Ngày 7-3, tại Hội trường Bộ Quốc phòng đã diễn ra Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tổng kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN).
Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN cùng các đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Thượng tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an và đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN; đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; các đồng chí bí thư, chủ tịch UBND, trưởng ban chỉ đạo PCTN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại Hội nghị, 5 năm qua, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự cố gắng của các cơ quan chức năng, công tác PCTN đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động, đã đạt được những kết quả quan trọng. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế. Từ năm 2007 đến nay, cả nước đã có 652 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Đã chuyển đổi vị trí công tác của 147.292 cán bộ, công chức ở những vị trí “nhạy cảm”, dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng. Cũng trong thời gian này, các cấp ủy đảng đã kiểm tra 1.089.771 đảng viên, phát hiện 11.594 đảng viên vi phạm; thi hành kỷ luật 2.953 trường hợp; kiểm tra 181.372 tổ chức đảng, phát hiện 6.327 tổ chức đảng có vi phạm. Ủy ban kiểm tra các cấp tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn nổi cộm, bức xúc, dễ phát sinh sai phạm. Qua kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý, hoặc kiến nghị xử lý 4 Ủy viên Trung ương Đảng (trong nhiệm kỳ X), 17 bí thư, phó bí thư, ủy viên ban cán sự đảng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, ngành; 2 bí thư đảng ủy, chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn kinh tế nhà nước.
Trong 5 năm, toàn Ngành Thanh tra và các cấp, ngành đã triển khai 62.994 cuộc thanh tra, kiểm tra; đã kết thúc 52.671 cuộc. Qua thanh tra, đã phát hiện, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 1.619 tập thể, 11.973 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 464 vụ việc; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 20.743,8 tỷ đồng và 993.978 USD. Từ năm 2006 đến 31-10-2011, Kiểm toán nhà nước đã tiến hành 743 cuộc kiểm toán, đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính hơn 101.727 tỷ đồng. Công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng với các hành vi tham nhũng có tiến bộ. Các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý với số lượng lớn, đã khởi tố 1.458 vụ án tham nhũng với 3.151 bị can; truy tố 1.603 vụ, 3.889 bị can; xét xử 1.455 vụ, 3.387 bị cáo. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh… Những kết quả của công tác PCTN đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước, góp phần ổn định chính trị, xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Báo cáo cũng thẳng thắn nhìn nhận: công tác PCTN nói chung và việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 nói riêng trong nhiệm kỳ qua chưa đạt yêu cầu và chưa đạt được mục tiêu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng…” như Nghị quyết đề ra. Một số hạn chế, yếu kém trong công tác PCTN được báo cáo chỉ ra: Một là, nội dung và hình thức tuyên truyền, giáo dục về PCTN chưa thật sự hấp dẫn, một số nơi việc tuyên truyền còn mang tính hình thức, thiếu tính chiến đấu. Hai là, nhiều chi bộ đảng không nắm chắc quan hệ xã hội của đảng viên; chưa kịp thời kiểm tra, phát hiện, xử lý những trường hợp có dấu hiệu vi phạm; một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; tính chiến đấu, dân chủ, công khai trong tự phê bình và phê bình còn rất hạn chế. Ba là, công tác hoàn thiện thể chế về PCTN chưa đáp ứng yêu cầu. Bốn là việc triển khai thực hiện một số chủ trương, giải pháp phòng ngừa tham nhũng chưa nghiêm túc, hiệu quả thấp. Năm là, công tác phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng tuy có tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Sáu là, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị chuyên trách về PCTN còn thấp. Bảy là, công tác giám sát về PCTN của Quốc hội và HĐND các cấp chưa thường xuyên, số cuộc giám sát chuyên đề còn ít, tác dụng và hiệu quả còn thấp. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên chưa được phát huy mạnh mẽ. Tám là, chưa huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, nhất là sự tham gia của nhân dân vào công tác PCTN. Chín là, một số nội dung của Nghị quyết Trung ương 3 chưa được tập trung thực hiện…
Trình bày tóm tắt tổng kết 5 năm thực hiện Luật PCTN và sơ kết giai đoạn thứ nhất Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nêu rõ: 5 năm qua, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và trách nhiệm cao của Chính phủ, các cấp, các ngành, công tác PCTN đã có chuyển biến tích cực. Đại đa số cán bộ, đảng viên có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, hoàn thành tốt nhiệm vụ, giữ vững phẩm chất, đạo đức, ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, công tác PCTN vẫn còn hạn chế, yếu kém: Một số đề án quan trọng vẫn chưa được ban hành kịp thời; một số quy định đã bộc lộ hạn chế, vướng mắc nhưng chậm được sửa đổi bổ sung; một số nơi, công tác tuyên truyền giáo dục PCTN chưa được sâu rộng; minh bạch tài sản, thu nhập hiệu quả còn thấp; xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý...
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh thay mặt Bộ Chính trị biểu dương những thành tích trong công tác PCTN thời gian qua. Tuy nhiên, đồng chí cũng lưu ý các đại biểu dự Hội nghị một số vấn đề: Một là, phải nhận thức đầy đủ ý nghĩa quan trọng và tính chất khó khăn, phức tạp của công tác PCTN trong giai đoạn hiện nay để có thái độ và phương pháp thực hiện đúng đắn, phù hợp, vừa tích cực, chủ động, khẩn trương, vừa phải kiên trì từng bước vững chắc; phòng và chống phải làm đồng thời, không xem nhẹ vế nào. Cần mạnh dạn nghiên cứu, tìm tòi thực hiện những biện pháp có tính đột phá nhằm tạo ra chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới. Hai là, cần quán triệt đầy đủ, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, giải pháp PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quy định trong Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Đồng thời trong quá trình tổ chức thực hiện phải gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) với phương châm nói đi đôi với làm; cấp trên, người đứng đầu phải thật sự gương mẫu để cấp dưới noi theo. Các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN; gương mẫu chấp hành các quy định của Đảng và Nhà nước về PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ba là, sớm kiện toàn các cơ quan PCTN trên tinh thần Nghị quyết Đại hội X, Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) bảo đảm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan này. Trước mắt cần khẩn trương nghiên cứu, kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương và ban chỉ đạo PCTN các tỉnh để đảm bảo việc chỉ đạo thường xuyên, kịp thời đối với các cơ quan có chức năng phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng và chỉ đạo xử lý cán bộ, đảng viên có hành vị tham nhũng. Bổ sung một số thành viên của ban chỉ đạo, bao gồm cả thành viên chuyên trách và kiêm chức. Các cấp ủy đảng, nhất là ban thường vụ, ban cán sự đảng, đảng đoàn, các tổ chức đảng cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chặt chẽ. Tăng cường kiểm tra, giám sát và thúc đẩy công tác PCTN, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của các cấp ủy và tổ chức đảng.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, các cấp, các ngành đã nghiêm túc, tích cực quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 3. Công tác PCTN đã đạt một số kết quả chuyển biến tích cực trên một số lĩnh vực, có ý nghĩa quan trọng, góp phần ổn định và phát triển đất nước. Tuy nhiên, công tác PCTN vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Nạn tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn đẩy lùi, còn gây bức xúc lớn trong xã hội và đang là thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý nhà nước.
Theo Thủ tướng, để làm tốt công tác đấu tranh PCTN, trước hết cần quan tâm đến giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Đồng thời tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp:
1. Nâng cao hơn nữa quyết tâm, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; nâng cao vai trò và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đặc biệt là tổ chức cơ sở đảng; nâng cao tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên.
2. Tập trung chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách trong quản lý kinh tế - xã hội của bộ máy nhà nước; tránh xin - cho, tạo sơ hở cho tiêu cực, nhất là ở các lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản, thu chi ngân sách, đầu tư công, quản lý doanh nghiệp nhà nước.
3. Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về công tác cán bộ. Thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong tuyển dụng, đánh giá, bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, trong khen thưởng, kỷ luật cán bộ. Tiếp tục hoàn thiện chính sách rõ ràng và minh bạch về tiền lương, đất đai, nhà ở cho cán bộ, khắc phục bằng được những cơ chế có thể tạo ra đặc quyền đặc lợi.
4. Xây dựng bộ máy các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng và cơ quan bảo vệ pháp luật thật sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
5. Dân chủ, công khai, minh bạch đối với những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường hiệu lực giám sát của Quốc hội, HĐND, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân đối với bộ máy công quyền.
6. Kiện toàn bộ máy cơ quan Ban Chỉ đạo PCTN ở Trung ương và các địa phương.