Đó là chủ đề Hội thảo khoa học được tổ chức ngày 19-6-2010, tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2010). Tới dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Bắc Son, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; lãnh đạo Bộ Thông tin - Truyền thông, các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình Trung ương, Học viện Báo chí-Tuyên truyền; đại diện Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch Nước, Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương; các nhà báo lão thành, các nhà nghiên cứu, giảng dạy về báo chí…
39 tham luận được gửi tới Hội thảo, nội dung chia thành hai phần: Phần 1, những vấn đề về lịch sử lý luận, quan điểm và đường lối báo chí cách mạng Việt Nam. Phần 2, phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam cách mạng và chuyên nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đây là một chủ đề có ý nghĩa về lý luận và thực tiễn, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá X (Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 01-8-2007), về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới.
Trải qua 85 năm đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta, đội ngũ những người làm báo ngày càng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt. Đến hết năm 2009, cả nước có 706 cơ quan báo chí in, trong đó có 178 báo và 528 tạp chí, có 67 đài phát thanh - truyền hình, 21 báo điện tử, 160 trang điện tử của các cơ quan báo in và hàng nghìn trang tin điện tử. Cả nước có trên 17.000 nhà báo được cấp thẻ.
Tin và ảnh: Hà Thư