Ngày 18-3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn công tác Trung ương đã đến thăm, làm việc tại thành phố Đà Nẵng, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn, theo tinh thần nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XX của Đảng bộ thành phố và các nghị quyết, kết luận của Trung ương.
Làm việc với cán bộ chủ chốt của thành phố Đà Nẵng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh vai trò, vị trí quan trọng của Đà Nẵng, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, giữa các di sản văn hóa thế giới là cố đô Huế, phố cổ Hội An và khu di tích Mỹ Sơn; là cửa ngõ giao thông quan trọng, điểm cuối của hành lang kinh tế Đông-Tây.
Tổng Bí thư vui mừng nhận thấy Đà Nẵng đã có bước phát triển nhanh, khá toàn diện, có dấu ấn rõ rệt, được cả nước thừa nhận.
Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XX của Đảng bộ thành phố, Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
GDP tăng bình quân 10%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng với tỷ trọng dịch vụ chiếm 55,4%, công nghiệp 42,2%, nông nghiệp 2,4%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 56 triệu đồng/người/năm, bằng 1,6 lần mức bình quân cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội và đô thị tiếp tục được đầu tư khá mạnh, nhiều công trình lớn được khởi công xây dựng, góp phần tăng cường kết nối giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh trong vùng. Các lĩnh vực dịch vụ tiếp tục phát triển.
Năm 2013, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của thành phố đạt trên 1,3 tỷ USD, du lịch thu hút trên 3,1 triệu lượt khách; sản lượng hàng hóa qua Cảng Đà Nẵng đạt trên 5 triệu tấn; tổng thu ngân sách nhà nước vượt mức dự toán, đạt hơn 11.800 tỷ đồng.
Kinh tế tăng trưởng, thu ngân sách vượt dự toán, đã tạo điều kiện cho thành phố thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo, chăm lo các đối tượng chính sách, cải thiện đời sống nhân dân. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt kết quả tích cực, hoạt động ngày càng hiệu quả, hướng về cơ sở.
Sở dĩ có được những thành công đó, trước hết là do Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Đà Nẵng đã có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, năng động sáng tạo, mạnh dạn quyết liệt, đã biết khai thác nguồn lực đất đai, con người, biến các tiềm năng thế mạnh thành của cải vật chất.
Tổng Bí thư đề nghị từ thực tiễn xây dựng, phát triển tại địa phương, Đà Nẵng cần chia sẻ kinh nghiệm, những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước; kết quả thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường; thí điểm mô hình Bí thư đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cùng cấp; việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý; cấp ủy, người đứng đầu thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với dân... góp phần thiết thực vào việc tổng kết 30 năm đổi mới của Trung ương.
Tuy nhiên, Đà Nẵng cũng còn những hạn chế, khuyết điểm cần sớm khắc phục như kinh tế tăng trưởng khá nhưng quy mô còn nhỏ, tích lũy còn hạn chế. Đầu tư phát triển các lĩnh vực sản xuất còn chậm, chưa thu hút được doanh nghiệp lớn đầu tư để thúc đẩy sản xuất phát triển nhanh, mang tính đột phá.
Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, một số vấn đề an sinh xã hội còn bức xúc, hoạt động văn hóa-nghệ thuật phát triển chưa toàn diện; giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị còn nhiều vấn đề cần quan tâm, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cơ sở. Thành phố vẫn chưa thực sự phát huy tốt vai trò động lực, có sức lan tỏa, liên kết, thúc đẩy các tỉnh trong vùng cùng phát triển.
Đà Nẵng cần luôn quan tâm tổng kết, sơ kết rút kinh nghiệm, nhận rõ những việc đã làm được, những việc chưa làm được, nhận rõ mặt mạnh, mặt tốt để phát huy, hạn chế tối đa những hạn chế, khuyết điểm, đó là thái độ nghiêm túc nhất của người cách mạng, người cộng sản.
Tổng Bí thư cho rằng Đà Nẵng có tiềm năng rất lớn cả về nguồn lực con người, vị trí hết sức thuận lợi cho phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp, cảng biển... lại có truyền thống cách mạng kiên cường.
Để duy trì đà tăng trưởng và tiếp tục phát triển bền vững, Đà Nẵng còn nhiều việc phải làm, cần có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện cho được các mục tiêu nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 33, Kết luận số 75 của Bộ Chính trị. Đó là xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, một trung tâm kinh tế-xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm dịch vụ, thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng, trung tâm bưu chính viễn thông-công nghệ thông tin và tài chính-ngân hàng; một trong những trung tâm y tế, văn hóa-thể thao, giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực và cả nước; có tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; cơ bản trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020; tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Tổng Bí thư chỉ rõ Nghị quyết ban hành rồi, nhưng triển khai thực hiện nghị quyết mới khó, làm sao để nghị quyết đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến trong thực tiễn. Muốn vậy, cần tập trung tháo gỡ cơ chế chính sách, quy trình thủ tục, việc nào khó thì xin làm thí điểm, từng bước chắc chắn, tránh vấp váp không đáng có; tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo đồng thuận, quyết tâm cao, đồng thời phải phân công, phân nhiệm rõ ràng.
Đà Nẵng cần chuẩn bị chu đáo cho Đại hội nhiệm kỳ tới, cả về nhân sự và văn kiện, định hướng những việc phải làm trong nhiệm kỳ tiếp theo. Là địa phương đã phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển trong thời gian qua, tuy nhiên đất đai có hạn, Đà Nẵng cần xác định rõ, tìm ra nguồn lực mới để có thể tiếp tục phát triển, đi lên trong giai đoạn tới.
Tổng Bí thư nhấn mạnh cùng với phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, thì xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, trong đó công tác cán bộ là then chốt của then chốt. Phải chống cho được hiện tượng suy thoái về đạo đức lối sống trong cán bộ đảng viên, chống phai nhạt lý tưởng, chủ nghĩa cá nhân, tạo đoàn kết thống nhất cao, giữ cho được ổn định chính trị, đoàn kết thống nhất cao trong Đảng, trong dân, giữ mối liên hệ mật thiết gắn bó giữa dân với Đảng, giữa Đảng với dân, có như vậy Đảng mới thực sự trong sạch vững mạnh, mãi mãi trường tồn.
Trước đó, sáng 18-3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác Trung ương đã đến thăm Công ty trách nhiệm hữu hạn TCIE (chuyên lắp ráp ôtô), một hình thức hợp tác mới giữa Malaysia và Nhật Bản tại Việt Nam.
Tổng Bí thư vui mừng nhận thấy công ty đã có những thành quả ban đầu trong hoạt động sản xuất, đồng thời giúp Việt Nam đào tạo nhân lực, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Thực hiện chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam sẵn sàng hợp tác, học tập kinh nghiệm phát triển của các nước, trong đó có Ma-la-sia.
Cũng trong buổi sáng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm hỏi, động viên anh chị em công nhân, kỹ sư đang thi công dự án Nút giao thông khác mức Ngã ba Huế; thăm Nhà máy may veston Hòa Thọ, thuộc Tổng công ty cổ phần dệt may Hòa Thọ.
Tại đây, Tổng Bí thư đã tham quan dây chuyền sản xuất của nhà máy, thăm hỏi tình hình việc làm, thu nhập, điều kiện ăn, ở của công nhân, công tác bảo hộ lao động, hoạt động của các đoàn thể như công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ...
Hiện nay, Tổng công ty có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 71,6% vốn; với hơn 7.600 cán bộ công nhân viên, làm việc tại 18 công ty, nhà máy thành viên. Năm 2013, doanh thu của Tổng công ty đạt gần 2.500 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 100 triệu USD, thu nhập bình quân của người lao động đạt 5.100.000 đồng/người/tháng, nộp ngân sách hơn 76 tỷ đồng.
Tổng Bí thư mong muốn Tổng công ty tiếp tục phát huy thành tựu, kinh nghiệm đã có, thực hiện quy trình sản xuất hiện đại, khẳng định thương hiệu, uy tín, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Là đơn vị sử dụng nhiều lao động, trong đó 60% là lao động nữ, Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý Tổng công ty quan tâm chăm lo cả đời sống vật chất và đời sống tinh thần cho công nhân, trước hết là lo nhà ở, tạo điều kiện để anh chị em an cư lạc nghiệp. Muốn vậy, lãnh đạo công ty cần quan tâm, tạo điều kiện để hoạt động của công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ ngày càng thực chất, hiệu quả hơn.
Nguồn: TTXVN