Sáng 5-12, Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 16 đã bế mạc. Hội nghị đã biểu quyết thông qua mục tiêu và một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2014 và giai đoạn 2014-2015; mức thu nhập xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo và chỉ tiêu thực hiện chương trình giảm hộ nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 2014-2015.
Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức, khó khăn
Tại phiên bế mạc, Hội nghị đã biểu quyết thông qua mục tiêu năm 2014: Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc kinh tế TP; đẩy mạnh thực hiện 6 chương trình đột phá của TP; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng; đảm bảo an sinh xã hội, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; làm tốt vai trò đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp ngày càng lớn cho cả nước…
Theo đó, TPHCM phấn đấu GDP năm 2014 tăng 9,5-10%; GDP bình quân trung hai năm 2014-2015 là 10,5-11%; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội dự kiến chiếm khoảng 31% GDP; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn cả nước… Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải cho rằng không đặt quá nặng mục tiêu về lượng mà cần quan tâm đặc biệt đến chất lượng tăng trưởng như tinh thần Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ TP. Nhiệm vụ trọng tâm của TPHCM trong năm 2014 là khai thác mọi tiềm năng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, khai thác thị trường, nhất là 4 nhóm ngành công nghiệp và 9 nhóm ngành dịch vụ là thế mạnh của TP. Chính quyền TP phải thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Sự chia sẻ khó khăn của nhà nước đối với doanh nghiệp là sức mạnh tinh thần động viên doanh nghiệp vượt qua thách thức hiện nay.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải nhấn mạnh, TP phải chủ động và vận dụng sáng tạo các nghị quyết của Trung ương nhằm giải quyết đồng bộ 4 vấn đề đang đặt ra: giải quyết hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường và đầu tư; giảm chi phí sản xuất - kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm; vốn tín dụng; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. “Phải tổ chức rà soát từng ngành, từng loại hình doanh nghiệp để xác định những doanh nghiệp khó khăn về thị trường, tín dụng để có cách hỗ trợ khác nhau, nhất là các doanh nghiệp bất động sản; doanh nghiệp xây dựng đang thực hiện các dự án nhà ở đang có thị trường; các dự án hạ tầng giao thông. Phải đạt ra mục tiêu là không để bất luận doanh nghiệp nào đang có thị trường đầu ra, nhưng do thiếu vốn phải hạn chế hoạt động, phải tạm ngưng sản xuất, phải dừng đầu tư” – đồng chí Lê Thanh Hải chỉ rõ.
Nỗ lực lấy lại niềm tin của nhà đầu tư
Theo đồng chí Lê Thanh Hải, trong 3 năm qua, việc đầu tư đồng bộ và nhanh chóng vào kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đã mang lại kết quả rõ nét. Ùn tắc giao thông đã giảm đáng kể, thành phố thông thoáng hơn so với các năm trước đây. Do đó, trong giai đoạn 2014-2015 phải kiên trì thực hiện mục tiêu quan trọng này nhằm tạo tiền đề vững chắc cho quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, thực hiện thắng lợi Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về TPHCM.
Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải chỉ rõ: “Các dự án BOT, BT, PPP đang gặp khó khăn từ cơ chế và từ cách thực hiện của chúng ta. Cần có sự tổng kết, rút ra những kiến nghị cần thiết đối với Trung ương và cũng rút kinh nghiệm về những tồn tại yếu kém trong cách thực hiện của mình. Phải tháo gỡ và thu hút đẩy mạnh các hình thức “công tư đối tác” trong xây dựng hạ tầng đô thị. TP phải có tác động mạnh mẽ lấy lại niềm tin của nhà đầu tư theo các hình thức xã hội hóa hạ tầng đô thị”.
Đề cập đến nhiệm vụ xây dựng đề án tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế TP, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải đề nghị UBND Thành phố sớm hoàn thiện đề án. Các nội dung tái cơ cấu kinh tế nhất thiết phải gắn với việc đề nghị cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện. Phải có lộ trình và bước đi từng năm, trong đó có thể lồng ghép những mục tiêu, giải pháp ngắn hạn với các mục tiêu, giải pháp trung - dài hạn. Đặc biệt ưu tiên tái cơ cấu 3 lĩnh vực: đầu tư (tập trung đầu tư công), doanh nghiệp (tập trung doanh nghiệp nhà nước), thị trường tài chính (ưu tiên hệ thống ngân hàng thương mại).
Nhật Thụy