. Nói sợ thì không phải nhưng ai cũng cảm thấy một chút e ngại khi gặp anh.
Có lần, anh cho gọi đồng chí Trưởng ban Nông nghiệp của báo để giao viết một bài xã luận. Đồng chí Trưởng ban vắng. Tôi là Phó ban, lên nhận nhiệm vụ. Không ngờ tôi chưa ngồi vào chỗ đã bị anh choảng cho một trận gay gắt. Nào là trưởng ban đi công tác, sao không báo cáo với Tổng Biên tập? Nào là bài viết dạo này sút kém, vân vân và vân vân. Tôi ráng chịu. Có lẽ đã qua cơn thịnh nộ, anh bảo: Thôi về viết xã luận đi, cấp trên chỉ thị đó! Tôi vẫn ngồi lại. Anh hỏi: Có gì nữa đây? Tôi trả lời: Thưa anh, lỗi không phải do tôi. Nhưng anh cứ cáu gắt thế này thì làm sao anh em dám làm việc với anh? Anh bỗng dịu giọng: Thì mình cũng vừa bị Bác Hồ "sạc" đây! Anh không nói anh bị "sạc" vì cái gì. Nhưng câu nói ấy của anh làm cho tôi hết sức thông cảm và nhẹ nhõm cả người.
Hồi ấy, Bác Hồ ngày nào cũng đọc Báo Nhân Dân. Có ý kiến khen chê gì Bác đều gọi điện thẳng đến Tổng Biên tập. Và đến lượt mình, anh Hoàng Tùng lại truyền đạt các ý kiến của Bác đến tận người viết. Còn nhớ, đầu năm 1961, tôi viết bài báo "Ba lần đuổi kịp trung nông". Ngay buổi sáng báo đăng bài ấy (9-1), anh đã gọi tôi lên phòng làm việc và nói: Bài báo được ông Cụ khen đấy! Cụ nói sẽ viết cho báo ta một bài. Ngày 11-1, trên trang nhất của Báo Nhân Dân xuất hiện bài "Một hợp tác xã gương mẫu" ký tên T.L. Bài báo của Bác và bài điều tra của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sau đó đã thực sự phát động trên toàn quốc một phong trào hợp tác hóa rầm rộ mang tên: "Học tập và đuổi kịp Đại Phong".
Trong cơ quan Báo Nhân Dân, ai cũng nói anh Hoàng Tùng rất tinh tường trong việc nhìn người và dùng người. Anh thấy ở mỗĩ cán bộ cả chỗ mạnh và chỗ yếu. Cho nên đã phân công cho ai làm việc gì thì đều đúng người, đúng việc.
Năm 1965, miền Nam cần thêm nhiều cán bộ báo chí. Anh đã cử đi từ Báo Nhân Dân nhiều nhà báo ưu tú mà ngọn cờ đầu là Phó Tổng Biên tập Thép Mới.
Năm 1968, đàm phán ở Pa-ri mở ra. Anh giới thiệu "phó tướng" (Phó Tổng Biên tập) Nguyễn Thành Lê và một số nhà báo cự phách khác như Hồng Hà, Nguyễn Hữu Chỉnh, Lê Bình... tham gia.
Cuối năm ấy, anh bất thần báo cho tôi biết là tôi phải chuẩn bị gấp để đi Pa-ri. Tôi hỏi: "Để làm gì Anh?". Anh bảo: "Để làm phụ tá cho bà Bình". Thực ra là tôi được cử tham gia Hội nghị Pa-ri không phải với tư cách nhà báo mà là thành viên đoàn đàm phán của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam.
Năm 1981, với cương vị Bí thư Trung ương Đảng, anh thôi giữ chức Tổng Biên tập Báo Nhân Dân. Rời chức vụ này, anh đã để lại cho báo Đảng một đội ngũ cán bộ cứng cáp, trong đó, như anh em nói vui, có "12 vị thánh tông đồ". Một số trong các vị này, về sau, đã kế nhiệm anh, lần lượt làm Tổng Biên tập.
Sẽ rất thiếu sót nếu không nói đến cuộc sống rất giản dị và đời thường của anh Hoàng Tùng. Những năm đầu Báo Nhân Dân mới về Thủ đô, cuộc sống của anh chị em rất kham khổ. Thi thoảng, vào dịp lễ Tết mới có được buổi liên hoan. Anh Hoàng Tùng cũng xắn tay áo lên, trực tiếp chọc tiết dê hay chỉ vẽ cách thui con cầy. Thịt chó là món ăn anh ưa thích. Không chỉ khao anh chị em trong cơ quan, mà thết đãi một số khách nước ngoài, anh cũng cho dùng thịt chó. Anh nói: Cái anh thịt chó này chất lượng cao, giàu đạm mà lại không mất tem phiếu!
Đi công tác hay lễ hội, nhiều khi anh ngồi bệt trên bãi cỏ, ăn bát riêu cua, đĩa bánh cuốn, hay bún chấm mắm tôm. Đôi lúc anh nhai cả miếng trầu làm cho hai má đỏ ửng lên.
Làm việc, anh thường đi bộ từ nhà riêng ở số 6, phố Đường Thành đến cơ quan số 71, phố Hàng Trống.
Sau này, khi đã về hưu, anh từ chối đi xe công nếu đó là đi làm việc riêng. Ai hỏi thì anh bảo đã có "phương tiện tự túc". Cái "phương tiện tự túc" ấy tôi đã nhiều lần được chứng kiến. Hai lần đến dự lễ cưới của con gái và con trai tôi, vào đầu những năm 2000, anh đều đi bằng xe ôm! Lúc này anh đã ở tuổi ngoài 80.
Có lần anh bị ốm nặng. Anh em cơ quan đến nhà thăm. Anh hóm hỉnh kể chuyện: Tối qua, tôi đã mơ gặp Bác Hồ, xin Bác cho theo hầu. Nhưng Bác gạt tay và nói: Chưa đến lượt chú! Và Bác đuổi tôi về. Anh cười: Tôi chưa đủ tiêu chuẩn để theo Bác!
Lần này thì anh đã theo Bác thật rồi.
Chỉ cách đây ít lâu, khi đến viếng một người bạn chiến đấu vừa mới từ trần, anh đề 5 chữ: "Chúc thượng lộ bình an!"
Là lớp đàn em, chúng tôi không dám dùng 5 chữ ấy. Vậy xin kính cẩn nghiêng mình cầu chúc anh: "Thênh thang trên con đường về cõi Bác!".

Phản hồi (1)

Đỗ Bạch Dương 03/07/2010

Bài hay, cảm động và chân tình. Tác giả phải có tình cảm sâu sắc với đ/c Hoàng Tùng mới viết được như thế. Nhưng cơ bản hơn, đ/c Hoàng Tùng có tài, có đức mới được anh em dưới quyền tin, phục. Nhất là dùng người. Mong rằng cơ quan báo nào cũng có một TBT như thế.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất