* Quốc hội thông qua Nghị quyết về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 với đa số đại biểu tán thành.
Nghị quyết đã chỉ rõ: Công trình đường Hồ Chí Minh đã từng bước phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của cả nước; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; góp phần xóa đói, giảm nghèo, nhất là ở các khu vực, địa phương có tuyến đường đi qua. Những kết quả đạt được đã khẳng định chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh là đúng đắn. Bên cạnh những kết quả đạt được, Quốc hội nhận thấy việc thực hiện Công trình chưa bảo đảm tiến độ; chất lượng xây dựng, hạ tầng kỹ thuật của một số đoạn, tuyến chưa bảo đảm tiêu chuẩn và yêu cầu thoát lũ; lưu lượng phương tiện ở một số khu vực còn thấp; công tác di dân, tái định cư tại một số địa phương chưa đạt yêu cầu; chậm triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội dọc tuyến làm hạn chế hiệu quả tổng hợp của dự án.
Trong Nghị quyết có điều chỉnh nội dung Điều 1 Nghị quyết số 38/2004/QH11: Tổng chiều dài toàn tuyến là 3.183 km, trong đó tuyến chính dài 2.499 km, nhánh phía Tây dài 684km; hướng tuyến; quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật... Đến năm 2020: Hoàn thành các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô 2 làn xe. Sau năm 2020: Nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam. Nguồn vốn đầu tư để thông tuyến vào năm 2020: Vốn trái phiếu Chính phủ tập trung cho các dự án thành phần cấp thiết do Quốc hội quyết định. Vốn ODA và các hình thức đầu tư khác (BT, BOT, PPP) được sử dụng để hoàn thành các dự án thành phần còn lại. Cơ cấu nguồn vốn và dự toán từng dự án thành phần do Chính phủ thẩm định, phê duyệt và báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội theo kế hoạch hằng năm.
Quốc hội thông qua Nghị quyết đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về Bảo hiểm Y tế, tiến tới Bảo hiểm Y tế toàn dân với 95.78%.
Quốc hội tán thành với Báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội và những nội dung cơ bản về kết quả thực hiện, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2009-2012. Đến cuối năm 2012, đã có gần 70% dân số tham gia BHYT; người có công, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên, người dân đang sinh sống ở vùng biển đảo đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ để tham gia BHYT; mạng lưới cơ sở y tế, bảo hiểm xã hội được tổ chức rộng khắp, người tham gia BHYT được hưởng dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB), nhiều kỹ thuật y tế hiện đại và thuốc mới; quỹ BHYT đã đảm bảo cân đối và có kết dư… Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT.
Quốc hội giao Chính phủ thực hiện nhiệm vụ và chỉ tiêu sau đây: Bảo đảm đến năm 2015 đạt ít nhất 75% dân số tham gia BHYT và năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT. Đến năm 2020 hoàn thiện việc đầu tư trạm y tế xã ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, giảm ít nhất 50% tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến tỉnh, trung ươn… Trước năm 2018 hoàn thiện việc quy định gói dịch vụ y tế cơ bản do BHYT chi trả phù hợp với mức đóng và điều kiện kinh tế - xã hội và trước năm 2018 hoàn thành việc liên thông hệ thống phần mềm công nghệ thông tin giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ sở KCB nhằm cải tiến thủ tục hành chính trong KCB, nâng cao hiệu quả công tác giám định BHYT, quản lý, sử dụng quỹ BHYT. Chấn chỉnh, nâng cao y đức và chất lượng KCB... Phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân. Định kỳ 2 năm một lần báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết này với Quốc hội. Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp đưa chỉ tiêu tham gia BHYT vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm…
Thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn với 95.58% đại biểu tán thành.
Quốc hội ghi nhận cố gắng của Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5; hoan nghênh các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã tập trung giải quyết, trả lời 2007 ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 và các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến các kỳ họp trước chưa được giải quyết, trả lời.
Quốc hội đã tiến hành phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn trong không khí dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng; với nội dung chất vấn tập trung vào những vấn đề bức xúc, được thực tiễn cuộc sống đặt ra, cử tri cả nước và đại biểu Quốc hội quan tâm.
Quốc hội ghi nhận các giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, Trưởng ngành đã cam kết trước Quốc hội và yêu cầu Đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ và lĩnh vực cán bộ, công chức, viên chức; đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và lĩnh vực thông tin, truyền thông; Đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và hoạt động của ngành Toà án nhân dân.
Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét những vấn đề bức xúc, được các vị đại biểu Quốc hội quan tâm và cử tri kiến nghị để tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tổ chức báo cáo giải trình tại phiên họp Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và tổ chức giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp Quốc hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan, tổ chức hữu quan, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết này. Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Thu Thủy