Tỉnh uỷ Bắc Kạn sơ kết công tác đánh giá cán bộ giai đoạn 2010-2015
Toàn cảnh hội nghị.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Vụ Địa phương I và thành viên Tổ Biên tập Đề án xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý của Ban Tổ chức Trung ương; các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành; bí thư, chủ tịch, trưởng ban tổ chức, trưởng phòng nội vụ các huyện, thành phố trong toàn tỉnh.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ khẳng định: Công tác đánh giá cán bộ là khâu quan trọng trong công tác cán bộ, được Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo, quyết tâm tạo chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Cần đánh giá đúng thực trạng công tác cán bộ trong những năm qua; tham gia, đóng góp ý kiến, sâu sát, cụ thể làm cơ sở để phục vụ Đề án xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý của Ban Tổ chức Trung ương.

Thời gian qua, Tỉnh uỷ Bắc Kạn đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, cụ thể hoá thành các quy định, hướng dẫn áp dụng chung cho toàn đảng bộ. Các cấp uỷ đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng đã kịp thời triển khai, có nhiều cố gắng cụ thể hoá thành các quy định, hướng dẫn đánh giá cán bộ của cấp mình và cấp dưới. Nhờ đó, công tác đánh giá cán bộ trên địa bàn tỉnh đã cơ bản bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, dân chủ, đúng nguyên tắc, quy trình, quy định và trở thành việc làm thường xuyên của cấp uỷ, chính quyền. Qua đó, cấp uỷ các cấp có căn cứ để bố trí, sử dụng cán bộ đúng người đúng việc, đồng thời, kịp thời phát hiện và xử lý những cán bộ vi phạm tiêu chuẩn hoặc đưa ra khỏi vị trí, cương vị công tác quan trọng, làm trong sạch bộ máy…

Giai đoạn 2013 - 2015, bình quân hằng năm, Bắc Kạn có 33,2% cán bộ xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 64,05% cán bộ xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ, 2,71% cán bộ hoàn thành nhiệm vụ và 0,04% cán bộ xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ. Số lượng cán bộ được xem xét đưa vào các chức danh quy hoạch bảo đảm đạt hệ số từ 1,5 - 2 lần; hơn 1.500 lượt cán bộ được điều động, bổ nhiệm mới, bổ nhiệm lại và giới thiệu ứng cử các chức vụ lãnh đạo, quản lý từ tỉnh đến cơ sở; trên 2.600 lượt cán bộ được bố trí đi đào tạo chuyên môn, lý luận chính trị và trên 10.200 lượt cán bộ được bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đánh giá cán bộ của tỉnh Bắc Kạn vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như: Kết quả đánh giá cán bộ vẫn chưa thực chất, chưa phản ánh đúng về năng lực, và bản lĩnh chính trị của cán bộ; việc tự đánh giá kết quả công tác của cán bộ nhìn chung còn máy móc, sao chép theo nguyên mẫu hoặc sao chép lẫn nhau; việc tham gia đóng góp ý kiến nhận xét, đánh giá đối với cán bộ tại các cuộc họp còn nể nang, né tránh, nhất là khi tham gia góp ý kiến cho lãnh đạo đơn vị, chỉ nhấn mạnh và nêu nhiều về ưu điểm… Nguyên nhân của các hạn chế, tồn tại trong công tác đánh giá cán bộ của Bắc Kạn là: sự nể nang, né tránh, “dĩ hoà vi quý”; chạy theo thành tích; cục bộ địa phương, dòng họ; bè phái, lợi ích nhóm; vai trò người đứng đầu chưa được phát huy.

Các ý kiến phát biểu tại hội nghị thống nhất cao về sự cần thiết phải xây dựng và hoàn thiện về tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ trong thời kỳ mới; các tiêu chí đánh giá phải đảm bảo tính định lượng cao, thật cụ thể và sát cho từng đối tượng; xác định vai trò quyết định của việc tổ chức xây dựng và hoàn thiện về vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức; tiêu chuẩn chức danh đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý và quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm đối với người đứng đầu và coi đây là giải pháp đột phá góp phần để công tác đánh giá cán bộ trong thời gian tới đạt chất lượng, hiệu quả hơn.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ đề nghị Trung ương sớm hoàn thiện và ban hành quy định về tiêu chuẩn cán bộ; quy định khung tiêu chí đánh giá cán bộ trong thời kỳ mới, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp để các địa phương, đơn vị làm căn cứ xây dựng bộ tiêu chi cụ thể, chi tiết cho địa phương, đơn vị mình. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị, địa phương trong tỉnh hoàn thành việc xác định vị trí việc làm, sắp xếp đúng khung năng lực, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, công chức viên chức; quy định rõ tiêu chuẩn đối với từng chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; tiếp tục nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cán bộ theo hướng lượng hoá tối đa, xác định cụ thể đầu mối công việc, các phương pháp đánh giá sáng tạo, hiệu quả. Các đơn vị, địa phương cần phát huy tinh thần trách nhiệm, thực hiện quy chế dân chủ, từng bước khắc phục tình trạng “dĩ hoà vi quý”, nể nang, né tránh, cục bộ địa phương, dòng họ... tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đánh giá cán bộ trong toàn Đảng bộ.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất